Học nghề trình độ CĐ cấp độ quốc tế, nhiều sinh viên đã được doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp trước khi nhận bằng tốt nghiệp.
Sinh viên Trường CĐ Kỹ nghệ II nhận bằng tốt nghiệp trình độ CĐ cấp độ quốc tế Úc nghề công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm)
Trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, các trường nghề mong muốn được tuyển sinh, đào tạo theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài, một mặt đáp ứng nguồn nhân lực, mặt khác tạo điều kiện cho người học tiếp cận chương trình tiên tiến. Từ thực tế đó, 25 trường nghề trên cả nước được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN, Bộ LĐ-TB&XH) lựa chọn tham gia đào tạo thí điểm 12 nghề với 41 lớp theo chương trình chuyển giao từ Úc. Các lớp này đã kết thúc sau ba năm đào tạo và được doanh nghiệp đánh giá cao.
Theo đó, tốt nghiệp chương trình này, sinh viên được cấp hai bằng: Bằng CĐ cấp độ quốc tế (Úc) và bằng CĐ của Việt Nam. Theo đại diện các trường tham gia đào tạo thí điểm, đây được xem là một trong những chương trình chất lượng cao đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực GDNN. Và đây cũng là cơ hội để sinh viên học chương trình cấp độ quốc tế tại Việt Nam theo tiêu chuẩn nước ngoài, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động trong và ngoài nước. Bà Jennie Dehn (Giám đốc các dự án quốc tế của Học viện Chisholm, Úc) cho biết giáo viên giảng dạy chương trình này được đào tạo bài bản theo tiêu chuẩn kiểm định của Học viện Chisholm, đủ điều kiện năng lực chuyên môn. Trong quá trình đào tạo, học viện có chuyên gia hướng dẫn, kiểm tra và giám sát nhằm đánh giá, kiểm định, hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như hoàn thiện hồ sơ năng lực của giáo viên theo yêu cầu. Nhờ đó chất lượng đào tạo được nâng lên rõ rệt. Sau thời gian đào tạo thí điểm, bà Jennie Dehn khẳng định: “Kỹ năng thực hành của sinh viên tốt hơn, trình độ tiếng Anh cũng đạt yêu cầu chuẩn B1 theo quy định. Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực, chịu khó của sinh viên Việt Nam. Hầu hết các em đều tốt nghiệp loại khá trở lên”. Trong khi đó, bà Trần Thị Thúy Hằng (Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho biết sinh viên tham gia các lớp đào tạo thí điểm phải có năng lực tiếng Anh đầu vào A2 theo khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu. Tuy nhiên, để học được chuyên môn bằng tiếng Anh, các em phải có năng lực tiếng Anh B1. Đây cũng là một trong những lý do khiến con số tốt nghiệp còn thấp. Được biết, theo danh sách lớp thí điểm nghề công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm) của Trường CĐ Kỹ nghệ II được Học viện Chisholm công khai ban đầu là 17 sinh viên, nhưng con số tốt nghiệp vào tháng 1-2020 chỉ có 10 sinh viên.
Ở chương trình này, Trường CĐ Nghề TP.HCM được Tổng cục GDNN lựa chọn tham gia đào tạo thí điểm 3 nghề, gồm: công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm); kỹ thuật lắp điện và điều khiển trong công nghiệp; điện tử công nghiệp. Sau 3 năm đào tạo đã có 46/48 sinh viên tốt nghiệp. Ông Trần Kim Tuyền (Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM) nhìn nhận: “Đây là một chương trình có chất lượng, đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên ra trường có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, tự tin gia nhập thị trường lao động quốc tế”. Được biết, trước ngày nhận bằng tốt nghiệp (13-1), đã có 23/46 sinh viên của trường này được doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp.
477/724 sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay Tổng cục GDNN vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết đào tạo thí điểm 12 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc. Theo báo cáo, tính đến tháng 12-2019, 41 lớp của 12 nghề đào tạo thí điểm đã hoàn thành chương trình đào tạo với 724 sinh viên tốt nghiệp, trong đó tỷ lệ tốt nghiệp khá, giỏi chiếm 90%. Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo thí điểm được cấp bằng CĐ của Úc và bằng CĐ của Việt Nam. Ngoài kỹ năng tay nghề được quốc tế công nhận, năng lực ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp đạt trình độ tiếng Anh B1 đến B2 theo khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu. Theo thống kê, ngay sau khi tốt nghiệp, đã có 477/724 sinh viên được doanh nghiệp tuyển dụng, trong đó có 40 em đã đi làm hoặc đang hoàn thiện thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài; 214 em làm việc trong các công ty liên doanh nước ngoài hoặc 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam; 204 em làm việc tại các tập đoàn, doanh nghiệp khác của Việt Nam; 19 em khởi nghiệp và một số em tham gia giảng dạy… T.Anh |
Bà Lê Thị Huyền (bộ phận tuyển dụng của Công ty TNHH Nam An) chia sẻ, lâu nay để tuyển dụng được một vị trí kỹ thuật vừa có chuyên môn vừa có kỹ năng ngoại ngữ là việc không đơn giản. Với số sinh viên tốt nghiệp trình độ CĐ cấp độ quốc tế Úc, kỹ năng thực hành nghề và ngoại ngữ đã làm hài lòng doanh nghiệp và họ sẵn sàng trả mức lương khởi điểm cao. Ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) ghi nhận nỗ lực của các trường trong quá trình đào tạo thí điểm, kết quả học tập của sinh viên được Học viện Chisholm đánh giá cao, đặc biệt là sự đón nhận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để nâng chất đào tạo hơn nữa, các trường cần rà soát, đánh giá công tác tổ chức đào tạo để tiếp tục tuyển sinh các khóa tiếp theo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước, xa hơn là quốc tế.
Bài, ảnh: T.Tri
Bình luận (0)