Vừa chuyển công tác về đồng bằng tầm hơn một tháng, cũng là lúc ba cơn lũ dồn dập ập đến, cô giáo Trần Thị Phượng – giáo viên Trường TH&THCS Gio Quang (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) tất bật lao vào tâm lũ, cùng nhiều người dân và mạnh thường quân đến hỗ trợ, tiếp tế cho bà con có nhà bị nước ngập sâu. Với cô, giúp được người dân có cái ăn ấm bụng giữa mênh mông nước bạc và có nơi trú tránh an toàn là niềm vui.
Trong dòng lũ lớn, cô giáo Trần Thị Phượng ngược xuôi trên chiếc thuyền nhỏ để giúp đỡ người dân thôn Mai Xá Chánh (xã Gio Mai)
1.Về thôn Mai Xá Chánh, hỏi cô giáo Trần Thị Phượng không ai là không biết. Những ngày này, cả người dân và mạnh thường quân khắp nơi hướng về vùng lũ lụt xã Gio Mai (nơi cô Phượng sinh sống) đều nhắc đến cô Phượng như cô giao liên thoăn thoắt giữa biển nước. Khi thì tự tay cô chèo con thuyền mượn từ hàng xóm để đưa đồ ăn thức uống đến với các gia đình bị cô lập, lúc khác cô lại làm người dẫn đường đưa các nhà hảo tâm đi trao quà hỗ trợ. Nhiều nơi, thuyền không qua được, cô tình nguyện cõng thực phẩm lội nước vào nhà dân. Cô Phượng nói, những việc làm ấy cốt chỉ giúp bà con lúc khó khăn.
Cô Phượng kể, hôm 17-10, mưa xối xả, mực nước lũ dâng nhanh, trong đêm tối lại mất điện nên hầu như mọi người đều tự tìm cách bảo vệ an toàn cho mình. Vốn sinh ra và lớn lên cạnh con sông Bến Hải, cô Phượng hiểu sức càn quét của con nước lũ nên cô rất lo lắng cho những người già, ốm đau, bệnh tật lại đang ở vùng thấp trũng. “Đêm càng khuya nước dâng càng cao. Em biết trong thôn có một số hộ neo đơn, tuổi cao, có bà đang nuôi cháu bệnh tật nên rất lo lắng. Em đăng tin lên mạng xã hội Facebook để hy vọng nhà nào có ghe thuyền thì chạy đến nhưng đêm tối, điện không có nên thông tin truyền đi khó tiếp cận. May sao lúc khuya, có anh Luận cùng xã đã chèo thuyền đi tìm người để cứu giúp đi ngang qua nhà em, thế là em hướng dẫn cho anh ấy đi đón bà Hoa (70 tuổi) cùng bà Đào và đứa cháu đang ốm đau về nhà em tránh lũ”.
Hỏi cô về những việc làm thầm lặng vì học trò, vì mọi người của mình, cô khiêm tốn: “Đối với công việc giảng dạy thì đó là nghề mình chọn bằng tình yêu và niềm đam mê. Còn những việc làm nhỏ trong mưa lũ hay những lần thiện nguyện giúp đỡ học trò và người khó khăn chỉ là muốn gửi chút tấm lòng và sự sẻ chia để cuộc sống tốt đẹp hơn”. |
2.Kể từ ngày xảy ra lũ lụt, cô Phượng hầu như không có thời gian rảnh. Cô ngược xuôi khắp thôn xóm để hỗ trợ bà con nhân dân. Khi thì dẫn nhà hảo tâm đi trao quà, khi khác lại tất bật đi nhận hàng cứu trợ, xác minh hoàn cảnh khó khăn… Nhà có 2 con nhỏ, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ vừa lên 5 cô để lại cho chồng trông hoặc gửi cho những người đang tránh lũ cùng nhà. “Nơi nào bà con cần thì mình đến, các cháu đã được mình rèn luyện các kỹ năng nên lúc nào kẹt quá thì khóa cửa để con chơi cùng nhau trong nhà, mình theo dõi các cháu qua camera liên tục để an tâm đi giúp bà con”, cô Phượng bộc bạch.
Về xuôi hơn 1 tháng, đón 3 trận lũ liên tiếp, dù trường học đóng cửa nghỉ dạy học để đảm bảo an toàn cho học sinh nhưng cô Phượng không có ngày nghỉ. Cách nay vài hôm, nước rút, cô mới có dịp tạt qua thăm nhà ba ruột ở xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh). Nhìn ánh mắt ba buồn buồn, trách yêu con gái: “Con đi cứu trợ khắp nơi mà ba ở đây lụt ngập tường nhà thì không có gói mì tôm”. Cô cười, nói: “Nhà mình nghèo nhưng không đói, con đi cứu đói trước đã nghe ba. Nhà mình nghèo quen rồi nên không lo, nhiều người đang đói tội lắm ba ạ”. Nhận được cái gật đầu và nụ cười mãn nguyện từ ba, cô lại tiếp tục chèo thuyền đi.
3.Không phải đến bây giờ việc làm thầm lặng của cô Phượng mới được bà con trong thôn, đồng nghiệp và nhiều bạn bè biết đến. Trong hai đợt bùng phát dịch Covid-19, cô cũng tranh thủ thời gian làm cầu nối đưa những chai nước sát khuẩn, chiếc khẩu trang và tuyên truyền công tác phòng chống đến với người dân và học sinh. Suốt 10 năm “cắm bản” ở các điểm trường lẻ thuộc hai huyện Hướng Hóa rồi đến Đakrông, cô vẫn âm thầm xin áo quần cũ tặng bà con đồng bào thiểu số, giúp đỡ học trò đến trường. Cô Phượng kể, 8 năm dạy các điểm lẻ ở xã Đakrông (huyện Đakrông), do có con nhỏ thường xuyên ốm đau nên mỗi ngày, bất kể nắng hay mưa, cô phải vượt chặng đường đi về hơn 60 cây số để đến trường. Hộp cơm trưa cô mang theo lúc nào cũng nhiều hơn thường lệ, bởi có vài học trò nhà xa, trưa không thể về nhà nên cô mang nhiều cơm để san sẻ cô trò cùng ăn. Tròn 10 năm “cắm bản”, cô Phượng đạt được nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)