Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đại dịch làm thay đổi cách chi tiêu của người Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Người tiêu dùng Việt Nam chỉ tăng mua những thứ liên quan đến thực phẩm, trong khi tất cả ngành hàng khác đều giảm, xu hướng này dự báo duy trì cả sau dịch.

Anh Phan Tuấn đang làm cho Công ty du lịch chuyên về inbound (đón khách nước ngoài vào Việt Nam), trụ sở tại quận 1, TP HCM – nằm trong số những doanh nghiệp phải giảm lương nhân viên vì Covid-19. Không có khách ngoại, họ chuyển sang thử nghiệm bán tour nội địa. Tuấn chuyên đặt chỗ nhà hàng cho các tour, giờ anh còn phụ đội bán hàng tìm khách.

Tuấn cho biết, lương bị giảm đến 50% và đành chấp nhận vì khó tìm việc mới. Lương giảm một nửa khiến chi tiêu của Tuấn thay đổi hẳn. Rạp phim đã mở lại nhưng anh chưa có ý định đi xem. Kế hoạch du lịch hè bị bãi bỏ. Sống cùng bố mẹ và em trai, anh giảm một phần ba số tiền đóng góp cho gia đình và cắt gần như mọi thứ chi ngoài. 

Chị Nguyệt Hà, gia sư tự do tại quận 8, TP HCM có sở thích mua balô, túi xách online. Từ khi có dịch, chị nói rằng đã hạn chế dạo các trang livestream và ứng dụng thương mại điện tử. "Tôi ưu tiên mua những gì thiết yếu trước", chị nói.

Khách mua đồ tại siêu thị Coop Mart Cống Quỳnh (quận 1, TP HCM). Ảnh: Thành Nguyễn.

Voice Pick, một công ty khảo sát trực tuyến, nhận định trong "Báo cáo ảnh hưởng của Covid-19 đến thói quen tiêu dùng" rằng, điều lo lắng nhất của người tiêu dùng là công việc của họ bị ảnh hưởng, từ đó tác động đến thu nhập hàng tháng. Nếu Covid-19 có nguy cơ kéo dài, họ càng lo lắng hơn. Báo cáo thực hiện vào tháng 4/2020 với 680 mẫu, độ tuổi 18-55.

Trong khảo sát này, chỉ ngành hàng tiêu dùng nhanh liên quan đến thực phẩm được người tiêu dùng tăng chi tiêu, trong khi tất cả ngành hàng khác đều giảm. Thắt chặt chi tiêu đáng kể là chăm sóc sắc đẹp, thời trang – phụ kiện. "Điều này được giải thích bởi dịch bệnh và lệnh cách ly xã hội ảnh hưởng đến thu nhập của người tiêu dùng, khiến họ giảm chi tiêu đáng kể và ưu tiên những nhu cầu cơ bản trước", báo cáo viết.

Nielsen cũng cho biết, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng giảm chi tiêu tiền nhàn rỗi trong quý đầu năm. Khảo sát của họ ghi nhận gần 70% người tiêu dùng ưu tiên cho các khoản tiết kiệm. "Covid-19 làm gián đoạn cuộc sống và thay đổi thái độ, hành vi của người tiêu dùng một cách chóng mặt", bà Louise Hawley, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam nói.

Vòng lẩn quẩn

VietnamWorks chỉ ra rằng, gần 40% lao động trong khảo sát bị mất việc và 60% đi làm nhưng một nửa số đó bị giảm lương dẫn đến giảm mạnh về nhu cầu tiêu dùng. Vòng lẩn quẩn ở chỗ, điều này buộc doanh nghiệp giảm năng suất, chưa thể khôi phục kinh doanh hoàn toàn như khi trước dịch, kéo theo việc hạn hẹp nhu cầu tuyển dụng.  

Khi được hỏi về thời gian hoạt động tuyển dụng trở lại, 39% doanh nghiệp nói sẽ sớm khôi phục. Tuy nhiên, 20% vẫn chưa xác định được khi nào tuyển dụng lại bình thường; 19% đợi đến 3 tháng sau và 17% chọn thời điểm nửa năm sau.

Voice Pick cho biết, đa số cho rằng tình hình Việt Nam sẽ bình thường trở lại trong 1-2 tháng tới. Do vậy, những khó khăn trong chi tiêu mà bên bán lẫn bên mua đang đối diện có thể dần tháo dỡ. "Tuy nhiên, một số hành vi về tiết kiệm chi tiêu, phòng ngừa rủi ro, và quan tâm sức khỏe cũng có thể được duy trì", ông Trương Văn Quý, Giám đốc EQVN, nhận định.

Khách hàng ngồi giãn cách tại một salon để chờ làm tóc vào cuối tháng 4/2020. Ảnh: 30Shine

Các công ty cũng làm quen với "trạng thái bình thường mới"

Quan tâm đến an toàn sức khỏe không phải là khác biệt duy nhất khi hoạt động lại sau dịch. Nhiều doanh nghiệp đang làm quen với "trạng thái bình thường mới", khi kế hoạch thu chi thay đổi, nhân viên lo lắng giảm lương còn khách hàng thì dè sẻn.

Ông Bùi Quang Hùng, Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc Marketing của 30Shine cho biết, hôm 23/4, khi lệnh cách ly xã hội kết thúc, 30Shine công bố bộ 5 tiêu chí an toàn phòng dịch. Nhân sự của công ty được đào tạo, kiểm tra và tái kiểm tra bằng trắc nghiệm đầu ngày để đảm bảo nhận thức tốt nhất.

Đến nay, các tiêu chí vẫn được duy trì như một thói quen mới. Theo ông Hùng, hành vi khách hàng cũng thay đổi. "Sau mùa dịch, khách quan tâm đặt lịch trước nhiều hơn chứ không muốn đến đột ngột để phải chờ đợi. Họ tự chủ động chọn các khung giờ thưa vắng", ông nói.

Khi được hỏi về tình hình trong và sau giãn cách xã hội, gần 60% doanh nghiệp theo khảo sát của VietnamWorks nói đủ khả năng duy trì và tiếp tục phát triển kinh doanh. Nhưng đồng thời, nhóm chịu tổn thương do Covid-19 chiếm 40%. Trong đó, 30% cắt giảm nhân sự để duy trì qua khủng hoảng, 10% chọn cắt giảm vừa nhân sự lẫn lương, phúc lợi.

Ngoài ra, trong lúc này, nhiều đơn vị tiếp tục tìm cách lách cửa hẹp, bằng những chiến lược có phần "tay trái" so với trước, với mong muốn đánh trúng nhu cầu thiết yếu để người tiêu dùng mở hầu bao.

IVIVU, một công ty du lịch, sau khi thử nghiệm bán cơm phần mùa dịch thì nay bổ sung thêm dịch vụ bán các bữa ăn chưa chế biến cho người nội trợ. Mia Fruit, một chuỗi trái cây Nhật nhập khẩu nay đi săn các đặc sản nội địa. "Tuần này chúng tôi đi xúc tiến thương mại để tìm nguồn hàng ở Sơn La. Kế hoạch sắp tới là tiếp tục đi thêm một số tỉnh phía Bắc", chị Mỹ Linh, đại diện chuỗi nói.

Theo Viễn Thông/Vnexpress

Bình luận (0)