Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vì sao chưa công nhận HĐQT được bầu tại ĐHCĐBT?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 2-8-2014, một thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Trường ĐH Hoa Sen đã đứng ra tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường (ĐHĐCĐBT) nhằm bầu lại HĐQT nhà trường. Và đến nay, sau gần 2 năm, nghị quyết của đại hội này vẫn chưa được công nhận. Vì sao?

Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen Bùi Trân Phượng trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên

Xung quanh những kiến nghị của Trường ĐH Hoa Sen trong thời gian qua, ngày 27-5-2016, Văn phòng Thành ủy TP.HCM đã có công văn số 176-TB/VPTU thông báo kết luận của đồng chí Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy sau buổi làm việc với HĐQT chính thức của trường ngày 25-5-2016. Theo đó, một trong 5 kết luận chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy là: “Giao Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, chỉ đạo, hỗ trợ Trường ĐH Hoa Sen thực hiện việc tổ chức và quản lý hoạt động của trường theo đúng quy định pháp luật; trên cơ sở bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM, tham mưu UBND TP xem xét, chỉ đạo việc công nhận HĐQT Trường ĐH Hoa Sen được bầu bổ sung ngày 2-8-2014 theo đúng quy định pháp luật”. Từ đó có thể thấy, theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy thì việc có hay không công nhận HĐQT Trường ĐH Hoa Sen được bầu bổ sung ngày 2-8-2014 phải theo đúng quy định pháp luật.

Ngày 30-5-2016, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có công văn số 1660/GDĐT-TC báo cáo tình hình Trường ĐH Hoa Sen gửi UBND TP. Theo đó, riêng về việc đề nghị công nhận nghị quyết ĐHĐCĐBT ngày 2-8-2014 của Trường ĐH Hoa Sen, Sở GD-ĐT TP báo cáo có nhận được công văn số 20/2016/CV/ ĐHĐCĐBT ngày 5-5-2016 của một thành viên HĐQT Trường ĐH Hoa Sen đề nghị công nhận HĐQT được bầu tại ĐHĐCĐBT ngày 2-8-2014. Tuy nhiên, trước đó, ông Trần Văn Tạo, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hoa Sen đã có công văn số 475/ĐHHS- HĐQT ngày 18-4-2016 gửi các cấp có thẩm quyền để báo cáo tình hình tranh chấp cổ phần và kiến nghị cơ quan Nhà nước không ra các quyết định liên quan đến quyền biểu quyết của các thành viên góp vốn trong khi quyền sở hữu và quyền định đoạt đối với số cổ phần chưa được tòa án giải quyết triệt để. (Theo nội dung trình bày tại công văn này, “TAND TP.HCM đã thụ lý các đơn khởi kiện của các cá nhân kiện 2 công ty I-connect và Co-ordinate từ tháng 1-2016 và đang trong quá trình tập hợp chứng cứ để đưa ra xét xử”). Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng nhận được các thư kiến nghị của Hiệu trưởng nhà trường và 8 thành viên góp vốn Trường ĐH Hoa Sen cùng một số thành viên của trường đề nghị UBND TP, Sở GD-ĐT tạm thời không ra bất kỳ quyết định nào có liên quan đến quyền biểu quyết của họ với tư cách cổ đông Trường ĐH Hoa Sen.

Theo công văn của Sở GD-ĐT TP.HCM thì, hiện tại, điều lệ trường ĐH ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 30-1-2015 và thay thế Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22-9-2010; Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17-4-2009 và Quyết định số 63/2011/ QĐ-TTg ngày 10-11-2011 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17-4-2009. Theo đó, Sở GD-ĐT TP đã đưa ra ý kiến tham mưu việc công nhận HĐQT được bầu tại ĐHCĐBT ngày 2-8-2014 của Trường ĐH Hoa Sen theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg; Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17-4-2009 và Quyết định số 63/2011/ QĐ-TTg ngày 10-11-2011 là không phù hợp với quy định hiện hành. Nói cách khác, ĐHĐCĐBT ngày 2-8-2014 và những kết quả từ ĐHĐCĐBT này hiện chưa có cơ sở pháp lý để được công nhận, vì không phù hợp với quy định hiện hành.

Cũng xung quanh chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, ngày 8-6-2016, 24 cổ đông Trường ĐH Hoa Sen (mà trước đó có đơn khởi kiện Công ty IC và Coordinate và đã được thụ lý), đã có thư kiến nghị gửi Bí thư Thành ủy và lãnh đạo UBND TP.HCM. Trong thư của một cổ đông nêu rõ: “Tôi nhận thấy rằng việc công nhận HĐQT được bầu tại ĐHĐCĐBT ngày 2-8-2014 là chưa đủ cơ sở pháp lý do đã triệu tập đại hội không đúng trình tự quy định của pháp luật tại thời điểm đó và số đại biểu tham dự đại hội không có đủ số cổ phần biểu quyết theo quy định. Theo tôi, bản án phúc thẩm chưa là cơ sở để công nhận quyền sở hữu cổ phần của nguyên đơn vì việc tranh chấp quyền sở hữu cổ phần chưa được giải quyết triệt để. Mặt khác, tôi và 23 cổ đông khác đã có đơn kiện các công ty IC và Co-ordinate về việc tranh chấp quyền sở hữu cổ phần của Trường ĐH Hoa Sen và đang được tòa án thụ lý giải quyết”.

Được biết, Trường ĐH Hoa Sen ngay từ đầu đã tuân thủ chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo bằng nỗ lực nộp đơn xin được công nhận là trường phi lợi nhuận (PLN). Theo quy định, ĐH Hoa Sen phải đạt được tỉ lệ góp vốn lên đến 75% đồng ý “chuyển đổi sang trường không vì lợi nhuận”. Tuy nhiên, điều này sẽ rất khó khi nhóm cổ đông không ủng hộ chủ trương PLN tuyên bố đang nắm 30% cổ phần của nhà trường.

Với những ai ủng hộ mô hình giáo dục không vì lợi nhuận, không bị “thương mại hóa” đều thấu hiểu những nỗ lực to lớn của HĐQT hợp pháp và các thành viên góp vốn của trường để ĐH Hoa Sen được công nhận là trường PLN. Và những khao khát được công nhận ấy vẫn tiếp tục cháy bỏng…

Bài, ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)