Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

2016: những lễ hội phản cảm dứt khoát phải dừng lại

Tạp Chí Giáo Dục

Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Vũ Xuân Thành nói từ năm 2016, những lễ hội phản cảm dứt khoát phải dừng lại, không có nữa. Tục cướp lộc, cướp phết ở các lễ hội cũng không được để xảy ra bạo lực như những năm trước.

“Ông ỉn” được đưa ra giữa sân đình để khai đao (ảnh chụp tại lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh năm 2015) - Ảnh: Nguyễn Khánh
“Ông ỉn” được đưa ra giữa sân đình để khai đao (ảnh chụp tại lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh năm 2015) – Ảnh: Nguyễn Khánh

Cuộc tranh luận nảy lửa về việc nên hay không nên duy trì lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh và có nên áp dụng biện pháp hành chính cấm tục chém lợn hay không… xảy ra tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ 2016.

Hội nghị do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại Hà Nội chiều 30-12 giữa một bên là đại diện Sở VH-TT&DL Bắc Ninh, một bên là Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Vũ Xuân Thành.

Đa dạng văn hóa không có nghĩa là làm sống lại tất cả cổ tục

Nhà nghiên cứu BÙI TRỌNG HIỀN

“Lễ hội chém lợn không vi phạm pháp luật”

GS Ngô Đức Thịnh – nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian VN – có ý kiến: “Tôi vẫn giữ quan điểm như từng phát biểu nhiều lần trước đây rằng đối với lễ hội chém lợn, khi nào thấy không phù hợp nữa thì cộng đồng dân cư địa phương sẽ tự loại bỏ ra khỏi đời sống của họ.

Cơ quan quản lý nhà nước không nên áp dụng biện pháp hành chính đối với những lễ hội dân gian. Hơn nữa, đây là lễ hội cho cộng đồng chứ không phải cho khách du lịch”.

GS Thịnh cũng nói rằng trong lần gặp gỡ với các cụ bô lão làng Ném Thượng, ông đã góp ý nên chuyển nghi thức chém lợn vào ban đêm và hạn chế cho truyền thông tiếp cận, cũng như hạn chế quay phim, chụp ảnh tại khu vực thực hiện nghi lễ. Các cụ bô lão Ném Thượng cũng đồng tình với GS Thịnh.

Ông Nguyễn Hữu Hoa – trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hóa gia đình Sở VH-TT&DL Bắc Ninh – thẳng thắn nói trước hội nghị:

“Nếu đối chiếu với các quy định của pháp luật, các nghị định, thông tư trước đây thì lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh không vi phạm các quy định của pháp luật”.

Nhưng chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Vũ Xuân Thành phản biện gay gắt ý kiến của ông Hoa. “Trên thế giới có những lễ hội có tính bạo lực, không được UNESCO công nhận, chứ không phải lễ hội có tính bạo lực nào cũng được UNESCO công nhận".

"Không thể bảo vệ lễ hội của làng mình mà không gắn với cộng đồng khác được. Bộ VH-TT&DL đã tổ chức nhiều hội thảo và các nhà văn hóa, hội di sản văn hóa cũng đồng tình với quan điểm của bộ. Các anh cứ nói lễ hội này chỉ diễn ra trong làng tôi, nhưng trong thời buổi công nghệ thông tin này làm sao chỉ coi là của làng tôi được?” – ông Vũ Xuân Thành phản biện.

Ông cũng nói thêm từ năm 2016, những lễ hội phản cảm dứt khoát phải dừng lại, không có nữa. “Tục cướp lộc, cướp phết ở các lễ hội cũng cần phải tính toán lại nội dung như thế nào đó để đảm bảo nội dung lễ hội nhưng không được để xảy ra bạo lực như những năm trước” – ông Thành nói.

Sẽ chém lợn 
vào ban đêm?

Việc có nên giữ lại tục chém lợn và có nên áp dụng biện pháp hành chính để cấm tục chém lợn hay không hiện vẫn đang nhận được ý kiến trái chiều của các nhà nghiên cứu văn hóa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật VN) cho rằng lễ hội chém lợn ở Ném Thượng là hệ quả của việc chúng ta hô hào, cổ súy việc bảo tồn mọi di sản của cha ông mà không có chọn lọc, trong đó có những cổ tục đã không còn phù hợp với cuộc sống.

“Không thể nói xã hội nghĩ thế nào là việc của họ, còn tôi vẫn giữ việc của tôi được. Cộng đồng lớn, trong xã hội văn minh thì phải chấp nhận cái nhìn đa chiều. Trong xã hội văn minh thì việc giết một con vật rồi lấy tiền quệt máu là phản cảm” – ông Hiền nói.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền thì cho rằng: “Sự đa dạng trong văn hóa mà UNESCO nói đến không có nghĩa rằng mọi giá trị đều cần phải giữ lại, mà cần phải có sự chắt lọc, chọn lọc và khu biệt bởi mỗi giá trị phù hợp với từng vùng miền, từng thời đại.

Đa dạng văn hóa không có nghĩa là làm sống lại tất cả cổ tục. Những cổ tục ấy sinh ra trong một thời đại, hoàn cảnh lịch sử, phù hợp với niềm tin của hoàn cảnh lịch sử đấy.

Trong hoàn cảnh xã hội hiện đại, việc áp dụng quy chế hành chính là chấp nhận được bởi trong xã hội hiện đại, cơ quan quản lý nhà nước không thể làm ngơ trước 
phản ứng của dư luận”.

“Bây giờ mình nhập cuộc với thế giới rồi…"

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chia sẻ bản thân ông trực tiếp gặp nhiều lãnh đạo của tỉnh Bắc Ninh để vận động bỏ lễ hội phản cảm (lễ hội 
chém lợn – PV).

“Bây giờ mình nhập cuộc với thế giới rồi, không còn chỉ là không gian làng xã nữa. Chỉ cần cầm máy điện thoại chụp ảnh, đưa lên mạng là rất nhiều người biết.

Ở lễ hội chém lợn, khi chém xong người ta lấy tiền quệt máu rồi bỏ vào túi thì đó có phải là mê tín dị đoan, là hủ tục lạc hậu hay không? Hay tục cướp phết mà phải tranh cướp đến nỗi xô bồ như vừa qua thì sao chấp nhận được.

Cái gì văn minh lịch sự thì ta chấp nhận, nhưng cái gì quá đáng như thế cũng nên thôi chứ? Mong sao sang năm mới khi họp với Chính phủ, tôi sẽ không phải nghe Chính phủ phàn nàn về lễ hội phản cảm nữa. Các đồng chí có làm được không?” – ông Hoàng Tuấn Anh hỏi.

 

VŨ VIẾT TUÂN/TTO

 

Bình luận (0)