Sáng 24-11, tại TP.HCM, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Sở LĐ-TB&XH TP tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Cải thiện sinh kế cho phụ nữ trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tủi ro thiên tai (BĐKH và RRTT).
Bà Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ThS Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Phân viện Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, mục tiêu của Hội thảo là tìm hiểu những tác động của BĐKH và các chính sách liên quan, những hậu quả của nó đến phụ nữ và sinh kế phụ nữ. Đồng thời đề xuất các biện pháp, sáng kiến để cải thiện sinh kế cho phụ nữ trong bối cảnh BĐKH và RRTT cũng như tham mưu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phụ nữ…
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi BĐKH và RRTT. Theo Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), BĐKH gây ra hậu quả nghiêm trọng đến các nhóm cư dân nghèo khó, 70% trong số này là phụ nữ. Phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương gấp 14 lần so với nam giới trong các nhóm thảm họa thiên nhiên. Phụ nữ cũng dễ bị tác động tiêu cục từ BĐKH với sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực thu hút tới 43% lực lượng lao động toàn thế giới, trong đó 65% là phụ nữ.
Trong khi đó, phụ nữ lại ít có cơ hội tham gia vào thị trường lao động mà phần lớn tham gia vào các công việc phi chính thức, gặp khó khăn về tiếp cận thông tin, nguồn lực, tín dụng, thị trường, các chương trình đào tạo nghề và dịch vụ dẫn đến hạn chế năng lực thích ứng và chống chịu với BĐKH và RRTT.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, do tác động tiêu cực từ thiên nhiên, từ con người dẫn đến sói mòn đất, lũ lụt… phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn bởi sự thay đổi môi trường. Ở các cấp Hội, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, giúp phụ nữ tiếp cận các quyền cơ bản, các chính sách liên quan đến tạo sinh kế, việc làm luôn được thúc đẩy triển khai. Nhiều mô hình hay, sáng tạo và hiệu quả để tạo công ăn việc làm, sinh kế cho phụ nữ. Đồng thời, Hội phụ nữ các cấp cũng thực hiện giám sát các chính sách, chương trình, dự án về thúc đẩy bình đẳng giới và quyền cho phụ nữ trong hỗ trợ phát triển sinh kế và cải thiện việc làm, tăng thu nhập.
Theo bà Thảo, đến nay đã có gần 30 ngàn cơ sở hội có ít nhất một mô hình tham gia gìn giữ môi trường hoặc mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bà Trần Thị Thúy Anh – Quản lý chương trình, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ Việt Nam (UN Women Việt Nam) cho biết, BĐKH không mang tính tập trung về giới. BĐKH có xu hướng làm gia tăng bất bình đẳng vốn đang tồn tại. Sự thay đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến tình trạng dễ bị tổn thương của phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến khả năng và năng lực của họ. Giống như nam giới, phụ nữ cũng là đối tượng bị ảnh hưởng, là tác nhân của sự thay đổi và người mang tới những động lực. Tuy nhiên, thường với những cách khác nhau và ít được ghi nhận.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng – Viện Tài nguyên Môi trường, ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ về tác động của BĐKH và các chính sách liên quan đến BĐKH tại Việt Nam
Phân tích sâu hơn, bà Thúy Anh chỉ rõ công nghệ có liên quan đến BĐKH. Theo đó, cần đánh giá tác động mà công nghệ đem lại, phân tích chuyên sâu về tác động về giới. Nếu công nghệ không đáp ứng được nhu cầu và ưu tiên của phụ nữ thì công nghệ đó có thể là không phù hợp.
Ở góc độ khác, PGS.TS Hồ Quốc Bằng – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (Viện Tài nguyên Môi trường – ĐH Quốc gia TP.HCM) nhìn nhận, thời gian qua, chính sách liên quan thích ứng BĐKH thực hiện khá tốt, trong đó có chính sách của quốc gia, của địa phương với những kịch bản ứng phó cụ thể. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách liên quan giảm nhẹ BĐKH.
Trong khi đó, TS Dmitry Makarov – Trưởng chi nhánh TP.HCM, Cơ quan đại diện thương mại Liên Bang Nga tại Việt Nam khẳng định, việc bảo vệ thiên nhiên tránh tác động xấu do BĐKH là vấn đề của các quốc gia, có tính đến yếu tố giới tính. Theo tài liệu của Liên hợp quốc, phụ nữ ảnh hưởng nhiều do BĐKH (ngập nước, lũ lụt, khô hạn…), chịu tổn thương nặng nề do thiên nhiên gây ra. Cụ thể, từ sự thay đổi của môi trường, phụ nữ phải đi xa tìm công việc, tăng nguy cơ bạo hành, lạm dụng tình dục… Từ thực trạng này, TS Dmitry Makarov đề xuất cần tăng cường vai trò phụ nữ trước cuộc chiến biến đổi khí hậu, thực hiện biện pháp để thích nghi, giảm tác hại BĐKH được triển khai trong Hiệp ước Paris.
“Bất bình đẳng kinh tế, địa vị xã hội đẩy phụ nữ dễ bị tổn thương, vì vậy việc xây dựng chính sách hỗ trợ phụ nữ trước hết phải chú ý vai trò của phụ nữ trong xã hội”, TS Dmitry Makarov lưu ý.
T.An
Bình luận (0)