Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Giữ hồn” phố cổ: Bài cuối: Đời ghe, hồn phố

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Nguyễn Thị Mùi (62 tuổi) với gần 10 năm chèo ghe chở khách tham quan

Tạo hóa ưu ái cho các thành phố dọc dãy đất miền Trung gắn liền với những dòng sông huyền thoại. Nhưng người dân đôi bờ qua lại bằng ghe, du khách thập phương ngắm phố trên những chiếc ghe nhỏ, chèo bằng tay thì hầu như chỉ có ở thành phố Hội An – nơi có dòng sông Hoài mềm mại dọc theo hành trình tồn tại của phố cổ này!

1. Tờ mờ sáng. Mặt trời ló dạng phía biển Cửa Đại, những tia nắng sớm xuyên qua rặng dừa nước chiếu soi xuống một góc dòng sông Hoài. Những chiếc ghe nhỏ của cư dân phố Hội lặng lẽ buông mái chèo nhẹ nhàng lướt trên mặt sông êm đềm. Thi thoảng, một chiếc ghe tấp vào bờ đón những cái vẫy tay của cư dân đi chợ sớm. “Sao chỉ cách cây cầu khoảng nửa cây số mà người ta lại sang sông bằng ghe?”. Người phụ nữ bán hàng rong vừa thoăn thoắt đôi tay dọn mớ hoa quả tươi vào đôi quang gánh, vui vẻ giải thích cho khách lạ: “Xưa chưa có cầu, người dân đôi bờ sông Hoài mỗi lần muốn qua sông đều đi bằng ghe, thuyền. Nay dù đã có cây cầu Cẩm Nam nhưng bà con quen với khúc sông này mỗi lúc nhớ sông, thèm cảm giác hít thở không khí buổi sớm trên dòng sông yên ả đều vẫy tay gọi những chiếc ghe dành cho khách du lịch hoặc thậm chí là những chiếc ghe của các ngư phủ đang buông lưới để đi nhờ một khúc sông. Mỗi chuyến sang sông chỉ 2 ngàn đồng tiền công. Đã thành thói quen rồi, sáng nào cũng có người muốn sang sông!”.

Khách sang sông trên những chuyến ghe nhỏ bé đủ lứa tuổi. Thi thoảng bắt gặp hình ảnh vài cô cậu học trò với nụ cười tươi rói, vai mang cặp, tay xách dép nhảy cái bụp tưng mui ghe lên đường cái quan. “Sang sông bằng ghe thú vị lắm cô ạ. Thi thoảng cháu vẫn xin ba mẹ đi để hiểu thêm về đời sống, về quê hương mình”, cậu học trò tên Tiến, học lớp 9, cho biết. Còn cụ bà Nguyễn Thị Thơi, 80 tuổi thì chia sẻ: “Sáng mô tui cũng đi đò qua chợ Hội An. Gần trọn cuộc đời quen với những chuyến đò rồi nên chừ có cầu, tui vẫn ưng đi đò cho vơi cảm giác nhớ sông”.

 

2. Nghề chèo ghe đưa du khách tham quan phố cổ mới nổi lên tầm dăm bảy năm nay. Cư dân theo nghề chủ yếu là những người cao tuổi, họ sống quanh phố Hội, nhiều người trong số họ là ngư phủ đánh cá đêm bằng cách giăng lưới trên sông. Bà Nguyễn Thị Mùi (62 tuổi), sống nhờ vào nghề chèo ghe đưa khách tham quan trên sông tâm sự: “Tui trước đây làm nghề giăng lưới dọc sông Thu Bồn, mấy năm lại đây nguồn cá tôm cạn kiệt, nhận thấy nghề đưa khách tham quan có thu nhập nên ban đêm đi giăng lưới, sáng sớm và tầm xế chiều lại gác việc đánh bắt cá tôm để vào sông Hoài chở khách”. “Mỗi ngày bà chở được mấy chuyến?”. “Cũng tùy. Tùy mùa và tùy khách. Ngày mô may mắn thì chèo được vài chuyến, đủ tiền đong gạo nuôi gia đình 4 miệng ăn. Có ngày về không”, bà Mùi nói. Mỗi chuyến bắt đầu từ đoạn sông nơi cuối phố cổ, bà Mùi tính chèo đến đầu phố cổ, ghé qua con kênh dẫn vào chùa Cầu – điểm đến nổi tiếng của Hội An rồi quay trở lại mất tầm 20 phút, có giá 40 ngàn đồng. Có khách muốn đi xa hơn, dọc dòng sông Hoài, nối qua hạ nguồn con sông Thu Bồn để tham quan làng gốm Thanh Hà thì cả đi lẫn trở lại mất tầm 1 tiếng đồng hồ, tùy khách muốn nhanh hay chậm để tham quan, ngắm nhìn. Bà Mùi đã có thâm niên gần chục năm làm nghề chở khách du lịch.

 

3. Trên dòng sông Hoài này, mỗi ngày có tầm chục chiếc ghe nhỏ như của bà Mùi, các chủ đò đa số là người cao tuổi. Họ lặng lẽ neo ghe hai bên bờ sông và kiên nhẫn chờ đợi. Khách du lịch đi qua, họ nở nụ cười thân thiện mời chào, hiển nhiên không có chuyện kì kèo, chèo kéo hay tranh giành nhau. Phần nhiều những người làm nghề chèo ghe đưa khách trên sông là vì kế mưu sinh, nhưng cũng có nhiều người vẫn bám nghề vì… nhớ sông, thèm cái cảm giác được làm “hướng dẫn viên” để giới thiệu về quê hương mình cho du khách thập phương. “Tui làm nghề chở khách gần hai chục năm rồi. Từ khi con cái còn tuổi ăn tuổi học, chừ đã thành gia thành thất. Các con khuyên nghỉ ngơi nhưng rời sông một ngày đã thấy nhớ. Mình không tiếp tục chở khách, không giới thiệu cho khách về quê hương mình thì mai này lớp trẻ e rằng quên đi ít nhiều”, ông Nguyễn Mười (70 tuổi) bộc bạch. Trên những chiếc ghe nhỏ dọc dòng sông Hoài, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đến với nghề, bám lại với dòng sông huyền sử này cùng chung mục đích, đó là mưu sinh và nối dài những câu chuyện kể về sự hình thành phố Hội.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Rời phố Hội lúc hoàng hôn sà xuống mặt sông, thấp thoáng bóng những chiếc ghe nhỏ chở du khách với tiếng hò khoan nhặt, mang theo nhiều ngọn đèn hoa đăng thả xuống mặt nước yên bình và trầm mặc. Những con người ở đây cho ta thấy yêu thêm mỗi con đường, ngõ hẻm, dòng sông qua bao tháng năm trĩu nặng ân tình!

 

Bình luận (0)