Để ngăn chặn vấn nạn xâm hại tình dục cũng như mong muốn được đóng góp phần nhỏ sức lực của mình cho xã hội, em Lưu Thị Xuân Tình (sinh viên năm nhất Khoa Kinh doanh quốc tế – Marketing, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã lên ý tưởng về “Bộ thiết bị chống xâm hại tình dục”.
Em Lưu Thị Xuân Tình – tác giả ý tưởng về “Bộ thiết bị chống xâm hại tình dục”
Đây là một trong 5 ý tưởng tình nguyện vì cộng đồng được đánh giá là có tính ứng dụng cao, đồng thời được chọn để thuyết trình trong Diễn đàn cổng thông tin Ý tưởng sáng tạo trẻ do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ TP.HCM tổ chức.
Ám ảnh trước vấn nạn xâm hại tình dục
Theo Xuân Tình, trong năm 2018, cả nước có hơn 1.000 vụ án xâm hại tình dục trẻ em, nghĩa là khoảng 8 giờ trôi qua lại có một người Việt Nam bị xâm hại tình dục. Nạn nhân đa phần là phụ nữ và trẻ em gái – những đối tượng không có khả năng chống cự, phòng vệ và tự vệ.
Trước vấn nạn nhức nhối này, Xuân Tình hồi ức về thời cấp 1 của mình có một bạn nữ bị xâm hại tình dục. Bạn bắt đầu sống lặng lẽ, tách biệt, ít nói chuyện, vui đùa với chúng bạn và rất sợ người lạ. Từ đó, kết quả học tập của bạn cũng bị ảnh hưởng. Phải trải qua một thời gian rất lâu bạn mới lấy lại được tinh thần.
Bằng sự thấu hiểu và chứng kiến, Xuân Tình tự đặt ra hàng loạt câu hỏi cho bản thân: Tại sao một số người lại tàn nhẫn đến vậy? Liệu có phải nạn nhân nào cũng đủ sức vượt qua nạn xâm hại tình dục hay không? Mình phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này bây giờ?… Rồi trong một lần, thông qua nhà trường, Xuân Tình biết được cổng thông tin Ý tưởng sáng tạo trẻ thuộc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ
TP.HCM – nơi tiếp nhận và tổng hợp các ý tưởng sáng tạo tình nguyện vì cộng đồng của đoàn viên thanh niên để góp phần xây dựng TP. Nhận thấy đây là cơ hội để đóng góp cho xã hội, Xuân Tình quyết định tự đi tìm câu trả lời cho mình. Em bắt đầu lên mạng tìm hiểu, tra cứu các thiết bị có chức năng chống xâm hại tình dục. “Em thấy ở nước ngoài có người sáng chế ra bộ thiết bị chống xâm hại tình dục rồi. Tuy nhiên nó vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi, nhất là ở Việt Nam. Có thể ý tưởng của em không mới nhưng mình có thể dựa vào sản phẩm của người đi trước để cải tiến lại. Và ý tưởng về “Bộ thiết bị chống xâm hại tình dục” ra đời.
Tính năng của “Bộ thiết bị chống xâm hại tình dục”
Mặc dù bận rộn với công việc học hành, thi cử và bao lo toan cho cuộc sống, thế nhưng cô sinh viên quê Quảng Nam này vẫn tranh thủ thời gian để trình bày ý tưởng của mình ra giấy. Hai thiết bị ban đầu được em lựa chọn đó là quần bảo vệ và còi báo hiệu. Theo đó, chiếc quần sẽ có một lớp màn để bảo vệ bộ phận sinh dục và có dây nịt để khóa lại. “Thiết bị sẽ được thực hiện một cách tối ưu và tiện lợi nhất cho người mặc. Không nhất thiết là các bạn phải mặc xuyên suốt mà nên dành trong những lúc ở nhà một mình, đi đến những nơi công cộng, hoặc nơi mà mình cảm thấy không an toàn để tránh bất tiện”.
Với ý tưởng sáng tạo tình nguyện của Xuân Tình, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ TP.HCM đánh giá cao vì khả năng ứng dụng rộng rãi. |
Còi báo hiệu là thiết bị quan trọng, được gắn với chiếc quần với âm thanh chuyên biệt. Khi một người bị, hoặc cảm thấy có nguy cơ bị xâm hại tình dục thì có thể ấn còi để nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh, đồng thời, khiến kẻ xâm hại cảm thấy bị chú ý và rời đi. “Còi có trọng lượng vài gram và được gắn kèm với chiếc quần. Có bạn góp ý với em tại sao không dùng app điện thoại vì khi bị tấn công chúng ta cũng có thể báo hiệu? Theo em, thiết bị này lớn, lộ liễu, kẻ xấu có thể cướp đi điện thoại của mình trong tích tắc. Tuy nhiên, nếu có thể, chúng ta nên sử dụng cả 2 thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn” – Xuân Tình cho biết.
Chia sẻ về quá trình lên ý tưởng của mình, Xuân Tình thổ lộ, ban đầu em chỉ nghĩ ra 2 thiết bị thông dụng trên. Tuy nhiên, sau khi nộp ý tưởng, nhận được phản hồi là sản phẩm có tính ứng dụng cao và được chọn để thuyết trình trong diễn đàn nên em mới nghĩ thêm một thiết bị nữa đó là Hệ thống máy phát hiện camera quay lén. “Cách đây không lâu, em thấy Confession của trường có nhiều thông tin cảnh báo về việc có camera quay lén trong các nhà vệ sinh, phòng thay đồ công cộng… sau đó kẻ xấu lấy dữ liệu đem bán và công khai rộng rãi. Từ đó, em nghĩ mình nên thiết lập thêm hệ thống chống lại các camera này để lắp đặt cố định tại những nơi công cộng. Khi phát hiện có camera quay lén, thiết bị sẽ tự phát tín hiệu báo cho mọi người. Như vậy, về cơ bản bộ thiết bị có thể bảo vệ người sử dụng trước các hành vi xâm hại tình dục, hạn chế đáng kể các tình huống xấu, đồng thời mang lại cảm giác an toàn, thoải mái hơn khi ở nơi công cộng”.
Xuân Tình trăn trở: “Sản phẩm có tiện ích như thế nào đi nữa nếu không có sự chung tay của mọi người sẽ không mang lại hiệu quả nhất định. Em kỳ vọng đây là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ các bạn gái, nhất là các em nhỏ trước vấn nạn xâm hại tình dục”.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)