Việc cổ phần hóa các trường đại học công lập có thể dẫn đến việc không thống nhất, mâu thuẫn lợi ích giữa mục tiêu giáo dục của các trường và mục đích tối đa hóa lợi nhuận của những nhà đầu tư.
Trường đại học Tôn Đức Thắng đã áp dụng mô hình đại học công lập tự chủ tài chính. Trong ảnh: giảng viên của trường hướng dẫn sinh viên khoa công nghệ sinh học thực hành – Ảnh: Như Hùng |
Công, tư, cổ phần hóa là chưa đủ
Ông Karl Theisen – Ảnh: L.Ng. |
Tại VN, bên cạnh hai mô hình đại học công lập và đại học tư thục, cổ phần hóa thì giáo dục VN cần làm quen và phát triển mô hình trường đại học tư thục phi lợi nhuận. Cả ba mô hình trường đại học này hoàn toàn có thể tồn tại song song vì mỗi mô hình có một sứ mệnh riêng và phục vụ những nhu cầu cụ thể khác nhau.
Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng mô hình đại học tư thục vì lợi nhuận với bản chất là một doanh nghiệp đi liền với các nhà đầu tư cùng mục đích tối đa lợi nhuận cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi áp dụng.
Theo tôi, đây là mô hình thật sự không dễ dàng theo đuổi mà không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Từ kinh nghiệm làm việc tại Mỹ, tôi nhận thấy mô hình này không nhiều và số lượng trường thành công, có tiếng tăm về chất lượng là khá hiếm.
Vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, các cổ đông quyết định những chính sách chiêu sinh thiếu cân nhắc; sinh viên đăng ký học được hướng dẫn tiếp cận các khoản vay cho giáo dục nhưng vì sự bất cập về chất lượng đào tạo, nhiều sinh viên ra trường không thể có được việc làm tốt để hoàn trả số nợ trên. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các trường.
Căn nguyên của việc này, theo tôi, là sức ép của lợi nhuận đối nghịch với bản chất dài hạn của giáo dục. Đối với những nhà đầu tư thì hiệu quả kinh doanh, cụ thể là lợi nhuận được đo lường, kiểm điểm theo quý, song giáo dục là quá trình dài hạn, gặt hái được thành công trong giáo dục cần có thời gian.
Tôi tin rằng đầu tư cho giáo dục và mong chờ kết quả, lợi tức trong vòng năm năm là không được, thời gian ấy cần phải là 10 thậm chí 20 năm. Vì thế, tôi nghĩ mô hình trường đại học cổ phần hóa, tư thục vì lợi nhuận sẽ phù hợp với các trường dạy nghề với các chứng chỉ nghề ngắn hạn, vì khi đó cổ đông sẽ yên tâm về lợi tức và chất lượng giáo dục sẽ không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, Chính phủ cần có những khung quy định chặt chẽ, hợp lý để việc phát triển mô hình này được hiệu quả nhất.
Khuyến khích đại học công lập tự chủ tài chính
Về đại học công lập, tôi khẳng định đây là cơ sở đào tạo phục vụ cho Nhà nước, sứ mệnh hỗ trợ của Nhà nước trong việc mang giáo dục đến với dân chúng. Đại học công lập ở Mỹ nhấn mạnh tiêu chí “accessible”, nghĩa là có thể tiếp cận được và dành cho toàn dân.
Tuy nhiên, để bắt kịp xu thế phát triển, các trường đại học công lập ở Mỹ đã và đang chuyển sang tự chủ tài chính. Các trường này nhận ít dần sự hỗ trợ từ chính phủ. Điều đó giúp tập cho lãnh đạo các trường công điều hành, quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn khi phải tự cân đối thu chi.
Bên cạnh đó, các trường cũng được chủ động trong việc huy động những nguồn lực tài chính khác như từ các mạnh thường quân, từ những dự án nghiên cứu, đồng thời mức học phí cũng được điều chỉnh để đi đôi với chất lượng giáo dục.
Tôi được biết VN cũng có một số trường đại học công chuyển sang tự chủ tài chính. Theo tôi, đây là mô hình tốt, cần khuyến khích thực hiện.
Cuối cùng, tôi tin tưởng rằng hướng đi thật sự tốt cho giáo dục VN là trường đại học tư thục phi lợi nhuận. Tôi có thể dẫn ra các ví dụ những trường danh tiếng tại Mỹ như Harvard, Yale, Princeton hay Stanford… đều là các đại học tư thục phi lợi nhuận.
KARL THEISEN (người Mỹ, giám đốc điều hành Đại học Arizona State tại VN)
* Ông Chris Albright (giám đốc chương trình du học VN, văn phòng đại diện Đại học Loyola Chicago): Mong mạnh thường quân đóng góp cho các trường đại học Đại học Stanford được đặt theo tên nhà sáng lập là tỉ phú đường sắt Leland Stanford, khi ông hiến tặng số tiền 5 triệu USD vào năm 1885 để lập nên trường. Ví dụ này cho thấy các đại học tư thục phi lợi nhuận đã có từ rất lâu. Sự thành danh, phát triển của các trường này được giúp sức rất đắc lực bởi những mạnh thường quân. Các trường đại học phi lợi nhuận không chịu sức ép lợi nhuận từ các nhà đầu tư. Với họ, chất lượng giáo dục, uy tín trường, đầu ra cho sinh viên luôn là các ưu tiên hàng đầu. Để có kinh phí hoạt động và phát triển mạnh mẽ, các trường huy động tiền “endowment” (tạm dịch là quỹ tích lũy) từ nhiều nguồn chính như: mạnh thường quân, cựu sinh viên, phụ huynh, các dự án nghiên cứu. Số tiền này được giao cho những công ty quản lý quỹ rất chuyên nghiệp đầu tư thu về lợi nhuận dồi dào cho các trường hằng năm. Tôi mong rằng tương lai của giáo dục đại học VN sẽ là các trường tư thục phi lợi nhuận. Tôi hi vọng các mạnh thường quân sẽ quan tâm đóng góp nhiều hơn cho các trường đại học. Ngoài ra, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích rõ rệt, mạnh mẽ hơn như ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp có mạnh thường quân đóng góp cho trường đại học để đưa mô hình này thành hiện thực. |
LÊ NGUYÊN ghi/TTO
Bình luận (0)