Năm 2015 đã kết thúc. Với ngành giáo dục, đây là một năm đáng nhớ với nhiều sự kiện quan trọng nhưng đồng thời cũng nhiều biến cố. Cùng Giáo dục TP.HCM nhìn lại giáo dục Việt Nam một năm đã qua.
Thí sinh đến rút hồ sơ tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong kỳ thi quốc gia năm 2015. Ảnh: I.T |
Hai sự kiện ấn tượng!
Năm 2015, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia với 99 cụm thi. Tuy nhiên, với số lượng trên dưới 1 triệu thí sinh dự thi nhưng ngoài website của mình, bộ chỉ cho phép một số trường ĐH là cụm thi quốc gia được phép công bố điểm thi. Giải pháp này cũng chỉ được đưa ra gần sát ngày công bố điểm thi. Chính vì vậy, các trường “trở tay” không kịp. Trong ngày đầu công bố điểm thi, mạng của Bộ GD-ĐT cũng như của các trường ĐH tê liệt trong nhiều giờ, một số sai sót dữ liệu thi khiến thí sinh hốt hoảng.
Việc cho phép nộp – rút hồ sơ trong đợt xét tuyển đầu tiên kéo dài tới 20 ngày khiến tình trạng hỗn loạn đã diễn ra ở một số trường. Ngày cuối cùng nộp hồ sơ, tại một số trường ĐH lớn đã diễn ra tình trạng phụ huynh, thí sinh “chơi trò chứng khoán”. Ngay sau đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải đứng ra nhận trách nhiệm vì tình trạng xáo trộn trong đợt xét tuyển đầu tiên và đưa ra các biện pháp khắc phục cho những đợt sau.
Ngày 19-11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký quyết định cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo y đa khoa, dược học trình độ ĐH. Quyết định này gây nhiều tranh cãi bởi một năm trước đó hai bộ Y tế và GD-ĐT đã thống nhất không cấp phép đào tạo ngành y đa khoa, dược học ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành y dược. Lý giải nguyên nhân, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã xin mở hai ngành này trước khi Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế quyết định không cho phép. Không những thế, trước khi Bộ GD-ĐT ký quyết định hai ngày, Bộ Y tế đã có văn bản gửi trường khuyến cáo cần bổ sung, hoàn thiện và làm rõ đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực tập tại trường, cơ sở thực hành ngoài trường và sự tham gia của các giảng viên cơ hữu chuyên ngành.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải triệu tập một cuộc họp, sau đó Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo khẳng định việc đào tạo và cho phép mở ngành đào tạo nhân lực ngành y tế nói chung, bác sĩ đa khoa, dược sĩ nói riêng cần đặt chất lượng đào tạo là tiêu chí hàng đầu. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo hai bộ GD-ĐT và Y tế kiểm tra việc trường thực hiện các yêu cầu, đảm bảo điều kiện cần thiết và chỉ cho phép đào tạo khi đã đáp ứng đầy đủ điều kiện.
Sau đó đoàn kiểm tra liên Bộ GD-ĐT và Y tế đã làm việc với Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ. Kết quả, Bộ Y tế yêu cầu trường phải đảm bảo đủ điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất và có thể tuyển sinh vào năm 2016 đối với ngành dược học. Còn ngành y đa khoa thì đến khi nào trường đáp ứng đủ điều kiện mới được tuyển sinh.
Những sự kiện tiêu biểu
Siết lại chỉ tiêu tuyển sinh
Ngày 16-12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã ký ban hành Thông tư số 32 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Theo đó, điều kiện để xác định chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH có bổ sung thêm một số nội dung như có sự phân biệt tiêu chí sinh viên/giảng viên giữa các nhóm ngành; chỉ tiêu được dựa trên trình độ chuyên môn của từng giảng viên… Đặc biệt, trong thông tư này, bộ cũng quy định quy mô của các trường không được vượt quá 15.000 sinh viên. Thông tư mới ra đời nhưng dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều.
ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực
ĐH Quốc gia Hà Nội là trường duy nhất được Bộ GD-ĐT giao thí điểm thi đánh giá năng lực lấy kết quả tuyển sinh vào ĐH. Bài thi gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm, chia làm 3 phần riêng biệt với thời gian hạn định của từng phần khác nhau gồm: Tư duy định lượng, tư duy định tính và tự chọn. Kết quả bài thi có giá trị dùng để đăng ký xét tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi. Năm 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức 2 đợt thi vào tháng 5 và tháng 8.
Không thi vào lớp 6
Đầu tháng 3, Bộ GD-ĐT phát đi thông báo cấm các trường (cả công và tư) tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6. Nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh thì phải xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương quyết định.
Quy định này lập tức gây xôn xao dư luận, bởi nhiều trường ở đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM có lượng hồ sơ đăng ký rất lớn. Các năm trước, kỳ thi vào lớp 6 ở những trường này diễn ra khá căng thẳng với tỷ lệ chọi cao. Một số trường sau đó đã trình phương án đo chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc), phỏng vấn bằng tiếng Anh, nhưng không được chấp nhận vì vẫn tạo ra áp lực mới cho các em.
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ GD-ĐT trình vào đầu tháng 8. Thay vì học sinh phải học 13 môn như hiện nay, số môn học bắt buộc sẽ giảm chỉ còn 7-8 đối với THCS và còn 4 môn đối với THPT. Các môn học ở cả 3 cấp được chia thành môn bắt buộc và môn tự chọn. Tên một môn học có thể thay đổi ở từng cấp học.
Đạt thành tích cao tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế
Năm 2015 được đánh giá là năm có kết quả cao nhất về thành tích thi Olympic khu vực và quốc tế so với các năm trước đây chúng ta tham dự. Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự (gồm đoàn vật lý và tin học tham dự Olympic khu vực châu Á, 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế là toán, vật lý, hóa học, sinh học và tin học) đoạt 12 HCV, 16 HCB, 6 HCĐ và 3 bằng khen.
Kết quả Olympic khu vực và quốc tế năm 2015 đã góp phần thiết thực thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Sự kiện mang dấu ấn riêng
ĐH Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm giáo sư
Giữa tháng 9-2015, việc ĐH Tôn Đức Thắng quyết định tự bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu nhận được sự quan tâm của xã hội. Mục đích của trường là bổ nhiệm các vị trí chuyên môn để phân công công việc và chế độ phù hợp cho thành viên ở các khoa, phòng rõ ràng, hướng đến phát triển khoa học của nhà trường. Tuy nhiên, ông Bùi Mạnh Nhị – Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước – khẳng định việc này không đúng quy định và cần dừng lại. Đáp lại, giáo sư Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng – khẳng định trường không làm sai và sẽ không dừng việc bổ nhiệm giáo sư. Giữa tháng 11, trường công bố điều chỉnh nội dung hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm chức vụ chuyên môn. Theo đó, sẽ có ba chức vụ được bổ nhiệm hay đề bạt, gồm giáo sư trợ lý; giáo sư dự bị; giáo sư thực thụ. Với nhà khoa học có đóng góp quan trọng cho chuyên ngành tầm quốc tế và cho sự phát triển của trường sẽ được bổ nhiệm chức vụ giáo sư xuất sắc.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)