Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhiệt huyết ở một người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Vương Sĩ Đức trong một tiết dạy ở Hội thi an toàn giao thông (ảnh nhân vật cung cấp)

34 tuổi đời với hơn 10 năm tuổi nghề thầy Vương Sĩ Đức, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã có những thành tích đáng nể với giải Võ Trường Toản năm 2015, sáu năm liền được vinh danh Giáo viên trẻ tiêu biểu của TP…

Ngã rẽ cuộc đời

Hơn 10 năm gắn bó với bục giảng chưa phải là quãng thời gian dài nhưng đủ để thầy Đức tin tưởng vào con đường mình đã chọn. Vốn đam mê ngành kỹ thuật nhưng thầy lại rẽ sang con đường sư phạm. Tuổi trẻ không ít lần chông chênh về quyết định của mình nhưng rồi tất cả cũng qua đi khi mỗi ngày đến trường, thầy dùng kiến thức của mình để truyền đạt cho học sinh, được các em yêu quý, kính trọng. Nơi thầy thuộc về, là những điều bình dị ở ngôi trường Nguyễn Thị Minh Khai để giữ cho mình sự tận tâm, để trọn vẹn với con đường sư phạm. Thầy Đức nhớ lại khoảng thời gian khi vừa mới ra trường, lắm lúc hoang mang, mỏi mệt khi gặp phải những tình huống sư phạm khó xử, chật vật với đồng lương giáo viên. Ấy vậy mà chỉ một thời gian ngắn, thầy gắn bó với nghề giáo như đã thân thuộc từ thuở nào.

Thầy Đức không chỉ nổi tiếng bởi nét chữ đẹp, đều như in mà còn được biết đến với phương pháp dạy học sáng tạo, có nhiều đổi mới. Năm học 2014-2015, sáng kiến kinh nghiệm “Dạy học văn tả cảnh cho học sinh lớp 5 bằng sơ đồ tư duy” của thầy đã được Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp đánh giá xuất sắc. Phương pháp này đã giúp nhiều học sinh tìm được sự hứng thú, say mê khi học văn. Từ những hiệu quả mang lại, đề tài đã được thông tin trên nhiều báo, đài nhằm nhân rộng trong ngành giáo dục. Thầy Đức chia sẻ sáng kiến kinh nghiệm này đã được mình đầu tư công sức, tâm huyết suốt 4 năm: “Thấy nhiều học sinh còn yếu môn văn, có em còn không biết cách làm một bài văn hoàn chỉnh, tôi trăn trở rồi quyết định sẽ tìm tòi, nghiên cứu để tìm ra một phương pháp giúp các em dễ dàng hơn trong việc học văn. Khi thấy các em hào hứng học, tôi vui lắm”. Trước mỗi đề tập làm văn, thầy Đức cùng các học sinh của mình xây dựng những từ ngữ liên quan là các từ khóa để các em căn cứ vào đó viết thành câu văn, ghép thành một bài văn hoàn chỉnh theo ngôn ngữ, sự phát hiện, suy nghĩ của mỗi em. Vì thế, trong mỗi tiết dạy của thầy, học sinh say mê với môn văn hơn, thầy đã giúp các em hiểu và nắm bắt vấn đề nhanh hơn.

Năm 2014, thầy Đức còn đạt giải nhất hội thi “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ” cấp quốc gia được tổ chức tại Nha Trang. Nhiều học sinh do thầy Đức bồi dưỡng đã đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi. Nói về những thành tích mà mình đã đạt được, thầy Đức khiêm tốn: “Tôi may mắn khi nhận được nhiều sự giúp đỡ từ nhà trường, đồng nghiệp”.

Trao đi yêu thương, nhận về hạnh phúc

Trong câu chuyện về trường, về lớp, đôi mắt thầy Đức ánh lên niềm vui, hạnh phúc. Thầy được nhiều học sinh coi như người cha thứ hai của mình khi luôn chia sẻ, giúp đỡ các em trong học tập và cuộc sống. Suốt những năm tháng đi dạy, thầy Đức đã giảng dạy nhiều học sinh yếu, ngỗ nghịch. Thầy quan niệm, đối với các em, cần phải nhẹ nhàng, chịu khó tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình để có biện pháp, cách quan tâm hợp lý, hợp tình. Chính sự chu đáo đó nên dù sĩ số lớp có đông đến đâu, thầy cũng nắm rõ hoàn cảnh gia đình của từng em. Gắn bó với nghề, đặt cái tâm của một nhà giáo lên hàng đầu, thầy Đức được nhiều phụ huynh, học sinh yêu quý cũng vì lẽ đó. Trang facebook “Hội học sinh của thầy Vương Sĩ Đức” do các em học sinh lập ra để liên lạc, trao đổi thông tin như một minh chứng cho những tình cảm thân thương ấy. “Tôi tâm niệm rằng mình cứ dạy, yêu thương các em bằng tất cả sự nhiệt huyết, lòng tận tụy của mình. Nghề nào cũng cần có cái tâm đặt lên hàng đầu. Thỉnh thoảng, nhiều em học sinh cũ về thăm tôi, sẻ chia nhiều điều trong cuộc sống. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc lớn”.

Niềm vui càng nhân đôi khi vừa qua, vợ thầy Đức là cô Trần Thị Như Quỳnh, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp), đã 2 năm liền được vinh danh Giáo viên trẻ tiêu biểu. Thầy nói mình có thêm nguồn cổ vũ, động viên lớn lao khi có người bạn đời cùng nghề. Cảm giác bình yên khi trở về nhà sau mỗi giờ lên lớp giúp thầy Đức có thêm năng lượng để đi tiếp con đường mà thầy đã chọn…

Yên Hà

“Tôi tâm niệm rằng mình cứ dạy, yêu thương các em bằng tất cả sự nhiệt huyết, lòng tận tụy của mình. Nghề nào cũng cần có cái tâm đặt lên hàng đầu”, thầy Vương Sĩ Đức nói.

 

Bình luận (0)