Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trị rối loạn giao tiếp bằng hội họa

Tạp Chí Giáo Dục

Hội họa giúp con người có thêm cơ hội cảm nhận được cái đẹp của nghệ thuật qua từng bức tranh vẽ. Với Bệnh viện An Bình (Q.5, TP.HCM), hội họa còn là liều thuốc hỗ trợ đắc lực cho những bệnh nhân (BN) tại Khoa Y học cổ truyền – Vật lý trị liệu khắc phục được chứng rối loạn giao tiếp.

Các BN trong giờ học vẽ tại nhóm trị liệu mỹ thuật

Hai năm nay, những hộp màu nước, vài cái giá vẽ và những tờ giấy kro-ki trong Phòng trị liệu ngữ âm đã trở thành người bạn thân thiết của một nhóm BN đang được điều trị tại đây.

Lớp học có một không hai

Nếu không cho biết trước nhiều người cứ ngỡ phòng số 341 là một lớp dạy vẽ bị “lọt thỏm” trong một bệnh viện có hàng trăm phòng bệnh. Thay cho những chiếc giường bệnh hay các dụng cụ vật lý trị liệu thì ở đây là những chiếc giá vẽ gọn nhỏ đã được căng giấy sẵn để BN tha hồ múa bút. Đang mùa Giáng sinh nên chủ đề được đưa ra trang trí là cây thông, ông già tuyết và ông già Noel. Vất vả từng đường nét, BN Nguyễn Hoàng Linh, 23 tuổi ngụ ở Q.5 cầm cây bút màu sáp tô từng chiếc lá thông xanh. Bị liệt tay phải lại rối loạn giao tiếp nên Linh trả lời thật sự khó khăn khi có ai đó đến gần hỏi thăm. Linh là BN trẻ nhất nhưng cũng là người bị rối loạn giao tiếp nặng nhất. Vì lẽ đó mà Linh được các “thầy” kèm cặp rất kỹ. Sau khi pha màu xong, Trương Minh Sang – sinh viên lớp K12 Khoa Mỹ thuật (Trường ĐH Sài Gòn) giúp Hoàng Linh cách cầm cọ vẽ khỏi lem. Thay cho lời cảm ơn, Linh nở một nụ cười hiền lành. Bị tai biến mạch máu não mấy năm nay nên BN Phạm Văn Trung mắc chứng liệt nửa người. Không chỉ vận động khó khăn, anh Trung cũng rất vất vả khi trò chuyện với người đối diện. Dù cầm cọ bằng tay trái nhưng bức tranh phong cảnh của anh chỉ sau 1 tiếng đồng hồ cũng đã hoàn thành trong sự thích thú của chủ nhân và lời động viên của giáo viên dạy vẽ. Người dạy vẽ cho anh Trung là bạn Đặng Anh Thi – trưởng nhóm sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Sài Gòn. Anh Thi thật sự ái ngại khi được bạn bè trong nhóm giới thiệu là cựu sinh viên của Trường ĐH Sài Gòn sau khi đi dạy vẫn gắn bó bền bỉ với lớp học vẽ có một không hai này. Cũng giống như BN Trung, anh Phan Minh Đức được nhiều người đứng xem trầm trồ tán thưởng hàng chữ Merry Christmas do anh thiết kế theo kiểu “rồng bay phượng múa”. Dù mới học năm thứ nhất nhưng với tinh thần thiện nguyện, Cao Thị Thanh Nga – sinh viên năm thứ nhất của khoa cũng đã hăng hái ghi tên để được nối gót đàn anh đi dạy vẽ. Nga nhiệt tình vì coi đây cũng là môi trường tốt để mình có thêm cơ hội học hỏi về chuyên môn.

Thành công ở nhóm trị liệu ngữ âm, thạc sĩ Điền mong ước mô hình giàu tính nhân văn này được nhân rộng ra ở các đơn vị bạn và các bệnh viện tỉnh thành khác để BN có thêm cơ hội sống cuộc đời có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên theo anh, nếu không có sự khởi động của các nhà quản lý ngành y tế thì dù ý tưởng hay đến mấy cũng rất khó thực hiện. 

Một bức tranh lớn sau 3 tiếng đồng hồ đã được hoàn chỉnh trong niềm vui của những “người học trò” khuyết tật. Nhìn ánh mắt của các bạn sinh viên và đặc biệt là đội ngũ nhân viên, bác sĩ trong Phòng trị liệu ngữ âm mới thấy hạnh phúc đó lớn lao biết chừng nào. Thạc sĩ Lê Khánh Điền – Phó trưởng khoa Y học cổ truyền – Vật lý trị liệu không giấu được cảm xúc: “Dù bức tranh được vẽ như thế nào nhưng đó là thành quả rất đáng ghi nhận của các BN đang điều trị ở đây. Họ đã vượt qua mặc cảm, tự ti và cả những định kiến từ người thân để đến với nhóm trị liệu mỹ thuật. Chúng tôi cũng không ngờ sau 2 năm hoạt động, lớp học đã có nhiều hiệu ứng tích cực như thế”. Theo thạc sĩ Điền, ý tưởng thành lập nhóm trị liệu mỹ thuật được thai nghén sau khi anh học xong khóa 2 năm sau ĐH về âm ngữ trị liệu và 2 tháng tu nghiệp tại University of Sydney. Tuy nhiên anh không khỏi lo lắng khi có người ngăn cản vì coi đây là ý tưởng điên rồ. Giữa bệnh tật và hội họa chẳng có gì ăn nhập với nhau nên họ không tin vào những gì anh nói. Mặc dù bị một vài người nhà BN từ chối nhưng vào ngày 20-12-2013 Phòng trị liệu mỹ thuật đã ra đời.

Lòng tốt gặp nhau trong lớp học

Theo thạc sĩ Điền, một động lực mãnh liệt khác giúp anh thực hiện ý tưởng là cuộc gặp gỡ với nhà giáo Đỗ Xuân Tịnh – Trưởng khoa Mỹ thuật (Trường ĐH Sài Gòn): “Lúc đầu tôi có liên hệ với một số họa sĩ nổi tiếng. Mặc dù ai cũng hưởng ứng nhưng mỗi người có một hoàn cảnh riêng nên không thể giúp sức thường xuyên được. Cảm ơn thầy Tịnh đã nhiệt tình hợp tác với khoa chúng tôi”. Từ lực lượng sinh viên Khoa Mỹ thuật, các thầy giáo dạy vẽ không bao giờ thiếu nguồn. Khóa này đi lại có lớp khác tiếp nối. Tuy nhiên có sinh viên đã gắn bó chung thủy suốt 2 năm nay như Anh Thi, Minh Sang. Cũng vì cảm kích với tinh thần cống hiến đó mà các BN của nhóm bất kể tuổi tác, địa lý vẫn gắn bó thường kỳ vào mỗi sáng thứ sáu hàng tuần mà điển hình là BN Lê Cao Nguyên tuần nào cũng được người nhà vượt hơn 100 cây số đưa từ Vũng Tàu lên chỉ học vẽ trong 3 tiếng. Khó khăn hơn có trường hợp người nhà đồng ý nhưng BN lại lắc đầu nguây nguẩy từ chối. Những ngày đầu BN sức khỏe yếu ngồi vào bàn vẽ rất khó khăn nên có lúc thạc sĩ Điền tưởng lớp học sẽ “tàn lụi” dần theo năm tháng. Nhưng không ngờ với ý chí của người bệnh và sự nhiệt tình của nhóm sinh viên tình nguyện mà lớp học vẫn cứ bền bỉ duy trì. Ít ai biết rằng các BN sau di chứng đột quỵ chỉ biết ngồi một chỗ, không nói không ăn được nhưng như có phép lạ lớp dạy vẽ đã biến họ thành những con người có ích, vẫn còn giá trị lao động vẫn biết vươn lên từng nấc thang giá trị thẩm mỹ. Môi trường giáo dục chan hòa và sự tương tác giữa thầy và trò chính là liều thuốc quý giúp họ tự đứng dậy bên giường bệnh đẩy lùi tự ti mặc cảm của kẻ sống thừa, gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: Quang Phan

 

Bình luận (0)