Muốn học sinh chăm chỉ học tập, thay vì phê phán những thói quen xấu của các em, giáo viên chủ nhiệm cần động viên, khuyến khích các em cố gắng học tập tốt (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: D.Bình |
Nhiều người nói họp phụ huynh chẳng có gì khác ngoài chuyện đóng tiền. Có lẽ ta không nên nặng nề chuyện đóng tiền như vậy, bởi trong nhiều trường hợp, các khoản đóng góp luôn có ý nghĩa tích cực và thiết thực đối với quá trình học tập của trẻ.
Trên thực tế, có một số vấn đề khác cũng đáng bàn, như trong câu chuyện từ một buổi họp phụ huynh ở một trường THCS mà tôi vừa dự.
Thư mời ghi 7 giờ 30 nhưng đến giờ họp chỉ có vài phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm cũng không có mặt. 7 giờ 45, giáo viên chủ nhiệm bước vào, không nói gì, chỉ lặng lẽ ghi các khoản thu theo quy định, từ học phí, bán trú phí đến phí vệ sinh, học phí bơi… Ghi xong, cô giáo chìa 2 tờ giấy cho 2 phụ huynh và nói: “Em thu tiền giúp chị”. Khi đến bàn tôi thì tôi mới biết đó là bảng đăng ký thực hiện sổ liên lạc điện tử (100.000 đồng/năm học với 200 tin nhắn SMS), bảng danh sách phụ huynh đóng góp quỹ khuyến học của trường. Rồi cô lại đưa một biểu mẫu cho một phụ huynh khác và nói: “Em làm thư ký giùm chị nhé!”. Có vài phụ huynh xì xầm: “Cô giáo sao cứ gọi phụ huynh là em?”. Tôi nghe nhưng cũng không ngạc nhiên, bởi cô giáo trông lớn tuổi hơn hầu hết phụ huynh trong lớp, có lẽ cô thể hiện sự thân mật!
Chắc cũng vì thân mật, khi phổ biến một số công việc của trường, của lớp, cô giáo cũng không ngại ngần nêu thí dụ các trường hợp về học sinh của lớp mình. Nói về việc chấp hành nội quy, cô không ngại nhắc đến em A, B, C… hay nói chuyện trong lớp, hay đi trễ, không đeo khăn quàng…; nói về đoàn kết trong lớp, cô nhắc đi nhắc lại em D vừa không chép bài, không tham gia các phong trào của lớp vừa nói chuyện trong lớp, đến độ bị các bạn trong lớp phản ứng, nào là “cô ơi đừng để bạn ngồi gần em, vì bạn ấy nói chuyện nhiều quá”, nào là “cô ơi, đừng xếp bạn ấy vào tổ em, vì bạn làm tổ bị trừ điểm thi đua hoài”. Gần như khuyết điểm nào của lớp thì D cũng được cô giáo nhắc đến, và cô cũng hướng về phía phụ huynh em ấy, làm tôi nghĩ bụng, nếu tôi là phụ huynh, chắc tôi phải ra về sớm để khỏi ngượng! Cô cũng nêu tên mấy học sinh lưu ban, mấy em không làm bài thực hành…
Nhân nói đến các lỗi vi phạm của học sinh, giáo viên chủ nhiệm cũng thẳng thắn nêu lên các biện pháp xử lý. Ngoài phê bình trên lớp, cô cũng nêu ra một số biện pháp khác, như viết bản tự kiểm, mời phụ huynh lên nói chuyện, bắt nằm dài trên bàn đánh đòn… Cô cũng nói rõ, chỉ đánh 1-2 roi “để các em sợ hoặc vì quê với các bạn mà không tái phạm”. Còn với lỗi xả rác, sau nhiều hôm nhắc nhở không có kết quả, cô nói “mỗi lần xả một mẩu rác thì bị phạt 1.000 đồng, đến cuối năm đem số tiền này làm liên hoan, coi như em nào hay xả rác phải bao các em nghiêm túc”. Tôi chợt thấy trên tường có dán một câu khẩu hiệu đại ý “khoan dung sinh lòng kiên nhẫn” và băn khoăn liệu các cách phạt trên đã có tính đến yếu tố khoan dung chưa?
Con em chúng tôi liên tục bị phê bình, bản thân chúng tôi liên tục bị nhắc nhở, đề nghị, khiến tôi tự hỏi câu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” liệu có thật không hay chỉ là khẩu hiệu… |
Ý kiến của giáo viên chủ nhiệm không phải không được phụ huynh ủng hộ. Có phụ huynh nói vọng lên: “Cô phải nghiêm khắc thì tụi nhỏ mới chịu học!”; một số người khác thì gật gù có ý đồng tình. Nhưng cũng có phụ huynh nói với người bên cạnh: “Thấy cô phạt nhiều quá, vậy vô lớp lo tránh bị phạt cũng mệt, không còn nhiều tâm trí để học”. Sau đó giáo viên chủ nhiệm phổ biến và thí dụ nhiều việc nên hết giờ, rốt cuộc không có phần dành cho phụ huynh phát biểu. Sau buổi họp, có vài người nán lại nói thêm ít câu với cô giáo nhưng dĩ nhiên ý kiến này chỉ mang tính trao đổi riêng, không được ghi thành biên bản để gửi về ban giám hiệu.
Tôi chưa từng dự cuộc họp phụ huynh nào có cảm giác nặng nề như vậy, kể cả có cuộc có ý kiến khác nhau về vài khoản đóng góp nhưng cũng nhanh chóng đi đến thống nhất. Còn trong cuộc họp này, con em chúng tôi liên tục bị phê bình, bản thân chúng tôi liên tục bị nhắc nhở, đề nghị, khiến tôi tự hỏi câu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” liệu có thật không hay chỉ là khẩu hiệu, khi con em chúng tôi vốn đã chịu áp lực bài vở lại còn phải chịu nhiều áp lực phạt vạ như thế. Tôi hiểu giáo viên chủ nhiệm cũng vì muốn học sinh chăm chỉ học tập, giữ gìn kỷ luật và tham gia tốt các phong trào nhưng hình như các em phải học tập trong môi trường nặng nề về phê phán, bị buộc phải làm hơn là một môi trường có sự động viên, khuyến khích để tự giác thực hiện. Tôi nghĩ, giá như có thêm những cách ứng xử khác thì sẽ hay hơn!
Minh Tâm
Cần sự trao đổi, lắng nghe hai chiều Theo tôi, cuộc họp phụ huynh nên có sự trao đổi, lắng nghe, hợp tác thì chắc sẽ tốt hơn, không chỉ cho phụ huynh, cho giáo viên chủ nhiệm mà chính là cho học sinh. Thông thường tan cuộc họp phụ huynh, tôi hay nán lại để trao đổi riêng với giáo viên về con mình, nhưng lần này tần ngần một lúc tôi đi về luôn, bởi e rằng vì không vui mà có thể có ý kiến nào đó làm phật ý giáo viên chủ nhiệm thì có thể con mình sẽ “được chú ý” không cần thiết, khi mà giáo viên thấy rằng mình có nhiều kinh nghiệm, có nhiều giải pháp mà không cần lắng nghe ý kiến trao đổi của phụ huynh… |
Bình luận (0)