Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tiền Giang cứu được 27.000 ha lúa từ hạn, mặn

Tạp Chí Giáo Dục

Trong số hơn 29.000ha lúa đông xuân ở Tiền Giang bị hạn, mặn tấn công, tỉnh đã cứu được tới 27.000ha, trị giá khoảng 900 tỉ đồng.

Tiền Giang cứu được 27.000 ha lúa từ hạn, mặn
Nhờ tổ chức các biện pháp chống hạn, mặn có hiệu quả nên chỉ có khoảng 2.000ha lúa ở tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại. Tỉnh cứu được tới 27.000ha lúa, trị giá gần 900 tỉ đồng – Ảnh: V.TR.

Tại cuộc họp chiều 21-3, ông Nguyễn Thiện Pháp – chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết đến thời điểm này công tác chống hạn, mặn ở các huyện ven biển suốt từ tháng 1-2016 đến nay cơ bản đã ổn. 

Trong số hơn 29.000ha lúa đông xuân ở vùng này bị hạn, mặn tấn công, tỉnh đã cứu được tới 27.000ha. Diện tích bị thiệt hại và giảm năng suất chưa tới 10%.

Tính trung bình năng suất lúa 6 tấn/ha và giá 5.000 đồng/kg thì thiệt hại của người dân vào khoảng 80 tỉ đồng, kể cả năng suất giảm. Diện tích lúa được cứu trị giá khoảng 900 tỉ đồng, góp phần ổn định đời sống người dân

Ngoài ra, tỉnh cũng đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân ven biển bằng giải pháp kéo đường ống đưa nước ngọt từ TP Mỹ Tho về hòa vào các trạm cấp nước nông thôn; dùng sà lan chở nước ngọt cứu khát cho hàng chục ngàn hộ dân ở cù lao Tân Phú Đông.

Còn một số vùng đang thiếu nước, UBND tỉnh giao hai công ty cấp nước của tỉnh khẩn trương có giải pháp đưa nước ngọt đến cho dân sử dụng. Ngoài ra cần khẩn trương thống kê, lên danh sách người dân bị thiệt hại để chi tiền hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.

Ông Lê Văn Hưởng, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, yêu cầu ngay từ bây giờ phải chuyển “mặt trận” chống hạn, mặn về các huyện phía Tây – nơi có hơn 60.000ha cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và khoảng 16.000ha khóm. Ngoài ra, đây là nơi có các nhà máy nước lớn đang đảm đương nhiệm vụ cấp nước cho gần 2/3 dân số của tỉnh và các khu công nghiệp tại TP Mỹ Tho.

Hiện nay vùng này không chỉ bị nước mặn trên sông Tiền bao vây mà nước mặn từ hướng sông Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An) cũng bắt đầu đe dọa vùng chuyên canh khóm tại huyện Tân Phước. Độ mặn nước sông xung quanh vùng chuyên canh cây ăn trái đều đang ở mức rất cao, nếu bị rò rỉ vào kênh, rạch thì sẽ gây thiệt hại ngay và số tiền thiệt hại là vô cùng lớn, phải mất nhiều năm nữa mới phục hồi được.

UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các huyện phía Tây gồm: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước và thị xã Cai Lậy phải bám sát địa bàn, nỗ lực hết sức để giảm tối đa thiệt hại của người dân.

Do diễn biến hạn, mặn diễn ra phức tạp và gây hậu quả quá lớn nên ông Hưởng đề nghị huy động đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh ra quân làm thủy lợi nội đồng, bảo vệ nguồn nước và vệ sinh môi trường bảo vệ sức khỏe người dân.

Ông Trần Long Thôn – trưởng ban dân vận Tỉnh ủy Tiền Giang – cũng đồng tình với chủ trương này. Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ làm việc với các đoàn thể và địa phương triển khai chủ trương này. 

Tiền Giang cứu được 27.000 ha lúa từ hạn, mặn
Tổ chức cứu hạn, mặn cho bà con nông dân – Anh: V.TR

Theo TTO

Bình luận (0)