Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi người trẻ “cuồng yêu”

Tạp Chí Giáo Dục

Hiểu đúng giá trị của tình yêu để hạnh phúc, bên nhau dài lâu (ảnh minh họa)

Hiện nay, “cuồng yêu” đang dần trở thành hiện tượng tâm lý phổ biến của không ít bạn trẻ. Nhiều vụ án đau lòng xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây đã cho thấy mức độ nguy hại của vấn đề này.

Khi “ma tình” đưa lối

Ngày 29-11, một cặp đôi trẻ ở Thanh Hóa đã uống thuốc diệt cỏ để tự tử, nguyện được chết cùng nhau. Điều đáng nói là trước khi đi đến hành động này, họ đã mặc trang phục cô dâu chú rể, chụp hình rồi chia sẻ trên trang cá nhân. May mắn là họ đã thoát khỏi “thần chết” nhưng những hệ lụy của vấn đề này không hề nhỏ. Sự việc này một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những suy nghĩ tiêu cực của một bộ phận giới trẻ hiện nay trong tình yêu.

Hầu hết các vụ án liên quan đến mâu thuẫn tình cảm khi đưa ra xét xử, bị cáo đều đưa ra một lý do để giải thích cho hành vi phạm tội của mình là vì… quá yêu. Chỉ vì quá yêu mà một thanh niên có thể nhẫn tâm dùng dao cắt cổ người yêu khi thấy cô ấy đi cạnh một người con trai khác, giết bạn gái vì không chung thủy hoặc thậm chí cùng nhau quyên sinh để chứng minh tình yêu… Lý do vì quá yêu đó xem chừng chỉ là sự ngụy biện cho những hành động tàn ác của những kẻ không hiểu được giá trị của tình yêu thật sự. Các chuyện đau lòng về những vụ sát hại nhau chỉ vì yêu, ghen tuông một cách mù quáng được báo chí đưa tin hàng ngày, hàng tuần. Mới đây, Công an quận 12 đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM điều tra nguyên nhân cái chết của một đôi nam nữ tại một phòng trọ ở đường TX24, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM. Cô gái tên là Hồng (23 tuổi, quê Bình Phước) và chàng trai tên Tuấn (25 tuổi, quê Đồng Nai). Vì mâu thuẫn tình cảm, Tuấn đến phòng trọ của chị Hồng đuổi người em họ ra rồi khóa cửa. Một giờ sau, mọi người phá cửa xông vào thấy đôi nam nữ gục trên vũng máu. Chính vì không hiểu được giá trị của tình yêu thực sự, nhiều bạn trẻ luôn đề cao tình cảm cá nhân của mình, đã yêu là phải được đáp lại. Bị khước từ tình cảm, họ cứ nghĩ rằng cuộc sống dường như đã khép lại khi mất đi một nửa yêu thương của mình. Vừa qua, TAND tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử vụ án giết người của Võ Tuấn Dũng. Mức án 15 năm tù là cái giá mà Dũng phải trả cho những phút giây bồng bột của mình. Dũng là con trai độc nhất trong gia đình có kinh tế khá giả. Mối tình của Dũng với N.K, hơn Dũng 4 tuổi bị gia đình hai bên ra sức cấm đoán. Khi nhận thấy đôi trẻ yêu thương nhau thật lòng nên ai cũng xuôi lòng. Sau thời gian yêu đương, nhận thấy tuổi tác chênh lệch nên N.K chủ động lảng tránh Dũng. Không chấp nhận sự thật đó, Dũng đã giết chết N.K khi nhận được câu trả lời “K. đã có người khác”.

Hiểu đúng giá trị của tình yêu

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Đặng Nguyệt Minh, đa phần những trường hợp “cuồng yêu” đều xuất phát từ nguyên nhân không nhận thức được yêu như thế nào cho đúng. Nhiều người trẻ sống vội, yêu vội và rồi cũng vội chia tay. Chính những suy nghĩ tiêu cực đó, họ loay hoay trong chính tình yêu của mình và vô tình làm tổn thương nhau để rồi dẫn đến những suy diễn nông cạn, thiếu tích cực. Liên tiếp những vụ án đau lòng xảy ra có nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn trong tình yêu đã cho thấy sự ích kỷ trong suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ. Họ cứ nghĩ tự tử là tự mình tìm một lối thoát nhưng đó chính là lối thoát ích kỷ, cho riêng mình trong phút chốc.

Bị ám ảnh nhiều câu chuyện đã được nghe, được đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị Thúy Vy (nhân viên văn phòng) quyết định chia tay với người yêu vì tính quá ghen tuông của đối phương. Không cắt đứt ngay lập tức mà chị từ từ rút lui nhẹ nhàng, tế nhị để “nửa kia” không bị hụt hẫng. Sau một thời gian dài, chị Thúy Vy cũng không vội vã tìm kiếm tình yêu mới để người kia không có cảm giác bị phản bội. Đến giờ, họ vẫn có thể là bạn bè. “Tôi đặt mình vào vị trí người ta rồi có những suy nghĩ, hành động không làm người ta quá hụt hẫng, chới với mà dẫn đến những hành động nông nổi”, Thúy Vy chia sẻ. Không hẳn người trẻ nào khi chia tay cũng làm được như Thúy Vy. Thế nên, “văn hóa chia tay” là từ khóa mà những người khi chia tay cần phải tìm hiểu để tránh làm tổn thương nhau.

Bài, ảnh: Thục Quyên

“Khi không được giáo dục cẩn thận và có những suy nghĩ thiếu tích cực, nhiều bạn trẻ sẽ có biểu hiện tâm lý của căn bệnh “cuồng yêu”. Khi không kiểm soát được tình cảm và hành vi của mình, họ sẽ có hành động thiếu suy nghĩ, có thể gây ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh. Do đó, những người trẻ cần được giáo dục để hiểu rõ giá trị của một tình yêu thật sự”, chuyên gia tư vấn tâm lý Đặng Nguyệt Minh nhấn mạnh.

 

Bình luận (0)