Chương trình tư vấn tuyển sinh cho học sinh THPT do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức |
Mùa tư vấn tuyển sinh, nghề nghiệp tương lai cho các sĩ tử đã bắt đầu. Sau 12 năm ăn học, rèn luyện nay các em tìm nghề nghiệp tương lai cho mình. Nghề nghiệp đó phải thực sự gắn bó máu thịt, đi theo với mình suốt đời! Không thể nay chọn nghề này, mai chọn nghề khác hoặc chọn nghề “theo phong trào” thì vừa lãng phí thời gian, vừa lãng phí tiền bạc…
Vì vậy, học sinh phải “tự đọc” được mình; không để người khác “đọc” hộ, hiểu giùm được. Nhiều khi cảm thấy buồn vì đến thời điểm này (gần hết tháng 2) mà không ít học sinh cuối cấp không hiểu nên chọn ngành nào, học trường nào! Có thể trong quá trình ba năm học, các em chưa thực sự nghiêm túc, đầu tư có bài bản cho việc chọn ngành nghề tương lai. Nhiều em chọn ngành nghề học vào phút “89” nên đã phải ngỡ ngàng khi tiếp xúc với môn học của ngành học mà mình chọn theo kiểu “may nhờ rủi chịu”!
Muốn chọn đúng ngành nghề theo khả năng, đúng sở thích thì phải trải qua một quá trình nghiên cứu, nghiền ngẫm về ngành mình sẽ chọn, sẽ học và sẽ theo đuổi mãi sau này. Phải tự đặt câu hỏi và tự trả lời: Mình có năng khiếu gì đặc biệt, có năng lực gì nổi trội? Nếu vào học ngành đó mình sẽ gặp thuận lợi gì, gặp khó khăn gì?
Tôi từng chứng kiến nhiều học sinh học suốt ba năm cấp THPT mà không viết nổi một bài báo nhỏ; không tỏ ra năng động, nhanh nhạy đối với các vấn đề xã hội lại thi đậu vào ngành báo chí(!). Thật là nan giải khi công việc của nhà báo sau này đòi hỏi rất nhiều về năng khiếu, về sự nhạy bén; lòng dũng cảm của người cầm bút…
Bên cạnh đó cũng không thể chỉ dựa vào thông tin tư vấn một chiều mà phải có sự tư vấn đa chiều để cho mình phân tích, tổng hợp. Ngành nào cũng quý nhưng điều quan trọng là ngành đó có phù hợp khả năng học tập, khả năng tài chính của mình hay không?
Cũng không thể nhờ người lớn, nhờ cha mẹ chọn nghề giùm mình! Trong thực tế, nhiều bậc phụ huynh đã định hướng cho con phải học ngành này, không học ngành kia mặc dù không nắm được sở thích, trình độ của con… Và nhiều bậc cha mẹ đã phải thất vọng vì con không đáp ứng được yêu cầu của mình khi “chỉ đạo” con phải đậu! Nhiều bậc phụ huynh cũng đã tự trách mình khi con thất bại; họ nhận trách nhiệm về mình nhưng đã muộn…
Chim hải âu non khi tập bay, bị chim mẹ hất xuống vách đá dựng đứng. Hãy giang cánh ra và vỗ mạnh; chim non sẽ biết bay… Nếu chần chừ, chỉ muốn chim mẹ bay đến gỡ cánh ra giùm thì ôi thôi, nó đã va đầu vào vách đá.
Hãy tự vỗ cánh và bay, bạn sẽ tự tìm thấy chân trời của mình…
Hoàng Trường Sa
Bình luận (0)