Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kỹ năng “biết mình là ai?”

Tạp Chí Giáo Dục

Hiểu người, hiểu ta trăm trận trăm thắng. Câu danh ngôn cổ xưa đó mãi mãi vẫn là chân lý. Song thực tế để đạt được điều đó không phải dễ.

Khi thiết kế định hình một tương lai cho mình, mỗi người không thể không biết mình là ai. Việc chọn nghề, chọn khối thi, trường thi hay chọn một chân trời phấn đấu, nhất nhất trước khi quyết định phải hiểu cơ bản mình là ai. Không xác định rõ được sở trường, sở đoản; bản chất, cá tính; hoàn cảnh riêng của mình, cứ liều lĩnh “nhắm mắt đưa chân” không sớm thì muộn sẽ phải “trả giá”. Tuy nhiên, con đường khám phá chính mình không thể có kết quả một sớm một chiều mà là một quá trình lâu dài; đòi hỏi nhiều công phu, nhiều kiên nhẫn.

Không ai hiểu mình… bằng mình. Song để làm được điều này không phải cứ muốn là được. Để hiện thực hóa con đường khám phá chính mình, mỗi chúng ta trong suốt hành trình sống, sinh hoạt, học tập, làm việc phải tự mình tìm câu trả lời cho những nội dung sau: Thứ nhất, tính khí của mình thuộc nhóm nào? (Sôi nổi hay trầm lặng? Nóng nảy, cục cằn hay an hòa mềm mỏng?). Thứ hai, có sở trường gì, sở đoản gì? (Lĩnh vực lao động mình có khả năng nhất, đam mê nhất hay sợ hãi kém cỏi nhất: Trí tuệ hay lao động chân tay? Khả năng văn nghệ, thể thao, hoạt động chính trị, xã hội?… Môn học, ngành học nào mình đam mê, có năng khiếu nhất hoặc ngán ngẩm, dị ứng, không khả năng nhất?…). Thứ ba, đức tính nổi trội là gì? Kém cỏi là gì? (Trung thực; giản dị; kiên nhẫn; tự tin; tự trọng; tự lập; khiêm nhường; bốc đồng…). Thứ tư, trong quan hệ tình cảm mình thường quan tâm những giá trị nào nhất? (Sự thành đạt hay lòng tốt? Hình thức bên ngoài hay nội dung phẩm giá bên trong?…). Thứ năm, trong sinh hoạt cũng như trong giao tiếp ứng xử những thái độ gì thường được bộc lộ? (Lễ độ đúng mực hay xun xoe bợ đỡ? Lạc quan vui vẻ hay bi quan sầu não? Mạnh bạo cương quyết hay tự ti rụt rè?…). Thứ sáu, cội nguồn của mình thế nào? (Gia đình có truyền thống tốt đẹp gì cần phát huy, điều gì còn “gai góc” cần thay đổi, chuyển hóa?…). Thứ bảy, hoàn cảnh, cá tính có gì đặc biệt? (Mồ côi; tật bệnh; nghèo đói…; lãng mạn; rất thích đi du lịch…). Bảy tiêu chí trên chỉ được khám phá, được bộc lộ khi ta luôn ý thức về nó, luôn tích cực năng động trong sinh hoạt giao tiếp ứng xử, trong mọi hành vi hành động ở mọi lĩnh vực mà mình tham gia, có quan hệ và cần quan hệ.

Tôi ví dụ: Nữ vận động viên Cao Ngọc Phương Trinh khi sinh ra chỉ nặng 1,7kg, phải nuôi trong lồng kính. Lớn lên một chút thấy mình nhỏ bé yếu đuối quá, cô xin vào học lớp võ Judo để nuôi hy vọng cải thiện sức khỏe. Nào ngờ chính ở đó cô đã nhận ra lòng đam mê và năng khiếu thể thao của mình. Cô quyết định chọn môn võ này làm đích phấn đấu. Và bất ngờ ngoài mong đợi đã đến với Phương Trinh khi cô trở thành võ sĩ 3 lần liên tiếp đoạt huy chương vàng môn võ này ở hạng cân 48kg tại đấu trường SEA Games. Phương Trinh hiện là Tổng Thư ký Hội Judo TP.HCM.

Người hiểu mình nhất là người biết tôn trọng nhất các giá trị của mình, biết phát huy tối đa sở trường, hạn chế nhiều sở đoản. Dù trong hoàn cảnh nào cũng không bao giờ đánh mất mình. Đó là bản lĩnh mà mỗi học sinh trên ghế nhà trường đang phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện để từng bước hiểu sâu sắc mình, nâng mình lên tầm cao mới…

NGƯT Nguyễn Ngọc Ký

Bình luận (0)