Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chuẩn bị gì cho nghề phi công

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, trả lời câu hỏi của học sinh Trường THPT Lê Minh Xuân

Tuy ở ngoại thành nhưng các em học sinh lớp 12 Trường THPT Trung Phú và Lê Minh Xuân (TP.HCM) rất tự tin đặt ra những câu hỏi về ngành nghề rất thực tế, phù hợp với nhu cầu xã hội trong chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức.

Nghề phi công: Cần nhiều tố chất và kỹ năng

Tại Trường THPT Trung Phú, em Đỗ Hoàng Nhật Minh (học lớp 12 toán lý hóa) đặt câu hỏi liên quan đến nghề phi công. Đây là vấn đề được nhiều học sinh của trường quan tâm. Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, chia sẻ: Phi công là người lái, điều khiển máy bay hoặc thiết bị bay bằng lực đẩy động cơ. Phi công được chia làm 2 loại: Phi công dân dụng (dân sự) và phi công quân sự. Phi công dân sự là người lái máy bay làm công cho các hãng vận tải và các hãng hàng không. Tại Việt Nam, phi công của các hãng hàng không như Việt Nam Airline thường xuất thân từ phi công quân sự. Còn phi công quân sự là người lái máy bay phục vụ trong lực lượng quốc phòng, nhiệm vụ của họ có thể là chiến đấu hoặc hỗ trợ, vận chuyển. Phi công quân sự được đào tạo đặc biệt. “Theo chia sẻ của các phi công nhiều kinh nghiệm, có 4 loại kỹ năng căn bản mà một phi công cần biết và luyện tập đều đặn để có thể làm công việc này. Cụ thể, đó là kỹ năng tri giác không gian, tức là phải biết định vị không gian bằng trực giác, sự nhạy bén của mình, không nên ỷ lại một cách thái quá vào máy móc; kỹ năng tri giác mùi vị để nhận biết các mùi vị đặc biệt có liên quan đến các dự báo nguy hiểm; kỹ năng quan sát nhạy bén để chú ý tới không gian bao quanh, các loại đồng hồ trong khoang lái, bản đồ, màn hình, để khi có sự sai lệch, có thể điều chỉnh kịp thời; kỹ năng xử lý tình huống để có thể làm chủ mọi tình huống, nhất là các tình huống bất cập và tình huống thoát hiểm”, ông Cường cho biết.

Về tiêu chuẩn tuyển chọn, phi công phải đạt được tiêu chuẩn sức khỏe loại 1 do Hội đồng giám định sức khỏe phi công của Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) giám định; có chiều cao từ 1,68m trở lên (nam) và 1,60m (nữ); độ tuổi từ 18-25, phải đạt được chỉ số thông minh (IQ) và độ khéo léo nhất định. Về trình độ, ứng viên dự tuyển phải tối thiểu tốt nghiệp THPT, nếu là sinh viên càng thuận lợi trong việc tiếp thu kiến thức hàng không. Trình độ tiếng Anh tối thiểu phải có chứng chỉ TOEFL 500 điểm hoặc các trình độ khác tương đương, đặc biệt là các kỹ năng nghe và nói. Những học sinh có nhu cầu tìm hiểu có thể liên hệ tại Học viện Hàng không (104 Nguyễn Văn Trỗi, Phú Nhuận, TP.HCM).

Định hướng đúng sẽ chọn đúng nghề

Tại Trường THPT Lê Minh Xuân, các em học sinh đặt khá nhiều câu hỏi liên quan đến khối ngành kỹ thuật, công nghệ, lập trình – những ngành học được dự báo là có tiềm năng và cần nhiều nhân lực trong tương lai. Em Nguyễn Phú Linh (học lớp 12A4) băn khoăn: “Hiện có nhiều trường cùng đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí. Vậy chương trình và chất lượng đào tạo có giống nhau không? Ngành này học những gì và khi tốt nghiệp có thể làm việc ở đâu?”.

ThS. Trần Hữu Xuân Thu, Phó trưởng khoa CĐ thực hành Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí hiện có rất nhiều trường đào tạo, gồm: ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM… Các em có thể chọn một trong những trường này tùy theo năng lực của bản thân. Chương trình học sẽ cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng chuyên ngành để vận hành, bảo trì các thiết bị công nghệ; thiết kế quy trình và trang bị công nghệ… Ngoài khối kiến thức đại cương, sinh viên ngành này sẽ học các môn như: Hình họa – vẽ kỹ thuật; sức bền vật liệu; nguyên lý – chi tiết máy; cơ học lưu chất; đồ án chi tiết máy; kỹ thuật điện; kỹ thuật điện tử; dung sai – kỹ thuật đo… “Về cơ bản, chương trình đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí đều căn cứ theo khung đào tạo do Bộ GD-ĐT quy định nên có tới 80% chương trình sẽ giống nhau. 20% khác biệt còn lại nằm ở lợi thế, quy mô của từng trường, chủ yếu là phần kỹ năng, thực hành. Do đó, căn cứ theo năng lực của bản thân, các em có thể chọn một trong những trường nói trên và yên tâm về chất lượng đào tạo. Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư công nghệ kỹ thuật cơ khí có thể đảm nhiệm các công việc tổ chức, điều hành sản xuất; phát hiện và giải quyết những sự cố thông thường trong sản xuất tại các cơ sở chế tạo, sửa chữa, kinh doanh, đào tạo và nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực cơ khí…”.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Bình luận (0)