Tại TP.HCM vừa diễn ra Hội nghị Khoa học Kinh tế trẻ năm 2020 với chủ đề “Cơ hội và thách thức của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0”. Nhiều chuyên gia cho rằng, xu hướng tiêu dùng, thanh toán của người dân đã thay đổi nên máy ATM cũng chẳng có mấy người dùng…
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng
Xu hướng thanh toán điện tử
Trong nghiên cứu “Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử của người dân TP.HCM”, nhóm nghiên cứu đến từ Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM nhận định, trong cuộc CMCN 4.0, TP.HCM với định hướng trở thành trung tâm tài chính của cả nước thì dịch vụ thanh toán điện tử là tất yếu trong tương lai. Nghiên cứu chỉ rõ, tuổi tác, thu nhập và trình độ học vấn là ba yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử của người dân. Cụ thể, với khách hàng lớn tuổi, thao tác sử dụng có phần khó khăn vì thế cần đơn giản hóa quy trình, nâng cao tính năng dễ sử dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có các biện pháp mở rộng và liên kết hình thức kinh doanh trực tuyến như chợ online. Với người có thu nhập trung bình, thu nhập cao, sẽ có xu hướng sử dụng thanh toán điện tử nhiều hơn so với nhóm có thu nhập thấp. Vậy nên nhà cung cấp dịch vụ thanh toán nên áp dụng thêm các hình thức như tích điểm nhận quà, miễn phí thường niên, trả góp ưu đãi.
“Một trong những rào cản của hình thức thanh toán này là người dân chưa cảm nhận được sự hữu ích thực sự mà nó mang lại. Do đó, nhà cung cấp cần nâng cao tính hữu ích về kinh tế cho người tiêu dùng. Thu nhập của người dân có ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của họ, nhà cung ứng nên tạo tác động đến chi tiêu bằng cách đẩy mạnh liên kết với các trung tâm mua sắm cao cấp thông qua hình thức như tăng thời hạn thanh toán khoản vay, giảm lãi suất mua hàng”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Phương Hạc – Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho rằng, sự phát triển của ngân hàng số tăng nhanh với tỉ lệ tội phạm công nghệ ngân hàng ngày càng gia tăng, gây khó khăn cho hệ thống thông tin ngân hàng, bảo mật dữ liệu, tài sản của doanh nghiệp và khách hàng. Để đảm bảo an toàn dữ liệu, ngân hàng cũng như các công ty tài chính cần có nguồn lực đủ mạnh để quản trị cơ sở dữ liệu thông tin.
“Để có nguồn lực đảm bảo an toàn dữ liệu ngân hàng trong kỷ nguyên 4.0 thì cần phải bắt đầu từ đào tạo. Ngoài đào tạo tập trung vào chuyên môn thì cần nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh, tra cứu lỗi, kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, cần tập trung đào tạo con người có đủ khả năng thông qua các chứng chỉ quốc tế. Các chứng chỉ này cần được đào tạo tại ngân hàng, công ty tài chính nhằm góp phần xử lý nhanh chóng các sự cố an ninh thông tin…”, anh Phương nói.
Đa phần người dân giao dịch trên điện thoại
Theo TS. Mai Ngọc Thắng – giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, các startup về công nghệ tài chính đang rất tập trung cho trí tuệ nhân tạo (AI). Từ đó đặt ra vấn đề, nhu cầu nhân lực liên quan đến AI trong ngành tài chính là tương đối nhiều. Song, để có nhân lực vừa thông thạo về AI vừa thông thạo về kinh tế tài chính thì lại rất hiếm. Vì vậy, nhiệm vụ của các trường ĐH hiện nay là phải xây dựng được chương trình đào tạo, đội ngũ đào tạo đáp ứng được với sự thay đổi của công nghệ, đáp ứng được nhu cầu về nhân lực trong thời đại 4.0, đặc biệt là sự trỗi dậy không ngừng của các startup về công nghệ tài chính trong AI cũng như nhu cầu xử lý dữ liệu rất lớn của các ngân hàng.
Đánh giá ngành tài chính ngân hàng trong bối cảnh hiện nay đang có nhiều dư địa để phát triển, TS. Cấn Văn Lực – cố vấn cấp cao Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia – chỉ rõ, thanh toán số, thanh toán trực tuyến của Việt Nam tăng trưởng đến 130% trong 9 tháng đầu năm 2020.
“Máy ATM giờ đây cũng chẳng có mấy người dùng, trừ những khu công nghiệp có đông công nhân hoặc sinh viên sử dụng để rút tiền. Hiện nay, đa phần người dân đã thanh toán, giao dịch trên điện thoại”, TS. Lực làm rõ.
Trước thực tế này, TS. Lực cho rằng, các định chế tài chính cần nghiêm túc đánh giá tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với lĩnh vực, tổ chức của mình, xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp và tiến lên định chế tài chính số. Ngân hàng Nhà nước cũng cần hoàn thiện thể chế, trong đó sửa đổi các luật hiện hành, khung pháp lý cho mô hình kinh doanh mới, tiền kỹ thuật số, nâng cấp hạ tầng CNTT, thực hiện chiến lược phát triển cho ngành ngân hàng và chiến lược tài chính toàn diện. Về phía các trường ĐH, các viện nghiên cứu, cần đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, xây dựng được khung chương trình giảng dạy để phù hợp với thực tế và xu hướng chuyển đổi số…
Bài, ảnh: Nam Định
Bình luận (0)