Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Chiến lược giành học bổng

Tạp Chí Giáo Dục

Giành được học bổng du học không khó, cơ bản là bạn có vạch chiến lược thật sớm và quyết tâm thực hiện mục tiêu đó hay không? Đừng bao giờ nản lòng và mất niềm tin vào chính mình.

ThS. Dương Linh đang giảng dạy tiếng Nhật theo mô hình thảo luận nhóm (ảnh tác giả cung cấp)

Đó là những kinh nghiệm mà tôi rút ra từ bản thân mình trong hành trình “săn” học bổng du học tại Nhật Bản.

Thất bại vì chưa chuẩn bị kỹ càng

Do thích tiếng Nhật nên sau khi tốt nghiệp THPT, tôi thi vào Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) ngành Nhật Bản học. Nhưng lúc đó, tôi chưa xác định mục tiêu, định hướng rõ ràng nên 2 năm đầu ở giảng đường trôi đi khá tẻ nhạt. Đến khi thấy bạn bè ai cũng cố gắng học tập để giành suất học bổng du học Nhật Bản, tôi mới bắt đầu thức tỉnh và cố gắng hết sức.

Từ đó tôi lao vào học ngày học đêm nhưng vì “nước đến chân mới nhảy” nên chưa có sự chuẩn bị kỹ càng và vạch kế hoạch từng bước để thực hiện mục tiêu ngay từ ban đầu. Vì vậy khi thử sức với một vài cơ hội, tôi đã thất bại. Tôi thất vọng và chán chường về mình rất nhiều nhưng lần thất bại này cũng giúp tôi nhận ra được ý nghĩa thực sự của hai chữ “giá mà…”.

Khi nhìn thấy bạn bè lần lượt sang Nhật du học, ước mơ được khám phá thế giới vẫn âm ỉ trong tôi. Nhờ có sự động viên từ gia đình, nhất là mẹ đã chỉ ra những thiếu sót trong việc chinh phục học bổng của tôi, lúc ấy tôi mới bắt đầu thức tỉnh và nhận ra con đường thực sự của mình. Đặc biệt trong thời gian 1 tháng tôi thực tập ở Đài Tiếng nói Việt Nam (Ban tiếng Nhật), một câu nói của Trưởng phòng đã thổi bùng ngọn lửa đi du học Nhật trong tôi cháy lên sau một thời gian nguội lạnh. Chú chỉ nói rằng: “Cháu nhất định phải đi Nhật nhé”, câu nói ấy tuy ngắn gọn nhưng như một đòn bẩy tinh thần vô hình để tôi vạch lại chiến lược, quyết tâm chinh phục học bổng thêm một lần nữa.

Việc giành được học bổng không dễ nhưng cơ hội sẽ đến nếu như ta thật sự không buông tay. 

Rút kinh nghiệm từ những lần trước, lần này tôi chủ động tìm hiểu thông tin và gửi email đến các trường ĐH bên Nhật có đào tạo ngành mà tôi có nguyện vọng vào học. Trong đó, tôi viết rất chi tiết về những ưu điểm, nguyện vọng, khát khao của mình khi học ngành này. Cuối cùng, tôi đã tìm được một chương trình liên kết giữa Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) và một trường ĐH công lập ở một tỉnh nhỏ của Nhật. Tôi trao đổi với gia đình và quyết định đăng ký, tham gia thêm một kỳ thi phỏng vấn và may mắn đã mỉm cười khi trường quyết định cho tôi cơ hội sang xứ sở hoa anh đào để học tập.

Cơ hội sẽ đến nếu biết nắm lấy

Khi tốt nghiệp ĐH, tôi vẫn là một tiểu thư được gia đình bao bọc, lo lắng đủ thứ. Ngay khi bước chân đến xứ sở hoa anh đào, tôi mới thực sự thấm thía những áp lực đặt lên đôi vai mình và nhận thấy rằng cuộc đời của tôi giờ mới thực sự bắt đầu.

Áp lực phải thi đỗ thạc sĩ cùng với sức ép phải xin được việc làm thêm đã khiến tôi khá mệt mỏi. Đó là chưa kể về rào cản ngôn ngữ, văn hóa, nỗi nhớ nhà… Nhưng cái chính là phải xác định được tư tưởng “nhập gia tùy tục”, bởi dù sao đó cũng là quyết định của bản thân.

Tôi đặt ra mục tiêu phải “săn” bằng được học bổng để giảm gánh nặng cho gia đình. Hành trình “săn” học bổng không phải là việc dễ dàng vì tôi phải cạnh tranh với rất nhiều du học sinh khác. Sau khi bị rớt 2 học bổng vì khâu chuẩn bị còn sơ sài, tôi hạ quyết tâm chinh phục thử thách cuối cùng – học bổng Rotary. Theo đó tôi dành thời gian cho việc học nhiều hơn để có điểm tổng kết cao nhằm đủ điều kiện được tiến cử học bổng. Tôi cũng chú ý hỏi các sinh viên khác được nhận học bổng này trước đây nên viết như thế nào cho hợp lý và nhờ một giảng viên người Nhật sửa lỗi chính tả, ngữ pháp. Quả thật, việc giành được học bổng không dễ nhưng cơ hội sẽ đến nếu như ta thật sự không buông tay.

Tốt nghiệp thạc sĩ, tôi ứng tuyển và được nhận vào làm việc tại Trường ĐH Quốc tế Nagsaki với vai trò là giảng viên… tiếng Nhật. Tôi rất thích một câu nói: “Vào những năm 20 tuổi, người ta chẳng có gì ngoài một đôi chân rất khỏe mạnh và một trái tim ít sợ điều gì chưa đến. Đó là những ngày tháng tốt nhất để đi và học về thế giới”.

ThS. Dương Linh
(Giảng viên Trường ĐH Quốc tế Nagsaki, Nhật Bản)

 

Bình luận (0)