Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Du học: Lượng sức chọn trường top

Tạp Chí Giáo Dục

Các bạn trẻ tìm hiểu thông tin về ngành học, cơ hội nhận học bổng… tại một ngày hội du học tổ chức ở TP.HCM

Những bạn trẻ đang có ý định du học cần cân nhắc kỹ để chọn trường vừa sức, vì những trường thuộc hàng đầu chưa hẳn đã phù hợp với các bạn.

Bảng xếp hạng chưa đáng tin cậy

Thói quen của nhiều bạn trẻ khi chọn trường du học là nhìn vào thứ bậc các trường ĐH trên bảng xếp hạng được công bố bởi một tổ chức, cơ quan giáo dục hay phương tiện truyền thông nào đó. Tuy nhiên, theo bạn Vũ Quỳnh Anh, sinh viên năm thứ 3 Trường Brown University (Mỹ), có một thực tế là chính phủ các nước không xếp hạng các trường ĐH, việc xếp hạng các trường đôi khi còn mang tính chủ quan và không có những tiêu chí chung nhất định. Một vài trường có uy tín lại không muốn cung cấp thông tin cho các tổ chức xếp hạng. Đôi khi, những tiêu chí này còn coi trọng các yếu tố như tiêu chuẩn học thuật hoặc uy tín của trường. Rất nhiều bạn chỉ muốn được vào học ở trường nổi tiếng, cho rằng chỉ vào những trường nổi tiếng mới đáng để học. Thực ra, tiếng tăm của các trường đều bắt đầu từ các sinh viên ra trường thành đạt và số tiền trường đó bỏ ra cho những hoạt động tiếp thị, tuyển sinh mà thôi. Điều này cũng có nghĩa: Không phải cứ trường càng nổi tiếng thì chất lượng giáo dục càng cao.

“Việc xếp hạng về ngành học cụ thể có giá trị hơn là xếp hạng tên trường. Thực ra các trường ĐH ở Mỹ thiết kế hệ thống như nhau. Giảng viên giỏi giữa các trường cũng khá đồng đều. Vì vậy, khi chọn trường học phù hợp, các bạn nên vào các diễn đàn xem cách cựu sinh viên đánh giá về ngành học tại trường đó như thế nào, giảng viên trong khoa là những ai, có tiếng tăm gì, đã giúp sinh viên thực hiện những đề tài gì… Điều này không chỉ giúp các bạn chọn đúng trường phù hợp với mình, mà còn thuận tiện cho quá trình học sau này”, Quỳnh Anh   cho biết.

Trường top áp lực rất cao

Theo Quỳnh Anh, rất nhiều học sinh giỏi tại Việt Nam hay có suy nghĩ: Mình giỏi thì phải chọn trường đứng đầu mới xứng đáng, và trường càng nổi tiếng thì càng dễ xin việc làm sau này. Tại Mỹ, có một nhóm các trường ĐH tên tuổi hàng đầu trên thế giới như Harvard, Yale, Stanford, Columbia hay Học viện Massachusett…được gọi chung là nhóm trường Ivies. Mỗi năm, chỉ có khoảng gần 20-25 người Việt Nam được nhận vào nhóm các trường này, và đây cũng là những trường cho du học sinh những phần học bổng giá trị rất cao (thường từ 250.000 USD). Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại. Theo bạn Đinh Huỳnh Thảo Phương, cựu du học sinh Trường ĐH Stanford: “Cách học ĐH ở nước ngoài rất khác với cách học ở trường phổ thông hay ĐH tại Việt Nam. Ở nước ta, học sinh học theo những cái thầy chỉ ra, chỉ học những môn học trong chương trình, học chưa tốt có thể đi học thêm tại nhà thầy… Nhưng học ở nước ngoài thì khác, nhất là những trường thuộc nhóm Ivies. Những trường này đòi hỏi rất cao ở sinh viên. Một trong những kỹ năng hàng đầu được đề cao tại nhóm Ivies là kỹ năng tự nghiên cứu, nghĩa là học trên lớp chỉ là một phần, sau đó phải vào thư viện đọc và tra cứu ý kiến của nhiều người khác nhau, từ đó quy nạp thành quan niệm cá nhân. Nếu không có kỹ năng này, những sinh viên được nhận vào nhóm Ivies dễ bị thua kém đồng môn, thậm chí là học hành bê bết. Ở các trường ĐH danh tiếng, giáo sư thường tập trung nghiên cứu hơn là giảng dạy, được giáo sư hướng dẫn trực tiếp rất khó, sinh viên hầu như chỉ trao đổi bài vở với trợ giảng hay bạn học cùng khóa. Nếu không biết trước, không có những kỹ năng này, những bạn từng được bố mẹ tự hào là học sinh giỏi khi ở trường phổ thông sẽ không theo kịp, rơi vào áp lực và mất hút luôn khả năng học tập. Đây được coi là nguyên nhân dẫn đến các vụ sinh viên tự tử trong nhóm trường Ivies”.

Cũng theo Thảo Phương, áp lực tại các trường top là điều hoàn toàn dễ hiểu vì đây là nơi tập trung những người giỏi, và họ cạnh tranh gay gắt với nhau. “Chỉ nói riêng điều kiện đầu vào, điểm ở trường phải nằm trong top 5%, điểm SAT nằm trong top 5% của thế giới, phải làm ít nhất 200 giờ hoạt động xã hội, đạt ít nhất 2-3 giải mang tính quốc tế hoặc quốc gia, phải tài năng trong một lĩnh vực nào đó (âm nhạc, thể thao…), được đánh giá tốt từ thầy cô, thể hiện được tiềm năng phát triển trong tương lai (qua bài luận cá nhân). Ngoài những yếu tố trên, còn phụ thuộc vào yếu tố thời điểm: Năm đó có nhiều người giỏi ứng tuyển hay không? người xét hồ sơ có đánh giá cao những giá trị của mình hay không? Ngay đầu mà đã như vậy thì bạn cứ hình dung môi trường học tập còn cạnh tranh và áp lực tới cỡ nào”, Thảo Phương nói.

Bài, ảnh: Linh Vy

Biết phát huy nội lực sẽ có cơ hội tỏa sáng

Bạn Lê Ngọc Chiến, cựu sinh viên Trường Umass Dartmouth (Mỹ), đưa ra lời khuyên: Nếu xác định ra nước ngoài để học đến nơi đến chốn, du học sinh nên chọn những trường ĐH nhỏ, có quy mô khoảng 2.000 sinh viên. Theo đó, giáo sư ở các trường này thường không quá tập trung vào nghiên cứu mà chuyên tâm giảng dạy, người học có thể gõ cửa văn phòng họ bất cứ lúc nào để nhờ tư vấn. Ngoài ra, những trường này không quá khu biệt ngành học mà đa ngành, là điều kiện giúp người học có cơ hội thử thách, chọn lựa và phát huy sở trường. Hơn nữa, cơ hội là do mình tạo ra, nên nếu chọn đúng theo nguyện vọng và sở trường, biết phát huy nội lực, rèn luyện kỹ năng trong môi trường học tập phù hợp thì ai cũng sẽ có cơ hội tỏa sáng. 

 

Bình luận (0)