Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hạnh phúc không khó kiếm tìm

Tạp Chí Giáo Dục

Vợ chồng NGƯT Nguyễn Văn Phúc cùng các học trò cũ trong ngày sinh nhật thầy (ảnh nhân vật cung cấp)

NGƯT Nguyễn Văn Phúc được nhiều thế hệ sinh viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM yêu quý, kính trọng bởi sự nhiệt tình, tận tụy. Sau những giờ phút tất bật với công việc, NGƯT Nguyễn Văn Phúc bình yên khi trở về mái ấm của mình.

Người thầy “mát tay”

Dù đã gần 80 tuổi nhưng NGƯT Nguyễn Văn Phúc vẫn nhận được nhiều lời mời giảng dạy, đóng phim. Với công việc, thầy có một niềm say mê bất tận khi đã trót yêu nghề và dấn thân. Tuổi tác, sức khỏe không thể ngăn cản thầy miệt mài với công việc. NGƯT Nguyễn Văn Phúc là một trong những gạo cội của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, được đồng nghiệp từ già đến trẻ, từ đạo diễn đến diễn viên nể trọng bởi kiến thức, cái tâm của một người thầy. Ngày sắp về hưu, dù sức khỏe đã yếu nhưng thầy vẫn dành thời gian, cặm cụi viết kịch bản, chỉ đạo nghệ thuật cho vở diễn của các học trò trong ngày tốt nghiệp. “Về hưu đã mấy năm nhưng bất cứ khi nào có lời mời đi giảng dạy ở đâu, tôi cũng nhận lời nếu sức khỏe cho phép. Mình già rồi, còn làm được điều gì cho lớp trẻ thì làm thôi”, NGƯT Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.

Ký ức cũng nhớ – quên nhưng thầy luôn coi mình là người may mắn, đã được sống trọn vẹn cho con đường mình chọn. Năm 1979, thầy Phúc tốt nghiệp ngành đạo diễn ở Bulgari rồi được nhận quyết định về công tác tại Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (bây giờ là ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM). Hỏi chuyện về học trò, thầy Phúc có thể kể tên vanh vách nhiều học trò mình đã dạy. Rất nhiều trong số đó nay đã trở thành những đạo diễn, diễn viên nổi tiếng. Ngày sinh nhật thầy, 20-11 hay các dịp lễ, Tết, những sinh viên cũ lại trở về thăm thầy. Họ nhớ đến thầy Phúc là không chỉ nhớ về một người thầy có phương pháp giảng dạy hay, kiến thức sư phạm cao mà còn nhớ về sự tận tâm của thầy khi đã chắp cánh, dõi theo biết bao thế hệ học trò. Thầy Phúc không chỉ dạy nghề, mà còn dạy họ đạo đức làm nghề, cách giữ “lửa” nghề khi sống và hoạt động trong môi trường nghệ thuật.

Không chỉ tham gia công tác giảng dạy, NGƯT Nguyễn Văn Phúc còn là gương mặt điện ảnh thân quen với nhiều khán giả qua các bộ phim như: Dù gió có thổi; Cá rô, em yêu anh; Những chàng trai tuổi hợi, Ký túc xá... Đặc biệt, với vai “bố Cần” trong bộ phim dài 200 tập Dù gió có thổi, thầy Phúc đã tạo được dấu ấn trong lòng người xem bởi lối diễn rất thật. Đây cũng là một trong những vai diễn mà thầy tâm đắc nhất.

Mối nhân duyên tiền định

Vinh quang, hạnh phúc hay cay đắng, đã đủ cho một cuộc đời. Cách đây mấy năm, căn bệnh tai biến đã làm sức khỏe thầy Phúc không còn được như trước. Đi lại khó khăn nên thầy đành gác lại việc đóng phim. Thỉnh thoảng, nhận được lời mời đi giảng dạy, thầy đều cố gắng thu xếp. “Đi dạy, đi đóng phim quen rồi nên giờ ở nhà hoài, tôi buồn lắm. May mà có vợ tôi luôn bên cạnh, quan tâm, lo lắng cho tôi”, thầy Phúc tâm sự. Trong câu chuyện của mình, thầy luôn nhắc đến cô Vũ Thị Nam, người đã đi cùng thầy một đoạn đường dài.

Thầy nói, cuộc đời còn là những ân tình, đời thầy bình yên vì có cô Nam là hậu phương vững chắc. Những ngày thầy Phúc nằm bệnh viện không có ai chăm sóc, cô Nam chính là người túc trực ngày đêm, chăm sóc cho thầy từ bữa ăn đến giấc ngủ. Họ đến với nhau nhẹ nhàng như thế. NGƯT Nguyễn Văn Phúc bộc bạch: “Công việc của tôi thường đi nhiều, tiếp xúc nhiều. Tôi sẽ không thể nào vững tâm khi không có vợ, không có gia đình ngóng đợi mình trở về sau mỗi chuyến đi. Dù không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng vợ chồng tôi luôn tìm được tiếng nói chung. Nhiều lúc ngẫm nghĩ, tôi tin vào duyên số lắm”. Những vai diễn của thầy trong phim đều được cô góp ý, khen chê rõ ràng. Năm tháng dẫu làm hằn lên những nếp nhăn của tuổi tác nhưng sự lạc quan, tình yêu cuộc sống thì họ vẫn không ngừng vun đắp cho nhau mỗi ngày.

Trong phim Dù gió có thổi, thầy Phúc đóng vai “bố Cần”, một mẫu người rất mẫu mực tử tế, hiếu thảo với mẹ, thương yêu vợ và trách nhiệm với các con. Dường như đó là nhân vật được “đo ni đóng giày” cho NGƯT Nguyễn Văn Phúc.

Yên Hà

NGƯT Nguyễn Văn Phúc tâm sự: “Tôi luôn quan niệm rằng, cuộc đời chẳng có một khuôn mẫu nào được định sẵn, mỗi chúng ta phải tự điều chỉnh với nhau để mà sống thôi. Hạnh phúc gia đình cũng vậy. Mỗi người tự biết cân bằng, nghĩ cho nhau một chút thôi cũng đã đủ làm cuộc sống nhẹ nhàng hơn”.

 

Bình luận (0)