Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi công nghệ chi phối gia đình

Tạp Chí Giáo Dục

Bữa cơm, không gian sinh hoạt chung của các thành viên trong gia đình vốn là nét đẹp trong nếp sống của người Việt đang dần bị đảo lộn bởi sự xuất hiện của các thiết bị công nghệ, sự bận rộn với vòng xoáy cơm áo gạo tiền.

Công nghệ chi phối

Không thể phủ nhận những tiện ích của các thiết bị công nghệ nhưng cũng chính những thiết bị này đã vô tình gây ra những khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Cuộc sống kinh tế khá giả nên anh Hùng – chị Tuyết không muốn con thua thiệt bất cứ bạn bè nào. Con đòi mua iPhone là có iPhone, đòi mua iPad là có iPad… Bữa cơm gia đình ngày càng thưa vắng bởi những chuyến công tác của anh Hùng. Khi cả nhà có dịp quây quần bên nhau thì mỗi người lại dán mắt vào điện thoại, thỉnh thoảng mới có vài câu trò chuyện qua lại. Dường như những thú vui từ các thiết bị công nghệ đã cuốn hút mỗi thành viên trong gia đình hơn là những bữa cơm, những lời sẻ chia. Thay vì bố mẹ con cái ngồi trò chuyện vui đùa với nhau thì ai ở phòng nấy để làm việc, chơi game, vào facebook, lướt web…

Dù cuộc sống có hiện đại đến đâu thì những bữa cơm gia đình cũng cần phải được duy trì thường xuyên. Ảnh: I.T

Hiện nay, với đại đa số các gia đình người Việt, bữa cơm tối là thời gian gặp nhau nhiều nhất trong ngày. Thế nhưng, chút thời gian hiếm hoi và quý báu đó cũng đang dần bị chi phối quá nhiều bởi các thiết bị công nghệ. Bà Trần Thị Mai (71 tuổi) lặn lội từ quê vào TP.HCM thăm con cháu. Mới ở được vài ngày, bà đã ngao ngán và nằng nặc đòi về. Hỏi chuyện, bà không giấu được niềm trăn trở trong đôi mắt buồn rười rượi: “Ban ngày, các con đi làm, các cháu đi học. Tôi mong đến buổi tối để cùng ăn cơm với chúng nhưng từ con trai, con dâu đến các cháu đều sinh hoạt giờ giấc khác nhau. Bữa cơm hiếm khi đông đủ vì người ăn trước, người ăn sau”. Bà góp ý thì các con cũng không mấy quan tâm. Đêm, giữa giấc ngủ chập chờn, nhớ thế hệ mình sống nề nếp, bữa cơm gia đình ấm cúng, mọi người thân mật, chuyện trò ríu rít, bà không khỏi chạnh lòng. Tâm trạng của bà Mai cũng là tâm trạng của nhiều người cao tuổi khác khi thấy con cháu mình đang bị cuốn vào công việc và các thiết bị công nghệ mà thờ ơ với những giá trị của cuộc sống gia đình.

Cần duy trì những bữa cơm gia đình

“Dù cuộc sống có hiện đại đến đâu thì những bữa cơm gia đình cũng cần phải được duy trì thường xuyên. Bởi, đó là khoảng thời gian để các thành viên sẻ chia, tăng thêm tình cảm, sự gắn kết. Chính sự quan tâm, gần gũi của ba mẹ sẽ giúp con cái có định hướng tốt. Lối sống của ba mẹ cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách các con. Ba mẹ sẻ chia với con cái thì cũng sẽ dạy cho con cái sự chia sẻ với bạn bè và những người xung quanh. Nếu quan tâm đến nhau thì các thành viên sẽ sắp xếp được thời gian dành cho nhau, cùng xây dựng nền tảng hạnh phúc của một gia đình thời hiện đại”, chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Thu Ba nhấn mạnh. 

Sẻ chia để biết chia sẻ

Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Thu Ba, “không có thời gian để chia sẻ, trò chuyện cùng nhau là một trong những nguyên nhân khiến các em ở độ tuổi vị thành niên dần xa cách ba mẹ. Không có người thân làm chỗ dựa tinh thần, không được dạy dỗ, chỉ bảo kịp thời, nhiều em sẽ không kiểm soát được hành động của mình và dẫn đến những hậu quả khó lường trước được”. Hằng ngày, các trung tâm tư vấn tâm lý – tình yêu – hôn nhân và gia đình tiếp nhận rất nhiều trường hợp gặp phải vấn đề trong gia đình vì ít sẻ chia nên dần thiếu sự cảm thông, thấu hiểu giữa vợ chồng, ba mẹ – con cái… Một nghịch lý nữa là nhiều người lại dành thời gian cho hàng xóm, cho đồng nghiệp, cho những mối quan hệ khác… hơn là cho gia đình. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây sự rạn vỡ của hôn hân, tỷ lệ ngoại tình tăng cao trong những năm gần đây.

Nước mắt ngắn dài, chị Như Hoa tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý trong tâm trạng rối bời. Không thấy sự xuất hiện của con gái trong nhà đã 2 ngày, vợ chồng chị tá hỏa. Cố gắng lục lọi trong trí nhớ để tìm xem bạn thân nhất của con là ai thì họ mới sực nhớ là họ cũng không biết con mình chơi thân nhất với ai. Trong cơn hoảng loạn, anh chị mừng rỡ như được hồi sinh khi con gái trở về. Gặng hỏi đủ điều nhưng vẫn không nhận được câu trả lời từ con, anh chị đưa con tìm đến bác sĩ tâm lý. Chán nản vì học tập sa sút nên khi bạn bè rủ đi dã ngoại, con của anh chị đã lặng lẽ đi mà không xin phép gia đình. Sau một thời gian, họ hối hận vì chỉ lo kiếm tiền mà bỏ rơi con trong thế giới cô độc dẫn đến bệnh trầm cảm khi đứa trẻ vừa bước sang 15 tuổi.

Lời qua tiếng lại, họ đổ lỗi cho nhau vì thiếu sự quan tâm, chia sẻ với con gái. Buổi sáng, ba mẹ, con cái vội vàng đi làm, đi học. Buổi tối, chỉ thỉnh thoảng họ mới gặp nhau nhưng ai cũng dán mắt vào điện thoại, iPad, những sẻ chia vơi dần là điều hiển nhiên.

Yên Hà

 

Bình luận (0)