Nhà Pao – nét đặc trưng tiêu biểu nhà trình tường ở làng văn hóa Lũng Cẩm |
Nằm về phía cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang sở hữu nhiều cái nhất, độc đáo riêng có của miền phên dậu. Một làng văn hóa Lũng Cẩm với những ngôi nhà trình tường mờ ảo trong sương sớm, một phiên chợ vùng cao Yên Minh níu náu gọi mời…
Lũng Cẩm trong sương
Cái lạnh sớm mai ở miền cao nguyên đá thấm buốt da thịt. Làng văn hóa Lũng Cẩm (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) hiện dần ra trong màn sương mờ ảo với những ngôi nhà trình tường cổ kính rêu phong. Hai bên con đường dẫn vào làng, những bông hoa đào sớm điểm sắc, những vạt ngô treo đèn mẩy hạt vàng óng, những vạt hoa tam giác mạch trải dài như tấm thảm lụa… Cậu bé tên Dương, người dân tộc Mông, thân hình nhỏ thó, vai gùi hoa tam giác mạch tươi rói, đon đả mời khách mua hoa chụp hình kỷ niệm vừa nhanh nhảu làm hướng dẫn viên miễn phí: “Phía trước, chỗ dãy hàng rào đá nối dài có nhiều cây hoa đào nở sớm ấy là nhà Pao trong phim đấy ạ! Ngôi nhà trình tường cổ ấy là đặc trưng của làng văn hóa Lũng Cẩm, du khách lên Hà Giang không ai không ghé lại nơi này”. “Từ ngày nhà Pao trở thành điểm du lịch, cháu đã theo mẹ đến đây bán đặc sản hoa cho du khách. Mùa nào hoa nấy. Độ này thì hoa tam giác mạch. Có hôm thì hoa chuối rừng. Dịp Tết thì cháu bán hoa đào. Năm nay cháu học lớp 6 rồi, cứ đến ngày cuối tuần, cô giáo cho nghỉ học là cháu lại đến đây. Một tuần không được đến đây cháu thấy nhớ. Cháu rất tự hào vì quê hương của mình là điểm đến và chính mình được đến trường học con chữ để có thể giới thiệu cho du khách, bạn bè khắp nơi biết về quê hương mình”.
Chuyến xe cuối ngày chầm chậm rời miền cao nguyên đá trên những cung đường chênh vênh đèo dốc. Những bản làng lùi dần phía sau lưng. Chưa xa mà lòng đã nhớ. Nhớ những bước chân vợ chồng chị liêu xiêu men rượu trong nắng xế trên đường về bản. Nhớ nụ cười của cậu học trò miền biên viễn với gùi hoa trên lưng trong ngày nghỉ cuối tuần! |
Theo tay chỉ của cậu bé, ngôi nhà trình tường cổ từng đi vào bộ phim nhựa nổi tiếng Chuyện của Pao được làm bằng đất feralit, mái ngói liệt thẳng tắp tựa lưng vào dãy núi hùng vĩ, mặt hướng về đường lộ 4C, không gian ấm cúng với bốn dãy nhà ngang khép thành khoảng sân hình chữ nhật. Cổng và dãy hàng rào được chủ nhân xếp chồng từng lớp đá tạo nên không gian hòa quyện thiên nhiên. Chủ nhân ngôi nhà, ông Mua Phái Tủa dù không thạo tiếng Kinh nhưng rất niềm nở. Không gian của ngôi nhà hiện dần qua lời giới thiệu của ông với gian giữa, gian bếp, buồng ngủ của người con gái Mông; ô cửa sổ nhỏ chỉ đủ phân biệt với bức tường trong căn phòng tối bởi tia sáng bàng bạc xuyên qua vách đất làm nên thứ ánh sáng mờ ảo… Bên cốc rượu ngô mềm môi, dĩa mèn mén làm từ ngô – đặc sản vùng cao nguyên đá bùi ngọt, cái bắt tay thật chặt của Mua Phái Tủa: “Có dịp hãy trở lại với Sủng Là, với nhà Pao nhé, mỗi mùa, cao nguyên đá này mang một vẻ đẹp riêng đấy!”.
Rời làng văn hóa Lũng Cẩm trong bảng lảng sương sớm, trên con đường làng với những ngôi nhà nối nhau bởi dãy hàng rào đá đẹp mê hồn, bao quanh bởi hoa đào, cây sa mộc, màu ngói xám, màu xám của núi đá, sắc màu thổ cẩm; hai bên đường những bà mẹ đồng bào, những cô cậu học sinh ngày nghỉ gùi trên vai những giỏ hoa tam giác mạch tươi xinh. Nghe cái lạnh miền cao nguyên đá ngày đông ấm hơn bởi những nụ cười.
Phiên chợ vùng cao
Phiên chợ Yên Minh ngày cuối tuần |
Sẽ thấy thiếu nếu đến miền cực Bắc Tổ quốc mà không đến một phiên chợ vùng cao với bản sắc riêng biệt. Chợ Yên Minh là một trong số bốn phiên chợ độc đáo ấy ở Hà Giang. Không họp thường xuyên như các phiên chợ miền xuôi, chợ Yên Minh chỉ họp vào ngày chủ nhật cuối tuần. Cách trung tâm thành phố Hà Giang 100km về phía Đông Bắc, thị trấn Yên Minh tập trung nhiều đồng bào Mông, Tày, Dao… Chưa tới 6 giờ sáng, khi các bản làng còn chìm trong màn sương, từ khắp các con đường dẫn về thị trấn, những bà mẹ tay dắt con trẻ, người gùi, kẻ vác hàng hóa đổ về chợ huyện. Trong dòng người ấy có cả đàn ông, trai tráng cũng cùng về. Chợ tụ họp mỗi lúc một đông. Tiếng nói cười rộn rã cả một vùng ngày thường vốn yên ắng. Dường như với đồng bào cao nguyên đá này, đến chợ không chỉ để bán mua mà còn là điểm hẹn. Bởi vậy, ai cũng mặc cho mình bộ trang phục đẹp nhất xuống chợ. Mỗi tộc người một ngôn ngữ, họ đến với chợ, thông qua cái gật, lắc đầu và nụ cười để trao đổi hàng hóa. Tuyệt nhiên không mặc cả! Hàng họ đem đến chủ yếu là các mặt hàng nông lâm, thổ sản, nông cụ sản xuất, đồ ăn, thức uống truyền thống, củ đậu, khoai lang, khoai mì, gạo tẻ, lon nếp nương, bó cải mèo, con cá suối… Những sản phẩm chắt chiu từ cuộc sống lao động nhọc nhằn trên những khoảnh đất hiếm hoi cheo leo vách đá tai mèo. Đâu đó bên góc chợ, những bà mế trầm ngâm với điếu thuốc lá cùng mớ thảo quả, củ ấu tẩu, hành, bó cây mật gấu… “Ở đây không như chợ miền xuôi đâu, cứ thong thả. Bán mua xong, chưa uống chén rượu ngô là coi như đi chưa tròn phiên chợ”, chị Vàng Thị Muồi hồ hởi cho biết. Xế chiều, những gương mặt đỏ au vì ngấm men rượu. Trong chếnh choáng men nồng, chị Muồi cười bẽn lẽn: “Nhờ phiên chợ này, mình mới gặp người bạn đời tri kỉ đấy”. Lời chị Muồi vọng giữa âm thanh xô bồ của phiên chợ vùng cao: “Người vùng cao xứ mình cứ đến phiên là cả vợ chồng đều về chợ. Có khi về chợ chỉ để uống cốc rượu ngô, giao hảo với bà con dăm ba câu chuyện núi rừng. Nhưng không đi thì nhớ lắm…”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)