Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Con bị đánh, mẹ viết bài lên facebook

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên Trường TH Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM) đang hướng dẫn học sinh lớp 1 cách đưa tay phát biểu (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Tình huống: Nhận được thông tin từ phía phụ huynh em M. (học lớp 1A) bị cô giáo đánh (phụ huynh có chụp hình đăng lên facebook kèm những lời lẽ đầy bức xúc và thiếu thiện chí) thì tôi – với cương vị là phó hiệu trưởng – đã lập tức liên hệ với phụ huynh và gặp riêng giáo viên chủ nhiệm để nghe trình bày khách quan từ cả hai phía.

Giải quyết tình huống

Về phía giáo viên chủ nhiệm: Cô giáo xác nhận việc đánh học sinh là có. Song, lý do như sau: Hôm ấy, trong giờ ăn trưa, M. ăn xong đã chạy nhảy khắp nơi, cô có yêu cầu em ổn định chỗ ngồi nhưng em không nghe lời, bởi em tuy là nữ nhưng lại rất hiếu động (có thể nói là tăng động). Không riêng gì giờ ăn hôm ấy, M. thường xuyên có hành động như vậy trong những giờ ăn trước đây và ngay cả trong giờ học. Cô giáo phần vì phải ổn định học sinh (lớp 1 khi mới vào năm học mới còn chưa quen nếp của trường tiểu học), phần cũng khá mệt mỏi vì sáng hôm ấy dạy suốt 4 tiết học, do đó, sau nhiều lần nhắc nhở nhưng M. vẫn tiếp tục không chịu ngồi yên nên cô đã thiếu kiềm chế và dùng thước khẽ vào tay em.

Về phía phụ huynh: Khi gặp tôi, họ vẫn không ngưng bức xúc. Họ nói cô giáo dữ quá, con họ sợ và đòi chuyển lớp, nếu không được giải quyết thì họ xin chuyển trường. Tôi lắng nghe và đợi họ nói hết, đến khi họ trấn tĩnh lại thì tôi chia sẻ một cách chân thành như sau: Thứ nhất, về phần cô giáo, trong việc dạy, cô đã sai vì vi phạm quyền trẻ em, xúc phạm thân thể trẻ em. Cô giáo đã thành khẩn nhận lỗi, viết bản tự kiểm và hứa rằng sẽ không bao giờ để tình trạng tương tự xảy ra. Thứ hai, về phía học sinh, em M. đã sai khi không tuân thủ theo nội quy lớp học, em đã không vâng lời cô giáo. Hơn nữa ở tình huống này, việc em chạy nhảy sau khi ăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của em, bởi chạy nhảy sau khi ăn no sẽ dễ gây chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu. Bên cạnh đó, em còn làm ảnh hưởng gián tiếp đến các bạn khác, em sẽ làm cho các bạn mất tập trung trong giờ ăn của mình. Vô hình trung, em đã làm ảnh hưởng đến kỷ luật của lớp học, vì các em đến trường không chỉ để học chữ mà còn để rèn đạo đức, kỹ năng sống, rèn kỹ năng hòa nhập vào các môi trường sống khác nhau. Thứ ba, về phía phụ huynh, phụ huynh đã sai khi đưa sự việc lên facebook như vậy, bởi điều đó đã phần nào làm mất hình tượng đẹp về cô giáo dưới góc nhìn của em M. Với học sinh lớp 1, các em rất thần tượng giáo viên của mình. Nếu để em mất niềm tin, xa lánh cô thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất tệ đến tâm lý cũng như việc học của em. Trẻ em hiếu động, mau khóc nhưng cũng sẽ chóng quên. Vậy thì, nếu phụ huynh chọn cách giải quyết nhẹ nhàng hơn, như gặp trực tiếp cô giáo để trao đổi tường tận trước khi viết bài lên facebook thì sẽ ổn thỏa hơn nhiều. Điều quan trọng là phụ huynh cần phối hợp với giáo viên trong việc rèn nền nếp cho con mình, phải giúp trẻ nhận ra rằng đến một môi trường nào thì mình phải điều chỉnh hành vi, thói quen phù hợp với môi trường đó. Và đã là học sinh thì khi đi học cần tuân thủ nội qui trường, lớp. Điều phụ huynh cần làm là phân tích cái sai của con mình, để trẻ đừng phạm lỗi tương tự, giúp trẻ ngoan hơn, biết vâng lời hơn, chứ không phải là làm cho con mình cảm thấy sợ và ghét cô giáo hơn.

Tôi cũng nói thêm với phụ huynh là cô chủ nhiệm lớp em M. là một giáo viên rất tận tâm, yêu nghề, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy lâu năm. Thực ra, giờ ăn của học sinh là do cô bảo mẫu phụ trách, đáng lẽ hôm ấy cô có thể về nghỉ ngơi sau 4 tiết dạy nhưng cô vẫn nán lại để phụ giúp bảo mẫu cho các em ăn trưa và cũng chỉ vì muốn tốt cho tất cả học sinh của mình nên cô mới lỡ tay đánh em M. Thứ tư, về phía nhà trường, ban giám hiệu đã nghiêm khắc xử lý (cắt thi đua cô giáo trong học kỳ I), đồng thời nhắc nhở tất cả giáo viên trong buổi họp hội đồng sư phạm không bao giờ được để tình trạng tương tự diễn ra trong trường mình.

Phụ huynh nghe đến đâu thì tinh thần bình tĩnh đến đó. Họ cũng thừa nhận là vì quá xót con nên đã cư xử và dùng lời lẽ chưa lịch sự với nhà trường. Họ cũng nói lời xin lỗi và quyết định xóa bài đăng trên facebook, đồng thời cũng không xin chuyển lớp nữa. Họ rất vui vì qua sự phân tích của tôi đã hiểu thêm về giáo viên của con mình cũng như tự hứa sẽ quan tâm hơn đến tâm lý của con, sẽ phối hợp cùng nhà trường trong việc dạy dỗ con…

Đinh Thị Ngọc Tâm – Hai Đức

Để thực hiện tốt công tác lãnh đạo, người quản lý cần biết cách xử lý mọi tình huống một cách khoa học, uyển chuyển, hợp tình, hợp lý. Muốn được vậy, nhà quản lý cần trang bị cho mình một nền tảng kiến thức khoa học về quản lý vững chắc, đồng thời hiểu rõ hoàn cảnh, tâm lý của cấp dưới, cũng như thường xuyên rèn luyện kỹ năng lắng nghe, thuyết phục và khả năng giữ bình tĩnh trước mọi tình huống.

 

Bình luận (0)