Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Có thể bị xử lý dân sự

Tạp Chí Giáo Dục

Thực trạng sinh viên (SV) đi “ăn cắp” chất xám từ việc đạo luận văn, đồ án dưới hình thức “copy and paste” (sao chép và dán), xa hơn nữa là thuê người viết hộ luận văn, đồ án (Giáo dục TP.HCM số ra ngày thứ tư 23-12 có bài phản ánh)… không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân và quyền lợi của SV mà sâu xa hơn là tạo ra một nguồn nhân lực yếu kém, gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội.

Theo TS. Vũ Thị Hải Yến – Phó Chủ nhiệm khoa Pháp luật Dân sự, Trường ĐH Luật Hà Nội: Việc SV thuê người viết luận văn, đồ án thì cả người thuê viết và người viết đều vi phạm pháp luật. Trước hết cái vi phạm ở đây là nhiệm vụ của SV là nghiêm túc nghiên cứu, sáng tạo nhưng lại đi mua lại chất xám của người khác. Đó đã vi phạm quy chế đào tạo, vi phạm trật tự chung của xã hội được pháp luật bảo hộ. Căn cứ theo Bộ luật Dân sự, đây là một thỏa thuận dân sự, giao dịch dân sự. Trong trường hợp này, đây là thỏa thuận ngầm, đồng ý giữa hai bên. Tuy nhiên, không phải bất kỳ thỏa thuận đồng ý nào cũng được pháp luật bảo hộ và công nhận.

Còn nếu xét theo Luật Sở hữu trí tuệ thì chỉ có người trực tiếp viết mới được quyền đứng tên tác giả.

PV: Có một thực trạng cũng hết sức nhức nhối là việc SV đạo “chất xám” dưới hình thức sao chép lại xảy ra thường xuyên và phổ biến. Tiến sĩ nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Việc sao chép, đạo văn, đạo chất xám, trích dẫn không dẫn nguồn dưới mọi hình thức cũng là vi phạm pháp luật, căn cứ theo Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, nó cứ xảy ra tràn lan, thường xuyên là do không có chế tài nào thật nghiêm để xử lý SV. Giảng viên cũng không thể nào biết hết được là bài này hay đề tài này SV có đạo ở đâu không hay chỉ là tham khảo.

Hiện nay, đối với vấn đề đạo văn này thì ở mỗi trường ĐH lại có những cách xử lý khác nhau. Như quy định nếu đạo khoảng 50% trở lên thì bài viết sẽ bị điểm 0 và bị kỷ luật theo quy chế đào tạo như có thể sẽ phải học lại môn học đó hoặc học lại một năm. Nhưng con số xử lý được cũng chỉ rất nhỏ trong số vi phạm.

Một vài trường ĐH đã sử dụng phần mềm tránh sao chép. Nếu trong một bài viết, SV chỉ cần đạo văn thì đoạn đó sẽ bị bôi đỏ. Tuy nhiên, biện pháp này cũng không thể triệt để được, bởi chỉ cần thay đổi một vài chữ thì máy tính cũng đã bỏ qua rồi. Tất cả cũng chỉ là ý thức của SV thôi.

Thưa tiến sĩ, tại sao những việc vi phạm pháp luật như thế lại cứ diễn ra tràn lan mà không có bất cứ hình thức xử lý nào từ phía pháp luật?

Trước hết, trong các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính thì chỉ bảo vệ quyền lợi cho người bị chiếm đoạt. Chỉ khi bị chiếm đoạt mới có thể bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, trong trường hợp thuê viết luận văn thì không hề có sự chiếm đoạt mà là giao dịch mua bán. Lỗ hổng ở đây chính là khi đã có sự đồng thuận rồi thì lại không có chế tài nào xử phạt. Rất khó để xử lý bởi còn liên quan đến rất nhiều luật, liên quan đến nhiều cấp quản lý.

Chỉ khi nào thỏa thuận giữa hai bên bị vỡ lở như có người thứ ba tố cáo hoặc một trong hai bên tố cáo nhau thì lúc đó mới có thể xử phạt được.

Đối với những SV thuê viết luận văn, nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý như thế nào, thưa tiến sĩ?

Mọi hậu quả hoàn toàn thuộc về SV. Nếu bị phát hiện về hành vi này, SV sẽ không được công nhận kết quả nghiên cứu, sẽ bị đình chỉ học hoặc buộc thôi học.

Mà những hành vi như sao chép, mua chất xám dù có hay không bị phát hiện thì người chịu thiệt vẫn là SV khi vừa tốn tiền, tốn thời gian, công sức học hành mà kết quả vẫn kém hiểu biết. Và chính nguồn nhân lực yếu kém này sẽ tác động xấu đến xã hội, tạo nên sự trì trệ, lạc hậu, thiếu tư duy.

Xin cám ơn TS. Vũ Thị Hải Yến!

Yến Đỗ (thực hiện)

Bình luận (0)