Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh giời leo: Không còn là chuyện nhỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Triệu chứng trở nặng của bệnh zona

Phát hiện các mụn nước mọc dài quanh mép, ông Lê D. – 58 tuổi, ngụ ở đường Cây Trâm, P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM được cảnh báo là bị bệnh zona thần kinh (còn gọi là giời leo) nhưng do chữa trị không kịp thời nên chỉ sau 2 tháng bệnh đã gây ra biến chứng liệt mặt và tiêu hủy tế bào thần kinh.

ThS.BS Phạm Đăng Trọng Tường – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết: “Triệu chứng ban đầu của bệnh zona thần kinh là đau rát da, sốt cao khi xuất hiện các mụn nước như những vết bỏng trên môi hoặc ở chân”.

Coi là chuyện nhỏ

Đây là căn bệnh mà nữ sinh viên năm thứ 3 Khoa Kinh doanh thương mại (Trường ĐH Văn Lang) Lê Thị Tuyết N. đã mắc phải cách đây 3 tháng. Ngày đầu tiên xuất hiện vài mụn nước nhỏ, Tuyết N. nghĩ đó là những nốt mụn dậy thì của tuổi sinh viên như những lần trước nhưng không ngờ chỉ vài ngày sau các mụn nước này đã “nhảy” loạn xạ quanh môi thành một đường dài. Nhờ người bác tư vấn, em mới biết mình bị bệnh giời leo nên được bố chở lên Bệnh viện Da liễu TP.HCM để chữa trị. Theo bác sĩ Tường, khi phát hiện ra căn bệnh zona thần kinh thì việc chữa trị bằng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt. Không chỉ giảm thời gian phát ban mà còn hạn chế đau sau tổn thương. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người bệnh chủ quan coi đó là “chuyện nhỏ” không chữa trị cũng tự hết. Thực tế cho thấy, cũng có người do sức đề kháng cao bệnh nhẹ nên bệnh tự biến mất nhưng cũng rất hạn hữu. Không phải vì một đôi lần như thế mà đâm ra chủ quan. Cũng có người do thiếu kiên trì, chữa bệnh nửa vời nên cuối cùng không có hiệu quả làm cho bệnh dai dẳng thêm. Đó là trường hợp ông Lê D. đã nói trên. Sau một lần đi khám và uống thuốc tại Trung tâm Y khoa Medic 245 Hòa Hảo, Q.10, TP.HCM không khỏi căn bệnh zona, nghe lời khuyên của bạn bè ông D. chuyển sang uống thuốc nam và thuốc Tàu. Cách đây 2 tháng, nhìn thấy gương mặt ông D. tuy không còn những vết bỏng rộp xung quanh miệng nhưng nửa mặt phải gần như bị liệt, mí mắt sụp xuống không đều. “Tôi vẫn thường xuyên bị sốt và đau nhức trong đầu dù bên ngoài đã hết biểu hiện của giời leo. Theo chẩn đoán của bác sĩ bệnh tôi đã chuyển sang giai đoạn nặng hơn nên gây biến chứng dây thần kinh bên trong” – ông D. buồn bã kể.

Hết bệnh khi trị đúng cách

Vết bỏng zona ở sau lưng lúc mới chớm bệnh

Bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường khẳng định: “Việc vẽ vòng và phán theo dân gian để chữa trị căn bệnh zona thần kinh không hề có cơ sở khoa học. Nếu như có trường hợp bệnh nhân đi phán theo dân gian mà hết bệnh thì đó có thể là do trường hợp ngẫu nhiêu sau khi đã ngấm thuốc kháng virus và chống nhiễm khuẩn”. Cũng may là ông D. đã không nhai đậu xanh, gạo nếp đắp lên vùng bị tổn thương như lời khuyên mà một số người rỉ tai mách bảo theo phương pháp dân gian vì rất dễ bị nhiễm trùng da. Không ít người bị loét, bội nhiễm và kích ứng da dẫn đến nhiễm trùng nặng. Theo đánh giá của Bộ môn da liễu – Trường ĐH Y dược TP.HCM, một số người mắc bệnh thủy đậu đến khi tuổi già rất có thể mắc bệnh zona vì sự tấn công của virus Varixella Zoster. Không chỉ ở người lớn mà ngay với cả trẻ em mới mắc bệnh thủy đậu lần đầu tiên trong đời cũng có nguy cơ cao hơn 15 đến 20 lần mắc bệnh zona so với người đã trưởng thành. Những bệnh nhân ung thư, nhiễm HIV sức đề kháng yếu cũng dễ bị virus của bệnh zona tìm cách tấn công. Có một điều đặc biệt là các dây bỏng rộp của căn bệnh này thường chạy dọc theo các dây thần kinh như dây thần kinh liên sườn (ngực), dây thần kinh tọa (lưng, cổ, mặt) chính vì thế khi bệnh đã “ăn” vào từng dây thần kinh thì bệnh nhân cảm thấy khó chịu và việc điều trị thật sự khó khăn. Các biến chứng như viêm giác mạc, kết mạc, não, rối loạn tiết niệu trực tràng… sau đó xuất hiện đều đặn. Đối với người lớn tuổi do da khô, mỏng nên dù bên ngoài lành sẹo nhưng vẫn còn cảm giác đau dai dẳng rất khó chịu có khi suốt đời.

Bài, ảnh: Quang Phan

Cách ngăn ngừa bệnh

Để ngăn ngừa được bệnh này, theo bác sĩ Tường, cách hiệu quả nhất là ngăn ngừa bệnh thủy đậu – tiền thân của bệnh zona bằng cách tiêm 1 liều vaccine cho trẻ trên 12 tháng tuổi. Zona là bệnh có thể lây vì thế phải cách ly kịp thời, tránh dùng đồ dùng chung như khăn mặt, quần áo… “Nếu mắc bệnh chúng ta vẫn nên tắm rửa bình thường để giữ vệ sinh vùng ngoài da tuy nhiên không được cọ xát mạnh làm bể các bọng nước. Cần đến khám bác sĩ kịp thời và uống thuốc theo đúng chỉ dẫn trong toa” – bác sĩ Tường dặn dò. 

 

Bình luận (0)