Đó là lời khuyên của các chuyên gia tư vấn đối với những học sinh có học lực trung bình không có khả năng vào lớp 10 công lập năm học 2018-2019.
Ông Đinh Văn Kỳ (Phó Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Bình Chánh) trao đổi với phụ huynh và học sinh tại chương trình hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS ở Trường THCS Đa Phước |
Tham gia thị trường xuất khẩu lao động
Tại buổi tư vấn hướng nghiệp và phân luồng sau THCS tại Trường THCS Đa Phước mới đây, ông Đinh Văn Kỳ (Phó Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Bình Chánh) đã chỉ ra các hướng rẽ sau THCS để phụ huynh và học sinh lớp 9 lựa chọn. Qua nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp, ông Kỳ cho rằng học sinh có học lực trung bình vào học THPT rất vất vả, thậm chí bỏ học giữa chừng vì không theo kịp chương trình. “Dự kiến năm nay có khoảng hơn 1.000 học sinh đăng ký vào Trường THPT Đa Phước nhưng chỉ tiêu chỉ hơn 600 em, như vậy có khoảng 400 học sinh không vào được lớp 10 công lập. Do đó, việc xác định hướng đi sau THCS ngay từ thời điểm này là việc phụ huynh và học sinh cần cân nhắc”, ông Kỳ khuyên.
Tham dự buổi tư vấn, một phụ huynh hỏi: “Con tôi đi học nghề thì có được học văn hóa tại trường không?”. Bà Nguyễn Thị Phương Mai (đại diện Trường TC Kỹ thuật – Nghiệp vụ Nam Sài Gòn) trả lời: “Nếu học sinh có nhu cầu học văn hóa thì có thể đăng ký học. Khi hoàn thành chương trình văn hóa hệ GDTX và có được bằng TC, các em nộp hồ sơ và sẽ được thi THPT quốc gia như những học sinh khác. Đây là điều kiện để các em có cơ hội học liên thông lên CĐ-ĐH nếu muốn”.
Ngày mai (21-4), Trung tâm GDNN – GDTX huyện Bình Chánh phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện tiếp tục triển khai chương trình tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm học 2017-2018. Theo đó, từ 8 giờ đến 10 giờ, chương trình diễn ra tại Trường THCS Tân Quý Tây và THCS Hưng Long; từ 14 giờ đến 16 giờ diễn ra tại Trường THCS Tân Kiên và THCS Tân Nhựt. Ngày 22-4, từ 8 giờ đến 10 giờ, chương trình diễn ra tại Trường THCS Bình Chánh và THCS Nguyễn Văn Linh. Trước đó, chương trình cũng đã diễn ra tại các trường THCS trên địa bàn huyện. Được biết, năm học 2017-2018, học sinh 18 trường THCS trên địa bàn huyện Bình Chánh được tư vấn hướng nghiệp và phân luồng sau THCS. |
Bà Mai cho biết thêm: “Với học lực trung bình, ngay từ bây giờ các em hãy chọn học TC để tiết kiệm chi phí và sớm có việc làm. Ở trường nghề, thời lượng đào tạo 70% thực hành và 30% lý thuyết, cộng với kỹ năng mềm, học sinh hoàn toàn tự tin gia nhập thị trường lao động. Đặc biệt, người học được trang bị vốn ngoại ngữ là tiếng Nhật hoặc Hàn. Bên cạnh đó, trường còn tạo điều kiện tham gia xuất khẩu lao động nếu có nhu cầu”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Thông (Trưởng ban Tuyển sinh, Trường CĐ Giao thông Vận tải TW 6) cho biết hiện nay các nhóm ngành kỹ thuật giao thông vận tải có nhu cầu việc làm rất lớn, cụ thể là các ngành công nghệ ô tô, xây dựng công trình, công trình giao thông… Trường có đào tạo văn hóa hệ GDTX để học sinh có cơ hội liên thông lên CĐ trực tiếp tại trường. Bên cạnh đó, nếu không muốn học lên cao, người học có thể đề đạt nguyện vọng đi hợp tác lao động tại Nhật, trường có suất học bổng học tiếng Nhật để trang bị ngoại ngữ. “Có bằng TC, sau 3 năm hợp tác lao động tại Nhật phải về nước, nhưng với bằng CĐ thì đi đến 5 năm và có thể thể gia hạn thêm”, ông Thông thông tin.
Cấp học bổng, kinh phí học tập
Ông Nguyễn Thanh Hiền (đại diện Trường TC Thủy sản) cho biết trường đào tạo 1,5 năm ở tất cả các ngành nếu học sinh không học văn hóa. Trong thời gian học, nếu đạt kết quả xuất sắc thì sẽ được nhận học bổng 3 triệu đồng/ học kỳ; kết quả giỏi là 2,4 triệu đồng/học kỳ và loại khá là 2 triệu đồng/học kỳ. Trường liên kết với các doanh nghiệp tại TP.HCM nhằm tạo điều kiện cho học sinh thực tập, làm quen với môi trường doanh nghiệp. Thời gian thực tập, học sinh còn được hỗ trợ tiền ăn, đi lại và nhận vào làm việc nếu chứng minh được năng lực của mình. Ngoài ra, hàng năm trường còn phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các đợt tư vấn tuyển dụng tại chỗ. “Các ngành công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản thủy sản, công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản thực phẩm, cơ điện lạnh thủy sản, bảo trì và sửa chữa thiết bị nhiệt, khai thác hàng hải thủy sản… là những ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng các cơ sở GDNN không đáp ứng đủ, đặc biệt là lao động có tay nghề, kỹ năng trình độ TC-CĐ”, ông Hiền nói.
Công tác phân luồng học sinh sau THCS còn khó khăn Ông Trần Duy Linh (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đa Phước, huyện Bình Chánh) chia sẻ, công tác phân luồng và hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá năng lực, xác định hướng đi của học sinh sau THCS. Nhiều năm qua, Trường THCS Đa Phước đa dạng hóa các hình thức tư vấn, tổ chức cho học sinh tham quan thực tế tại các trường nghề, hướng học sinh xác định đâu là ngành nghề phù hợp để lựa chọn, hạn chế lãng phí thời gian cũng như tiền bạc. “Tuy nhiên, thực tế công tác phân luồng và hướng nghiệp ở địa phương nói riêng, thành phố nói chung thời gian qua còn khó khăn do quỹ thời gian hạn hẹp; học sinh và phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về hệ GDNN dẫn đến không theo kịp chương trình và bỏ học giữa chừng”, ông Linh nhìn nhận. |
Ông Trần Văn Tính (đại diện Trường TC Công nghệ lương thực thực phẩm) cũng cho biết, ngoài học bổng cho học sinh có học lực khá, giỏi, nhà trường còn hỗ trợ kinh phí học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Giải tỏa băn khoăn của phụ huynh về cơ hội việc làm ở các ngành chế biến thực phẩm, sửa chữa thiết bị điện, nhiệt…, ông Tính quả quyết đây là các ngành đảm bảo 100% học sinh ra trường có việc làm với mức lương từ 6 triệu đồng trở lên. Về vấn đề việc làm, bà Nguyễn Thị Phương Mai khẳng định: Văn phòng hỗ trợ giải quyết việc làm cho học sinh của trường luôn tạo điều kiện để người học được làm thêm bán thời gian.
Bà Nguyễn Thị Hường (phụ huynh học sinh Trường THCS Đa Phước) hỏi: “Các trường cam kết học sinh có việc làm sau tốt nghiệp nhưng việc làm gần hay xa?”. Bà Mai trả lời: “Doanh nghiệp mà nhà trường liên kết đều tập trung ở các khu chế xuất – khu công nghiệp ở thành phố và các em sẽ làm việc tại những nơi này”.
T.Anh
Bình luận (0)