Với thông điệp “Thành phố đáng sống”, một số dự án đầu tư nước ngoài với số vốn hàng tỉ USD đang được các nhà đầu tư thăm dò đưa về TP.HCM.
Công nhân nhà máy Sankyo trong Khu công nghệ cao TP.HCM sản xuất thiết bị điện tử – Ảnh: Thuận Thắng |
Tại buổi gặp gần đây với lãnh đạo UBND TP.HCM, ông Kelvin Teo, tổng giám đốc Sembcorp Development (Singapore), cho biết khi cân nhắc đầu tư dự án công viên sáng tạo tại VN, giữa hai thành phố lớn của VN, tập đoàn đã nghiêng về TP.HCM do những điều kiện thuận lợi trong lĩnh vực công nghệ cao, hạ tầng phát triển và nguồn nhân lực cao.
Đại diện Sembcorp Development khẳng định đây không phải là khu công nghiệp thông thường mà là nơi tích hợp không gian nghiên cứu và phát triển, các dự án năng lượng tái tạo, khu mua sắm, nhà ở cho chuyên gia, kỹ sư…, đồng thời nằm gần tuyến tàu điện ngầm. Nếu đàm phán thành công, việc trao giấy phép đầu tư dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10-2016 đúng dịp kỷ niệm 20 năm SembCorp có mặt tại VN.
Trong khi đó, những người quan tâm cũng đang nức lòng trước thông tin nhóm nhà đầu tư Hoa Kỳ muốn đầu tư một dự án tỉ đô vào khu đô thị Thủ Thiêm (Q.2). Tuy còn nhiều công đoạn phải xem xét nhưng những thông tin tích cực trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của dự án nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư ngoại quan tâm, tạo lan tỏa tốt.
Thực tế thu hút vốn FDI ở TP.HCM từ đầu năm đến nay sụt giảm, giảm đến gần 50% so với năm trước.
Tính đến trung tuần tháng 5-2016, TP.HCM chỉ thu hút được gần 650 triệu USD vốn FDI, giảm gần 408 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Nếu đặt trong bối cảnh FDI cả nước trong 5 tháng đầu năm tiếp tục đạt mức tăng kỷ lục so với những năm gần đây thì tình hình ngược lại của TP.HCM khiến không ít người băn khoăn.
Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch, nguyên phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng việc sụt giảm thu hút FDI của TP so với các địa phương như hiện nay là bình thường.
Với thông điệp thu hút vốn FDI khá rõ ràng, TP.HCM không chào đón những ngành thâm dụng lao động, chỉ ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, trong khi đó, nhìn vào luồng vốn FDI tăng nhanh thời gian qua dễ thấy hầu hết chảy vào các dự án sản xuất tận dụng nguồn nhân công lao động giá rẻ, ưu đãi thuế.
“FDI đang đổ xô vào những địa phương có những ưu đãi thuế cho nhà đầu tư như giảm thuế 10-15%, những vùng đất hầu như cho không, đi khá xa khu vực TP.HCM” – ông Lịch phân tích.
Ông Trần Du Lịch cho rằng từ câu chuyện thu hút vốn FDI hiện nay để cần khẳng định lại lần nữa thu hút FDI không thể mạnh ai nấy làm. TP.HCM muốn phát triển phải dựa trên tổng thể phát triển bền vững, cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chứ như hiện nay, tỉnh nào rào tỉnh đó thì không thể chấp nhận được.
Cần xây dựng được tổng thể các mối quan hệ gồm tổ chức lại lực lượng sản xuất trên địa bàn, giải quyết chung hệ thống giao thông kết nối, phát triển vùng đô thị, thị trường lao động chung, giải quyết môi trường chung.
Sắp tới VN tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, dự báo một lượng lớn vốn FDI sẽ vào VN. Để tận dụng cơ hội mở cửa thị trường, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần có một quy định xây dựng các tiêu chuẩn phát triển bền vững cho doanh nghiệp FDI.
Hoặc phải có cách đánh giá khác về hiệu quả thu hút đầu tư, tính GDP phải đi kèm lợi nhuận từ nước ngoài chuyển về sau khi trừ đi lợi nhuận FDI chuyển về nước họ chứ không thể chạy đua con số như vừa qua.
NHƯ BÌNH (TTO)
Bình luận (0)