Theo AFP, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo những nguy cơ từ việc “phát tán những tin đồn và tin sai sự thật một cách tràn lan” khi số người nhiễm bệnh và chết vì virus gây viêm phổi mới ngày một tăng.
“Chúng tôi đang hợp tác với Google để đảm bảo mọi người khi tìm kiếm thông tin về virus corona sẽ thấy thông tin của WHO ở trên đầu các kết quả tìm kiếm”, ông Tedros nói trong hội thảo tại Geneva hôm nay. “Các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, Tencent và TikTok cũng đang thực hiện các biện pháp riêng để ngăn nạn phát tán tin giả”.
Mối đe dọa về tin giả phản ánh mặt trái của mạng xã hội, nơi bất cứ ai cũng có thể tạo cộng đồng riêng và bày tỏ quan điểm cá nhân về mọi chủ đề trong cuộc sống, nhất là vấn đề sức khỏe. Người dùng Facebook đang tham gia vào các nhóm (group) mới được thành lập để trao đổi về virus corona, hình thành bong bóng thông tin khó kiểm chứng.
“Tin giật gân luôn thu hút công chúng và trở thành xu hướng trên mạng xã hội”, Renee DiResta, Giám đốc nghiên cứu của Stanford Internet Observatory, nhận định. “Vì vậy, các nền tảng chắc chắn sẽ phải tăng cường kiểm chứng và dùng thuật toán để hạn chế thuyết âm mưu. Nội dung giả mạo không hiếm gặp. Chúng xuất hiện khi bất kỳ dịch bệnh mới nào bùng phát”.
Theo Washington Post, các đối tác của Facebook đã tiến hành 9 quy trình kiểm chứng trong những ngày qua và phát hiện hàng loạt tin sai sự thật về virus corona, như những phương pháp tự điều trị bệnh viêm phổi Vũ Hán, hay thuyết âm mưu rằng virus corona là vũ khí sinh học do Chính phủ phát triển.
An – Anh
Bình luận (0)