Công nghệ thông tin (CNTT) không chỉ đơn thuần dùng soạn giảng hay trình chiếu như truyền thống mà nó còn “phá vỡ” giới hạn của một lớp học thông thường, giúp học sinh kết nối với thế giới bên ngoài để lĩnh hội kiến thức.
Học sinh quay phim, thống kê số lượng xe qua lại… tại một giao lộ khi học về dự án an toàn giao thông (ảnh trường cung cấp)
Đây là lý do chính khi áp dụng CNTT vào dạy học theo dự án, thầy Ngô Thành Nam (giáo viên khối lớp 5 Trường TH-THCS-THPT Việt Úc, TP.HCM) đã trao quyền cho học sinh được sử dụng công nghệ trong mọi hoạt động tìm kiếm thông tin.
Đơn cử như dạy dự án về môi trường, sau khi kế hoạch, nội dung, mục tiêu học tập của dự án đã được xây dựng, các em học sinh chia thành từng nhóm sử dụng CNTT để tìm hiểu các nguyên nhân, diễn biến, hậu quả cũng như biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, từ đó cùng thảo luận, đánh giá vấn đề. Khi có được kết quả cuối cùng, các em tiếp tục sử dụng các phần mềm công nghệ để tạo ra sản phẩm như poster, bài trình chiếu PowerPoint, phim tài liệu… nhằm mục đích tuyên truyền thông tin sâu rộng hơn đến mọi người. Xuyên suốt dự án, thầy Nam chỉ là người hướng dẫn, tư vấn thay vì “cầm tay chỉ việc”.
Thầy Ngô Thành Nam là một trong 800 giáo viên trên toàn cầu được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục (MIE).
Thầy Ngô Thành Nam sử dụng CNTT trong một tiết dạy (ảnh trường cung cấp) |
Tương tự, khi dạy học dự án về an toàn giao thông, thay vì nắm bắt kiến thức qua các tờ rơi, khẩu hiệu hay các bài học về Luật An toàn giao thông, ở đây học sinh được khảo sát online bên cạnh khảo sát thực tế. Kết quả đạt được là các em thực hiện rất tốt hình thức cũng như nội dung tờ rơi, bài trình chiếu, kịch hoặc website.
Chia sẻ về việc trao quyền sử dụng CNTT cho học sinh, thầy Nam cho rằng trao quyền để học sinh bỏ thói quen thụ động trong các lớp học truyền thống bởi mỗi giờ học là một hành trình khám phá của các em chứ không đơn thuần là việc thuyết giảng, lắng nghe. CNTT cũng không đơn thuần dùng vào soạn giảng hay trình chiếu như cách truyền thống mà nó giúp phá vỡ giới hạn của một lớp học thông thường, giúp học sinh kết nối với thế giới bên ngoài dễ dàng hơn. Vì thế các em luôn tỏ ra thích thú khi tham gia vào quá trình tìm tòi, thể hiện kiến thức bản thân một cách tự tin trước tập thể.
Theo thầy Nam, qua cách làm này, học sinh không chỉ được cung cấp kiến thức cơ bản mà còn hình thành nhiều kỹ năng của thế kỷ 21. Đó là khả năng tư duy độc lập, giải quyết vấn đề. Các em đã biết sắp xếp công việc, thời gian; biết lắng nghe, chia sẻ, phản biện cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm làm việc nhóm. Đặc biệt khả năng sử dụng CNTT của các em được nâng lên, sản phẩm tạo ra sau dự án đa dạng hơn những dự án thông thường. Nếu muốn mở rộng dự án ra ngoài lớp học, hướng đến sự phát triển lâu dài, các em còn có thể tạo ra ứng dụng App Studio.
Phương tiện xây dựng những giờ học dự án ứng dụng CNTT không có gì xa lạ ngoài máy tính, các thiết bị kỹ thuật số, phần mềm và kết nối internet. Các công cụ như Skype, Twitter… cũng được thầy Nam đưa vào để xây dựng môi trường học tập trực tuyến không giới hạn. Theo đó, thông qua tài khoản, học sinh có thể kết nối với bạn bè, cùng chia sẻ thông tin, đặt câu hỏi hay nêu thắc mắc. Qua đó giáo viên dễ dàng theo dõi, nắm bắt mọi hoạt động của các em để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn. Mặt khác, học sinh còn có thể kết nối, trao đổi với bạn bè quốc tế nhằm tăng cường mối giao lưu và có cái nhìn toàn diện về mọi vấn đề. Đây cũng là cách để các em rèn kỹ năng giao tiếp, nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh.
Trinh Ngọc
Chuyên gia công nghệ giáo dục
Ngoài những đổi mới, sáng tạo trong dạy học, thầy Ngô Thành Nam còn biến CNTT phục vụ tối đa trong công tác quản lý lớp, liên lạc với phụ huynh. Cụ thể, thầy đã quản lý lớp học một cách nhẹ nhàng, thú vị qua việc ghi nhận hành vi của học sinh bằng công cụ Classdojo. Hàng tháng, thầy sử dụng công cụ Sway thiết kế một bản tin điện tử gửi về gia đình giúp phụ huynh nắm rõ hoạt động của con em mình trong trường một cách dễ dàng. Sau mỗi học kỳ, thầy tiếp tục sử dụng bản khảo sát online để hiểu được mức độ hài lòng cũng như những trăn trở, mong muốn của phụ huynh để có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc giáo dục học sinh.
Học sinh làm quen với các biển báo giao thông (ảnh trường cung cấp) Việc ứng dụng CNTT vào dạy học theo dự án đã mang về nhiều giải thưởng giá trị cho thầy Nam trong năm 2015 như: Giải nhì tại Diễn đàn toàn cầu (tổ chức tại Mỹ); giải nhì cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT toàn quốc. Cũng trong lĩnh vực công nghệ, năm 2014, thầy Nam đạt giải nhì và giải ba cuộc thi thiết kế bài giảng “Violet và bài giảng của tôi”; giải nhì cuộc thi thiết kế bài giảng Lab – Elearning; giải nhất và giải Bình chọn cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT toàn quốc… |
Bình luận (0)