Khoa học - Công nghệ

Khám phá tế bào tự ăn, người Nhật nhận Nobel Y học

Tạp Chí Giáo Dục

 Nhà sinh học Nhật Bản Yoshinori Ohsumi hôm qua đạt giải Nobel Y học năm 2016 nhờ công trình khám phá quá trình tế bào tự ăn rồi tự tái tạo các thành phần của chúng. Nếu bị gián đoạn, cơ chế này có thể gây ra một số chứng bệnh như tiểu đường, liệt rung (Parkinson)…
GS Yoshinori Ohsumi - chủ nhân giải Nobel Y học 2016. Ảnh: AP.
GS Yoshinori Ohsumi – chủ nhân giải Nobel Y học 2016. Ảnh: AP.

Giáo sư Yoshinori Ohsumi (sinh năm 1945, hiện công tác tại Viện Công nghệ Tokyo) là người Nhật Bản thứ sáu giành giải Nobel Y học. Khi được hỏi về cảm tưởng khi đạt giải thưởng danh giá này, giáo sư Ohsumi nói ngắn gọn: “Tôi ngạc nhiên. Tôi đang ở trong phòng thí nghiệm”. Ông đã tìm ra bí mật về cách thức tế bào duy trì sự khỏe mạnh bằng cách tái chế phế thải.

Giáo sư Ohsumi khám phá quá trình tế bào ăn các thành phần của chính mình, phân chia thành các khối để có thể sử dụng ở chỗ khác. Ủy ban Nobel nhận định, khám phá của ông “đã dẫn tới sự hiểu biết mới của chúng ta về cách thức tế bào tự tái chế các thành phần của chúng”. Sử dụng các tế bào men, nghiên cứu của giáo sư Ohsumi đã giúp nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của việc tế bào tự ăn và vai trò của nó trong các quá trình sinh lý học. Thông qua nghiên cứu hàng nghìn loài men, nhà sinh học tế bào Nhật Bản đã xác định được 15 kiểu gene quan trọng đối với quá trình tự tái chế của tế bào. Lĩnh vực y sinh rất quan tâm quá trình tự ăn của tế bào vì việc biến đổi trong những gene này có thể dẫn tới bệnh tật, như bệnh thoái hóa thần kinh, tăng trưởng tế bào ung thư, thúc đẩy kháng thuốc chữa ung thư…

Ủy ban Nobel nói rằng, thông qua công trình nghiên cứu của giáo sư Ohsumi, giờ đây, các nhà khoa học biết rằng, khi quá trình tái chế tế bào gặp trục trặc, bị gián đoạn, nó có thể liên quan sự tích lũy protein trong bệnh Parkinson, tiểu đường type 2 và một số rối loạn khác xuất hiện ở người cao tuổi. “Chúng ta cần quá trình tự ăn của tế bào để phòng chống các phân tử xâm lấn, ví dụ, để xử lý các protein quá lớn có thể tồn tại quá lâu hoặc có thể bị lỗi”, Juleen Zierath, một nhà sinh học, thành viên Ủy ban Nobel, giải thích. “Chúng ta cũng cần quá trình tự ăn để đổi mới tế bào. Nói cách khác, chúng ta cần nó để phân tách protein để tự cường”, bà nói thêm.

Giải thưởng Nobel Y học 2016 là giải thưởng thứ 107 trong lĩnh vực này kể từ khi giải Nobel đầu tiên được trao năm 1905. Ủy ban Nobel thường trao giải cho các nghiên cứu được thực hiện nhiều năm trước, để đảm bảo rằng, đến nay chúng vẫn còn giá trị. Giải Nobel Y học năm ngoái được trao cho 3 nhà khoa học phát triển các phương pháp chữa trị một số bệnh nhiệt đới, trong đó có sốt rét.

Sau giải Nobel Y học 2016, các giải Nobel Vật lý, Hóa học và Hòa bình sẽ được công bố trong tuần này. Mỗi giải trị giá 8 triệu Krona (tương đương 930.000 USD).

Yoshinori Ohsumi được đào tạo về sinh học tế bào tại Đại học Tokyo, sau đó nghiên cứu tại Đại học Rockefeller (Mỹ). Từ khi thành lập phòng thí nghiệm của riêng mình, ông tập trung nghiên cứu cơ chế tự ăn của tế bào.

Thái An (Tổng hợp)/ TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)