Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Sở GTVT TP.HCM: Ứng dụng công nghệ khoan định hướng vào các công trình ngầm

Tạp Chí Giáo Dục

Công nghệ khoan định hướng dẫn ống được đánh giá không ảnh hưởng đến giao thông trên bề mặt đường, sinh hoạt của người dân, đặc biệt có thể thi công ở địa hình phức tạp một cách chính xác… Thời gian tới Sở GTVT sẽ xem xét đưa công nghệ này vào thi công xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.

Hai sơ đồ khoan ngầm định hướng (ảnh do Sở GTVT TP.HCM cung cấp)

Đây là những vấn đề được nói đến tại hội thảo Ứng dụng công nghệ khoan định hướng dẫn ống, vừa diễn ra tại Sở GTVT TP.HCM.

Thi công ở mọi địa hình mà không phải đào đường

Công nghệ khoan định hướng được thực hiện theo phương pháp khoan ngầm có kiểm soát mũi khoan theo hướng được định sẵn. Ưu điểm của công nghệ này khi thi công xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm là không ảnh hưởng đến hiện trạng mặt đường, đời sống sinh hoạt của người dân ngay tại công trình đang thi công, các phương tiện giao thông trên đường. Quá trình thi công qua ba bước khoan định hướng; khoan nong đường dẫn và tiến tới kéo ống. Khi thi công không cần phải di dời các hệ thống cáp quang dưới lòng đất, thời gian thi công nhanh, giá thành ngang bằng với thi công đào mở. Đặc biệt có thể thi công qua các địa hình phức tạp như xa lộ, đường băng, đồi núi, lòng sông, khu vực chợ, di tích lịch sử…

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT chia sẻ, hiện tại bên dưới mặt đường nội đô thành phố là cả hệ thống cáp quang, đường điện, đường ống cấp thoát nước… Việc quy hoạch các công trình hạ tầng chưa khoa học, vô cùng phức tạp. Có hệ thống mới, cũ, chìm, nổi đủ cả khiến mỗi lần cải tạo, sửa chữa những hệ thống xuống cấp vô cùng khó khăn do phải đào hở. Nếu ứng dụng được công nghệ này sẽ thuận tiện hơn so với thi công phương pháp truyền thống. Môi trường, đời sống người dân không bị ảnh hưởng, không ách tắc giao thông và dĩ nhiên sẽ kéo theo những giá trị khác.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM cho biết: “Công nghệ khoan định hướng dẫn ống được nhiều nước trên thế giới ứng dụng trong việc lắp đặt ngầm các đường cáp điện lực, viễn thông, cáp quang, đường ống dẫn dầu và đạt hiệu quả cao. Theo đó việc ứng dụng vào địa bàn thành phố là nên làm để nâng cao ứng dụng các công nghệ hiện đại vào thi công công trình, hiệu quả kinh tế, xã hội, phù hợp với sự phát triển của thành phố”.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM cũng thông tin, ở độ sâu từ 3-6m các con đường là một hệ thống cáp các loại, rồi hệ thống ống nước… Chỉ cần một hệ thống hư hỏng, hoặc muốn lắp mới các đội công trình phải quây kín một đoạn đường để đào mở thi công. Kết quả là ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị, bụi bặm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tính ra một con đường ở thành phố có đến 15 cơ quan quản lý. Mỗi một cơ quan tham gia đào hở cải tạo sửa chữa lắp đặt mới thì ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường xung quanh.

Cần có những đánh giá cụ thể trước khi đưa vào

Mặc dù được đánh giá cao về nhiều mặt, tuy nhiên công nghệ khoan định hướng chưa được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt là các tuyến nội đô. Chỉ gần đây công nghệ này được ứng dụng vào thi công cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Nguyên nhân được cho là những ưu điểm mới chỉ nói chung chung, chưa có những nghiên cứu, đánh giá một cách cụ thể về mặt ứng dụng, hiệu quả kinh tế cũng như một số vướng mắc trong quá trình thi công.

Ông Vương Hoàng Thanh (đại biểu tham dự) băn khoăn: “Trong quá trình khoan, nếu chẳng may gặp khu vực đất sét, cát hoặc đá thì sẽ giải quyết ra sao? Thời gian thi công mỗi quãng đường là bao lâu? Hiệu quả kinh tế giữa đào truyền thống và khoan định hướng cũng chưa rõ ràng”. Một đại diện Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT) cũng hỏi: “Khu vực nội đô có diện tích hạn hẹp, liệu ứng dụng có hiệu quả không? Ứng dụng hiệu quả chỉ ở độ sâu 3m trở xuống, vậy 3m trở lên thì sao? Nếu khoan đụng hệ thống cáp, điện, nước ngầm thì xử lý ra sao hay lại phải quay lại phương pháp truyền thống?…”.

Bà Nguyễn Ngọc Tiên, Phó Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố kiến nghị: “Các đơn vị đầu tư phải có nội dung đánh giá cụ thể việc ứng dụng, bảng so sánh chi tiết về kinh phí thi công, hiệu quả kinh tế, xã hội… như vậy thì các vị chức năng mới có cơ sở để căn cứ, xem xét đưa vào”.

Trước những vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Thời gian tới sở sẽ xem xét đưa công nghệ này vào thi công xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm. Ngành luôn ủng hộ những công nghệ mới, tiên tiến, tuy nhiên các đơn vị đầu tư phải làm rõ ưu, nhược điểm về phương án thi công của phương pháp này so với phương pháp đào hở hoặc những phương pháp khác. Do thành phố có nhiều hệ thống cáp ngầm nên phải nói được điều kiện áp dụng, tính hợp lý, giá thành, chiều dài đường khoan…”.

Trinh Ngọc 

Bình luận (0)