Từng xem phim hoạt hình của nước ngoài mà nhân vật được nặn từ đất sét, nhóm học sinh lớp 2 đã nảy ra ý tưởng và đặt vấn đề với cô giáo: 'Tại sao mình không làm phim hoạt hình bằng tò he hả cô?'.
Các học sinh mỗi người một nhiệm vụ để cho ra đời những bộ phim hoạt hình hoàn chỉnh. Ảnh: Nữ Vương
Thấy ý tưởng khá độc đáo, cô và trò Trường tiểu học Vinschool tại TP.HCM đã bắt đầu với dự án làm phim hoạt hình chuyển thể từ những câu chuyện cổ tích và thần thoại của Việt Nam bằng chính loại hình văn hóa dân gian tò he. Mới đây, dự án cũng đã xuất sắc giành giải ba tại Diễn đàn giáo dục đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin 2020 do Bộ GD-ĐT, Cục Công nghệ thông tin và Microsoft Việt Nam tổ chức.
Những “nghệ nhân” 7 tuổi
Tiếp xúc với nhóm tác giả của dự án, người viết phải ngỡ ngàng vì những em nhỏ mới 7 tuổi mà có thể tự lên ý tưởng, viết truyện, dàn dựng kịch bản, xây dựng nhân vật, dựng phim và truyền thông về dự án.
Khi người viết hỏi về những nhiệm vụ của từng em trong dự án thì càng ngạc nhiên hơn khi có em trả lời: “Con là nghệ nhân ạ”.
Đấy là cô bé Lê Châu Giang, đảm nhận nhiệm vụ nặn tò he và Giang cũng tự hào khi khoe với người viết những thành tích mà mình đã đạt được. Giang bây giờ thích nặn tò he hơn cả việc chơi điện thoại vì cô bé bảo đây là văn hóa dân gian của dân tộc.
“Con hiểu văn hóa dân gian là gì không?”, người viết hỏi thì Giang trả lời: “Là những gì từ đời xưa mà ông bà ta đã phát minh ra”.
Trong vai một người đi tuyên truyền về dự án, cô bé Lê Quỳnh Chi nói với người viết: “Dự án xin chào, chúng tớ là tò he. Nhưng nếu cô không hiểu gì về tò he thì con sẽ giải thích cho cô hiểu. Con biết tò he làm từ gì và bột tò he làm từ đâu. Cô lấy bột gạo nếp và gạo tẻ trộn lại với nước lạnh và nấu lên cho tới khi nào thấy mềm thì sẽ lấy ra và đó là bột tò he mình có thể nặn. Các màu tò he được lấy từ thực phẩm vì thế tò he không ảnh hưởng đến môi trường. Không những thế, những đồ nặn từ tò he có thể chơi được từ 10 – 30 ngày, sau đó nó tự bể ra và phân hủy, chứ không giống các đồ chơi nhựa, mất rất lâu mới phân hủy được. Và dự án của tụi con là nặn những nhân vật bằng tò he và quay thành phim hoạt hình”.
Cũng đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền, nhưng Lê Minh Gia Bảo lại chọn hình thức quay clip mà cậu bé tự quảng bá về dự án bằng 3 thứ tiếng (tiếng Việt, Anh, Pháp) và đăng lên kênh YouTube của riêng Bảo.
“Con rất thích quay clip và đăng YouTube. Ngoài những video quảng bá về dự án, con còn tự làm các clip về chủ đề sức khỏe, các đồ dùng trong nhà bằng tiếng Pháp… và hiện tại con đăng được khoảng hơn 25 video lên kênh của mình rồi”, cậu bé 7 tuổi nói như một YouTuber chuyên nghiệp.
Thích thú học nặn tò he từ các nghệ nhân
Trưởng thành khi học từ dự án
Ngoài những câu chuyện cổ tích hay thần thoại có sẵn, các bé còn tự sáng tác ra truyện để làm phim. Một trong những tác giả nhí là cô bé Nguyễn Ngọc Nhi, đã sáng tác ra truyện Ông thần học bài để sử dụng cho dự án. Bé rất thích sáng tác và đến giờ đã có 5 truyện khác nhau.
Nhi cho biết truyện Ông thần học bài kể về cậu bé rất lười học, cậu hay xin cô nghỉ và cậu hay gian dối. Sau đó có một ông thần xuất hiện và chỉ cho cậu những cách để cậu bé thông minh lên, bằng cách đưa ra những thử thách để cậu vượt qua và cuối cùng cậu thông minh lên, học giỏi, cuối kỳ được cô hiệu trưởng tặng quà.
“Con nghĩ ông thần học bài có ngoài đời thật. Mẹ con nói, ông thần học bài sẽ luôn ở bên cạnh những bạn học giỏi. Ổng sẽ theo dõi mình và có một danh sách ghi tên những bạn nào học giỏi và sau này những bạn trong danh sách đó sẽ gặp may mắn”, Nhi hồn nhiên chia sẻ.
Không chỉ làm thành phim, các bé còn sáng chế ra sân khấu kịch bằng những bìa carton và kể câu chuyện theo hình thức múa rối với những nhân vật bằng tò he.
Cô Ngô Thị Tuyết Nhung, giáo viên trực tiếp đồng hành cùng các em, rưng rưng nước mắt khi nhìn thấy thành quả mà học sinh đạt được. Đó không chỉ là những sản phẩm hiện hữu mà còn là sự trưởng thành và lớn lên từng ngày của các em.
“Trong môn Việt Nam học, khi học về tò he thì các bé nảy ra ý tưởng và đề xuất. Thấy ý tưởng làm phim từ tò he rất hay nhưng muốn làm thì phải bắt đầu từ đâu? Các em cần phải có kịch bản, biết phác thảo nhân vật, nặn ra nhân vật rồi quay, dựng phim… Giáo viên chỉ có nhiệm vụ gợi ý và đặt vấn đề, để các em tự trả lời, tự đưa ra ý tưởng rồi hình thành dự án tổng quan”, cô Nhung nói.
Cũng theo cô Nhung, nhờ vào dự án mà kiến thức môn Việt Nam học đưa vào rất nhẹ nhàng, không phải gượng ép hay lý thuyết suông. Bên cạnh đó, cũng giáo dục thêm được nhiều kỹ năng khác như làm việc nhóm, khả năng sáng tạo, giáo dục về đạo đức, môi trường… Đặc biệt, giúp tăng tư duy phản biện và tiếng nói của học sinh, khi các em tự viết truyện, tự phản bác và bình chọn bảng phác thảo nhân vật đẹp nhất để làm phim…
“Mình cho các em học từ thất bại, các em làm sai chỗ nào phải tự học tiếp kiến thức, tự xoay xở vấn đề và từ đó tự trưởng thành. Điều ý nghĩa nhất là các em ham muốn được học và chủ động tìm đến sự học, chứ không phải thầy cô hay ba mẹ bắt ép…”, cô Nhung hạnh phúc bày tỏ.
Không những thế, qua cách mà cậu bé Dương Anh Khôi chia sẻ, có thể thấy việc học qua dự án giúp các em tự biết được đam mê và khả năng của mình ngay từ sớm để có thể theo đuổi và phát triển. Khôi kể: “Lúc đầu con chọn một nhiệm vụ khác, nhưng làm thời gian thì thấy không hợp và con không làm tốt được nhiệm vụ đó nên con chọn quay và dựng phim. Khi làm phim được, con rất vui và thấy đam mê, thích tìm hiểu các lĩnh vực về công nghệ, kỹ thuật hơn”.
“Thực tế, nếu chỉ dạy kiến thức trong sách vở và với lịch học dày đặc của đa phần học sinh hiện nay thì các em sẽ khó có cơ hội được trải nghiệm, cũng như thử nghiệm để biết được mình thật sự thích, đam mê và phù hợp với cái gì”, cô Nhung tâm đắc.
Theo Nữ Vương/TNO
Bình luận (0)