Thời điểm này, hầu hết các trường phổ thông đều tổ chức buổi họp cha mẹ học sinh giữa năm học, nhằm sơ kết kết quả học tập và rèn luyện hạnh kiểm của học sinh trong học kỳ 1. Và một lần nữa tôi lại băn khoăn về cuộc họp này, nhất là về vai trò của phụ huynh trong cuộc họp.
Một buổi họp phụ huynh học sinh ở một trường THPT (ảnh minh họa). Ảnh: N.T
Phụ huynh quá… kiệm lời
Quan sát các cuộc họp phụ huynh gần đây, tôi thấy việc phụ huynh phát biểu đóng góp ý kiến với lớp, với trường ngày càng ít dần. Có những cuộc họp chính bản thân tôi đích thân mời gọi phụ huynh 3, 4 lần, song cũng chẳng thấy phụ huynh nào phát biểu. Hầu hết biên bản sau cuộc họp đều thấy ghi “phụ huynh nhất trí 100%”, hoặc “cha mẹ học sinh không ý kiến”. Có nhiều lý do để giải thích cho sự im lặng của phụ huynh: hoặc thành tích của lớp, của trường đã quá hoàn hảo; hoặc phụ huynh ngại nói, sợ đụng chạm; cũng có một số phụ huynh thờ ơ, không quan tâm; một số cứ nghĩ mình là “khách” còn “chủ” là nhà trường, là giáo viên chủ nhiệm; không loại trừ có phụ huynh suy nghĩ “có góp ý cũng thế thôi, chẳng suy suyển gì”… Vì thế mà các cuộc họp phụ huynh hiện nay diễn ra một chiều từ nhà trường, giáo viên xuống phụ huynh. Không có phản biện từ phụ huynh, nhà trường khó có sự phát triển, quyền lợi học tập của học sinh khó có sự hoàn thiện.
Phụ huynh ít phát biểu, góp ý đã đành, còn có một số phụ huynh rất là “cá biệt”. Họ quá nặng nề về tiền bạc, đóng góp. Nên hễ cứ nghe nhà trường mời họp là nghĩ ngay đến việc đóng tiền. Một giáo viên chủ nhiệm lớp 10 cho biết: “Có một phụ huynh lớp tôi chủ nhiệm lạ lắm. Cả hai lần họp, phụ huynh này đều gặp riêng tôi rồi nói: Thầy cho biết đóng tiền bao nhiêu để tôi đóng rồi tôi xin về sớm vì bận công việc”. Vừa rồi dự họp sơ kết cho con đang học lớp 2, tôi lấy làm lạ với một phụ huynh có suy nghĩ khá tiêu cực. Khi cô chủ nhiệm thông báo kết quả học không tốt và khá lo lắng cho học sinh con của phụ huynh này, thì vị phụ huynh nói rằng không quan trọng về kết quả, vì cháu mới học lớp 2. Ý kiến đó đã bị nhiều phụ huynh khác trong lớp phản bác, vì “phải có nền móng tốt mới xây dựng được những căn nhà vững chắc”. Còn nhiều câu chuyện khác nữa liên quan đến thái độ, sự nhiệt tình của phụ huynh trong các cuộc họp, trong sự phối hợp với nhà trường để giáo dục học sinh. Thực tế này cho thấy mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình hiện còn đôi chỗ trật nhịp.
Làm gì để phát huy vai trò của phụ huynh?
Trước hết, phải nhận thức rằng, ngay tên gọi cuộc họp cũng cho thấy vai trò của phụ huynh. Cần phải xem lại cách hoạt động, vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường để có tiếng nói đồng thuận của toàn thể phụ huynh. Dư luận từng cho rằng ban đại diện này như “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng, tuy không phải hoàn toàn đúng nhưng không sai. Vì vậy, để mọi phụ huynh đều có quyền lợi và trách nhiệm chung, ban đại diện và nhà trường phải có cách lấy ý kiến công khai, dân chủ trong mọi kế hoạch, hoạt động. Tránh trường hợp nhiều phụ huynh phải “ngậm bồ hòn” thuận theo ban đại diện, ban lãnh đạo trường mà lòng không vui!
Để phát huy vai trò của phụ huynh thì mọi kế hoạch hoạt động có liên quan giữa phụ huynh và nhà trường phải được mọi phụ huynh biết, phải được bàn luận, nhất trí trước. Hiện nay đa số phụ huynh chủ yếu chỉ nghe báo cáo chứ hầu như ít biết đến kế hoạch hoạt động trước đó là gì. Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng cần phát huy vai trò trong các hoạt động của nhà trường như: xây dựng nội quy, kế hoạch ngoại khóa, hoạt động giáo dục địa phương (sắp áp dụng tới đây), các hội đồng kỷ luật, việc xét duyệt hạnh kiểm học sinh định kỳ… Tôi nhớ cách đây không lâu, một trường tiểu học ở Hà Nội đã “lột xác” cuộc họp phụ huynh bằng cách cho học sinh làm chủ để báo cáo kết quả học tập. Bàn ghế được bố trí theo hình chữ U để phụ huynh trao đổi, tranh luận. Và cha mẹ các em đã mổ xẻ rất nhiều vấn đề, hầu hết đều góp ý xây dựng tốt hơn cho cả tập thể lớp. Tôi cũng đã từng chứng kiến những cuộc họp phụ huynh kéo dài từ sáng đến trưa mà chưa kết thúc. Phụ huynh tranh luận rất nhiều. Nói thật, những cuộc họp căng thẳng như thế thì người dự chẳng vui vẻ gì, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Nhưng sau đó nhà trường đều có những điều chỉnh tích cực, có lợi cho học sinh.
Đối với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh phải có vai trò cụ thể hơn đến việc học từng cá nhân học sinh. Đó là việc nắm bắt kịp thời thông tin từ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn. Cùng giáo viên chủ nhiệm xây dựng thời gian biểu học tập riêng của từng em để có sự phối hợp kiểm tra việc thực hiện. Giáo viên chủ nhiệm còn là cầu nối để chuyển tải tâm tư, nguyện vọng, những ẩn khuất “khó nói” của học sinh đến phụ huynh. Ngoài ra, ban đại diện cha mẹ học sinh từng lớp phải kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em lớp mình, phải thường xuyên trao đổi, kịp thời can thiệp, động viên, khuyến khích, khen thưởng học sinh trong lớp. Có như vậy mới mong đem đến hiệu quả, chứ không phải ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ bầu lên cho có như thực tế hiện nay!
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)