Khi vào phòng thi, thí sinh phải đọc kỹ đề. Đọc hết đề rồi nghiền ngẫm mới bắt tay vào làm (ảnh minh họa). Ảnh: M.Tâm |
Còn khoảng 3 tháng nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia 2017, vì vậy các học sinh lớp 12 cần tranh thủ thời gian để vừa học trên lớp, vừa ôn tập ở nhà. Với môn ngữ văn, các em đọc lại tất cả tác phẩm trong sách giáo khoa vào những ngày nghỉ và chủ nhật. Sau đó, các em xem lại tất cả bài tập đọc – hiểu mà thầy và trò đã làm trên lớp. Nếu chỗ nào không hiểu thì các em mạnh dạn gọi điện thoại hỏi giáo viên. Thầy cô sẵn sàng lắng nghe và giảng lại những chỗ khúc mắc để các em hiểu rõ. Có như vậy mới ghi nhớ lâu dài. Tiếp theo, học lại các bài phân tích mà giáo viên đã dặn, chú ý những chỗ quan trọng nhất mà thầy cô đã lưu ý. Cuối cùng, học lại văn nghị luận xã hội bằng cách đọc tất cả các bài nghị luận xã hội đã từng làm và trong đề cương có đề nghị luận xã hội.
Đặc biệt, khi ngồi làm bài trong phòng thi, các em cần tuân thủ quy tắc “3 không, 7 có”. Cụ thể, 3 không đó là: thứ nhất, không bỏ bất kỳ câu nào, vế nào dù đó là câu khó. Cần tập trung suy nghĩ và cố gắng tìm mọi cách có ý để có điểm dù số điểm không lớn còn hơn bỏ không. Thứ hai, không hiểu đề. Đề thi THPT quốc gia ra vừa sức vì thế nếu đọc đề không hiểu, hãy đọc lại lần nữa. Nếu chưa hiểu, đọc tiếp, đọc khi nào hiểu thì mới làm (nhất là câu nghị luận xã hội) trong khoảng thời gian 10 phút trở lại. Thứ ba, không viết chữ quá nhỏ, trình bày ẩu, gạch xóa sai quy định.
Tương tự, 7 có đó là: thứ nhất, có sự bình tĩnh. Không được nóng vội mà tỉnh táo. Nếu bình tĩnh thì đề khó thành dễ và ngược lại, nếu lúng túng mất bình tĩnh thì đề dễ cũng sai. Thứ hai, có đọc kỹ đề. Đọc trên, đọc xuống, đọc trái, đọc phải. Đọc hết đề rồi nghiền ngẫm mới bắt đầu bắt tay vào làm. Như vậy mới tránh lạc đề. Thứ ba, có sự tư duy. Vận dụng tất cả IQ và EQ của mình để đặt các câu hỏi và trả lời chính xác. Không chịu suy nghĩ thì khó tìm được ý vì ý đã nằm sẵn trong đầu. Thứ tư, có nỗ lực làm bài. Tuyệt đối không được bỏ câu, bỏ ý. Bài văn là một cơ thể toàn vẹn, nhất định không thể thiếu kể cả thừa. Nghĩa là không tùy tiện viết linh tinh những vấn đề không liên quan vào bài. Thứ năm, có sự tính toán, cân đối về thời gian. Phải hoàn thành bài một cách toàn diện nên phân chia giờ làm bài hợp lí cho từng phần. Thứ sáu, có lòng tự trọng. Ta không thể coi thường chính bản thân ta, làm bài một cách hời hợt, vô cảm, lạnh lùng khi ngoài kia ba mẹ, thầy cô, bè bạn và mọi người đang trông chờ vào sự cố gắng của bản thân. Thứ bảy, có niềm tin vào bài làm của mình vì chứng tỏ bài làm có kết quả tốt đúng như mong muốn của mình.
Nguyễn Thị Hà
(Tổ trưởng bộ môn ngữ văn,
Trường THPT Phước Long, TP.HCM)
Bình luận (0)