Phẫu thuật bằng robot có thể xâm nhập các vị trí hẹp, sâu và khó tiếp cận, khắc phục những hạn chế của phương pháp mổ hở và nội soi cổ điển. Đồng thời giải quyết bài toán chi phí khi phải ra nước ngoài điều trị, giúp người bệnh tiếp cận kỹ thuật mới, cải thiện chất lượng sống sau mổ…
Bàn điều khiển phẩu thuật da Vinci Si
Phương pháp an toàn, hiệu quả
“Kết quả phẫu thuật robot trong ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt” là công trình do một nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) thực hiện. Theo các chuyên gia, kết quả nghiên cứu này không chỉ dừng lại ở việc khắc phục những hạn chế của phương pháp mổ hở, thời gian phục hồi nhanh mà còn tạo tiền đề, cứ liệu quan trọng cho các nghiên cứu khoa học trong tương lai. Qua đó góp phần nâng cao năng lực phẫu thuật chữa trị bệnh nhân ung thư hiện nay.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đây là phương pháp an toàn, hiệu quả không chỉ trong điều trị ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt mà còn cho cả ung thư dạ dày, ung thư thực quản, một số bệnh lý về tiết niệu, lồng ngực… ThS.BS Nguyễn Phúc Minh (đại diện nhóm nghiên cứu) cho biết, phẫu thuật bằng robot có thể xâm nhập các vị trí hẹp, sâu và khó tiếp cận, giải quyết những hạn chế của phương pháp phẫu thuật mổ hở và nội soi cổ điển. Do đó, có hai mục tiêu mà nghiên cứu hướng đến, đó là: Xác định nhóm bệnh nhân ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt có tính khả thi với phẫu thuật triệt căn bằng nội soi có robot hỗ trợ; đánh giá hiệu quả, độ an toàn của phẫu thuật bằng robot trong điều trị ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt khi so sánh với nội soi ổ bụng tiêu chuẩn. Theo đó, nghiên cứu đã thực hiện theo các quy trình: Chẩn đoán phát hiện cho ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt; phẫu thuật bằng robot cắt cụt trực tràng; phẫu thuật bằng robot cắt đoạn trực tràng và quy trình phẫu thuật bằng robot cắt tiền liệt tuyến tận gốc trên cơ sở nghiên cứu, theo dõi 180 trường hợp được phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân. Trong đó, tại mỗi nhánh phẫu thuật nội soi thông thường và phẫu thuật bằng robot, nhóm nghiên cứu khảo sát 90 trường hợp bệnh nhân. Tại mỗi nhánh nghiên cứu, có 50 trường hợp là ung thư trực tràng, 40 trường hợp là ung thư tuyến tiền liệt.
ThS.BS Nguyễn Phúc Minh chia sẻ: “Tính ưu việt ở phương pháp phẫu thuật nội soi với robot hỗ trợ chính là sự tinh tế hơn, chính xác. Khi phẫu thuật bằng robot, các mô bệnh được lấy hết, những phần khác như thần kinh, mạch máu không bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, với phẫu thuật bằng robot, bệnh nhân mất ít máu hơn, hồi phục nhanh, ekip cũng không vất vả như các phương pháp mổ khác. Đáng chú ý là việc phẫu tích tại vùng chậu chật hẹp được cải thiện rõ rệt khi thực hiện phẫu thuật bằng robot, nhờ đó mà chất lượng phẫu thuật được nâng cao”.
Chất lượng sống sau mổ vượt trội
Nghiên cứu này được Bệnh viện Bình Dân triển khai thành công các ca mổ và đã chuyển giao quy trình, đào tạo kỹ thuật cho các bệnh viện khác, trong đó có Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Ngoài ra, các quy trình phẫu thuật bằng robot cho ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt đã được Bệnh viện Bình Dân chuyển giao và trực tiếp đào tạo phẫu thuật viên cho một số bệnh viện trên địa bàn thành phố.
ThS.BS Nguyễn Phúc Minh cho biết, kết quả nghiên cứu và phân tích chỉ rõ, khi có sự trợ giúp của hệ thống robot phẫu thuật, việc phẫu thuật cắt bỏ tận gốc khối u ác tính của các cơ quan vùng chậu ngày càng thuận lợi cả về phương diện ngoại khoa và ung thư học. Hơn nữa, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tổn thương giải phẫu của nhóm bệnh nhân ung thư trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt giữa nhóm phẫu thuật nội soi và phẫu thuật robot là tương đồng nhau, do đó việc chỉ định phẫu thuật triệt căn bằng robot là khả thi khi bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật nội soi.
Từ nghiên cứu“Kết quả phẫu thuật robot trong ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt”, nhóm thực hiện đã xây dựng bộ tài liệu quy trình vận hành, thao tác với robot phẫu thuật, được các nhà khoa học chuyên ngành ngoại khoa, ung thư học khẳng định có ý nghĩa thực tiễn cao, giúp nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người dân. |
Cũng tương tự phẫu thuật ung thư trực tràng, phẫu thuật bằng robot cho ung thư tuyến tiền liệt rút ngắn thời gian phẫu thuật, giảm lượng máu mất, khả năng hồi phục nhanh sau mổ. Đặc biệt là không có bất kỳ biến chứng trong quá trình phẫu thuật bằng robot phải dẫn đến mổ hở khẩn cấp. Qua theo dõi sau phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân, đến nay 180 ca mổ chưa ghi nhận biến chứng và các thống kê về ung thư học cũng cho thấy kết quả khả quan.
Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá, ở cả hai nhánh nghiên cứu ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt, việc rút ngắn thời gian mổ khi áp dụng phẫu thuật bằng robot mang ý nghĩa thống kê. Trong nhánh ung thư tuyến tiền liệt, có vài ca có biến chứng sau xuất viện khoảng 6 tháng, tuy không có ý nghĩa về mặt thống kê nhưng có ý nghĩa về mặt nghiên cứu lâm sàng. Chỉ số về chất lượng sống trong thời gian từ 3-6 tháng sau mổ ở nhóm phẫu thuật bằng robot cho ung thư tuyến tiền liệt cao hơn nhóm phẫu thuật nội soi. Cụ thể là nhóm bệnh nhân được phẫu thuật bằng robot có chất lượng sống sau mổ vượt trội ở các khía cạnh và khác biệt có ý nghĩa thống kê. “Phẫu thuật bằng robot có khả năng phẫu thuật từ xa, người bệnh có thể được phẫu thuật bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới mà không cần di chuyển hoặc do tình trạng bệnh không thể đi lại, đặc biệt là giải quyết bài toán chi phí khi phải ra nước ngoài điều trị. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi một đường truyền tín hiệu mạng internet đủ tốt và ổn định. Thời gian tới, từ nền tảng của đề tài nghiên cứu khoa học này, Bệnh viện Bình Dân sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng quy trình phẫu thuật bằng robot trong nhiều bệnh lý tiêu hóa như ung thư đại tràng, ung thư dạ dày, ung thư thực quản và một số bệnh lý về tiết niệu, lồng ngực”, ThS.BS Nguyễn Phúc Minh kỳ vọng.
Trần Tri
Bình luận (0)