Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Rút ngắn thời gian học ĐH: Tại sao không?

Tạp Chí Giáo Dục

Tháng 12-2012, có 4 sinh viên (SV) Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tốt nghiệp chỉ sau 3 năm học. Tháng 10-2015, một SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tốt nghiệp trước thời hạn 1 năm… Việc rút ngắn thời gian là do SV chủ động đăng ký học nhiều học phần trong từng học kỳ của chương trình theo cách đào tạo tín chỉ.

Nguyễn Thanh Phong (sinh năm 1993) vừa tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) trước một học kỳ. Ảnh: M.Tâm

Như vậy, “bí quyết” rất đơn giản: Trong tổng số học phần của cả khóa, ai học nhanh hơn (học nhiều hơn ở mỗi học kỳ) thì sẽ hoàn tất sớm chương trình.

1. Đào tạo tín chỉ thực ra đã được triển khai từ nhiều năm trước. Nhưng thời gian qua, cách đào tạo này gần như chỉ để… dễ tính học phí. Bởi dù đặt ra chương trình cả khóa bao nhiêu tín chỉ, số tín chỉ của từng môn là bao nhiêu nhưng lại dạy hoàn toàn theo niên khóa, trường dạy bao nhiêu thì SV phải học bấy nhiêu chứ không được chủ động đăng ký.

Cách đào tạo mới cho phép SV chủ động chọn môn và số môn học (trừ một số môn bắt buộc phải học theo thứ tự). Theo đó, những học kỳ đầu, SV có thể chọn những môn tương đối dễ, số tín chỉ ít, sau đó quen dần thì chọn những môn khó, số tín chỉ nhiều hơn, miễn sao hoàn tất đủ tất cả các môn thì thôi. Bên cạnh đó, SV cũng có thể chọn học những môn/học phần phù hợp với điều kiện cụ thể, như về sức khỏe, kinh phí, thời gian… Chẳng hạn, trong học kỳ này, SV có khó khăn với tài chính nên phải đi làm thêm nhiều, nên không thể học những môn đòi hỏi sự tự nghiên cứu quá nhiều, phải làm nhiều đồ án, đồ họa, nhưng ở học kỳ sau, có nhiều thời gian hơn, SV có thể ưu tiên lựa chọn những học phần khó. Như vậy, việc chủ động lựa chọn môn/học phần để học cũng sẽ tạo điều kiện để SV học tập hiệu quả hơn. Việc để SV được chủ động lựa chọn môn và sắp xếp thời gian học tập phù hợp có thể giúp một số SV thể hiện ý chí quyết tâm cao, cố gắng hết mình để tập trung cho việc học tập trong 3 năm. Dĩ nhiên, SV cần tham khảo ý kiến từ thầy cô…

2. Để bảo đảm việc học tập mang hiệu quả thực sự, SV cần cân nhắc xác định tốc độ học tập của mình. Do đó, ở những học kỳ đầu chưa vội “tăng tốc” mà cần có thời gian thích nghi và xác định một thời điểm thuận lợi để bắt đầu “bứt tốc”. Bên cạnh đó, nếu không có nhu cầu ra trường sớm hoặc sức học không thực sự tốt thì không nên chọn việc học với tốc độ cao vì rất dễ đuối sức và sẽ không hoàn thành tốt kế hoạch học tập. Ngược lại, những SV giỏi cần được khuyến khích học vượt để họ đạt được trình độ cao ở lứa tuổi còn trẻ. Đây là những thông tin SV cần cân nhắc để quyết định lựa chọn hình thức cũng như phương pháp học tập thích hợp cho bản thân.

Việc SV tiết kiệm được thời gian đồng thời gia đình tiết kiệm được chi phí, nhà trường cũng tăng hiệu suất đào tạo. Quan trọng hơn là cách học đó đã thúc đẩy SV chủ động, sáng tạo, có thêm điều kiện để thử thách mình, nhờ đó phát huy được tính năng động và cả những năng lực tiềm tàng. Nhìn rộng hơn nữa, chính điều đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi sẽ có một bộ phận nhân lực sớm gia nhập thị trường lao động (thay vì vẫn còn học), biết cách vượt qua trạng thái ì của bản thân, đồng thời kích thích từng cá nhân phát huy năng lực của mình. Và, cách học này sẽ phân hóa rõ nét những người giỏi so với những người còn lại, bởi họ có thể rút ngắn 25-40% học tập, thay vì bắt buộc phải học trong cùng thời gian như những người khác.

3. Trong điều kiện của mình, các trường ĐH cần nghiên cứu để đưa cách đào tạo tín chỉ (đúng nghĩa) này vào áp dụng. Có thể áp dụng ở từng khoa, từng ngành, sau đó đại trà. Tất nhiên, phải trừ những ngành không thể rút ngắn thời gian hoặc chỉ có thể rút ngắn thời gian học chứ không thể rút ngắn thời gian thực tập, thực hành. Việc tạo điều kiện cho SV rút ngắn thời gian cũng phải đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì vậy, cũng cần thông tin, khuyến cáo rộng rãi cho SV biết, để mỗi người tự lượng sức mà có chương trình học hợp lý, tránh học quá sức thì lợi bất cập hại.

Ở cấp độ vĩ mô, Bộ GD-ĐT cần thiết có quy định về việc rút ngắn thời gian học, như cho phép những trường nào, ngành nào được đào tạo theo quy chế tín chỉ, trong đó SV được chủ động đăng ký học cụ thể ra sao, thời gian rút ngắn tối đa là bao nhiêu (cũng như quy định cả việc cho phép kéo dài với một trường hợp) cùng những quy định khác có liên quan. Các quy định này nhằm hạn chế việc tăng hoặc giảm thời gian đào tạo tùy tiện, có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

ThS. Nguyễn Minh Hải

 

Bình luận (0)