Thông tin trên được bác sĩ CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, đưa ra tại hội thảo “Đánh giá phần mềm tình trạng dinh dưỡng học sinh” do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM tổ chức chiều 22-12.
Theo khảo sát mới nhất năm 2015 của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, ở lứa tuổi học sinh phổ thông, tình trạng béo phì, thừa cân là đáng báo động nhất.
Theo đó, trẻ dưới 5 tuổi, thừa cân, béo phì chiếm 21,9%; lứa tuổi tiểu học, con số này lên đến 51,8%; độ tuổi THCS và THPT có tỉ lệ là 33,5% và 19,5%. Xét theo giới thì nam sinh thừa cân, béo phì hơn nữ sinh, với tỉ lệ 48,9% ở nam và 33,8% ở nữ.
Trong vòng năm năm, từ 2009-2014, tình trạng thừa cân, béo phì tăng nhanh trong giới học sinh, từ 18,6% lên mức 41,1%. Tương ứng với đó là tình trạng tăng huyết áp ở học sinh phổ thông. Cũng theo khảo sát nói trên, có 13,4% học sinh tiểu học, 16,9% học sinh THCS và 19,1% học sinh THPT bị tăng huyết áp; trong đó nam chiếm tỉ lệ 18,4% và nữ 12,4%.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên nhân các vấn đề dinh dưỡng nói trên đến từ việc thiếu kiến thức về dinh dưỡng và vận động hợp lý. Ngoài ra, học sinh còn theo những xu hướng dinh dưỡng và vận động không có lợi (như ăn thức ăn nhanh, ngồi nhiều, xem nhiều smartphone…), và thiếu nguồn lực chăm sóc sức khỏe học đường.
Vì thế, Sở GD-ĐT cần rà soát, sửa đổi, xây dựng các quy định cụ thể trong vận động, dinh dưỡng trong trường học; có chương trình can thiệp nhanh, đồng bộ, hiệu quả nhằm khống chế sự gia tăng thừa cân, béo phì ở học sinh TP.HCM.
MỸ DUNG/TTO
Bình luận (0)