Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Khắc nghiệt như du học Nhật Bản

Tạp Chí Giáo Dục

Nhật Bản là một cường quốc có nền kinh tế phát triển mạnh. Chính vì thế tâm lý của du học sinh cũng như gia đình là mong muốn sang Nhật vừa học, vừa làm với mức lương cao, có thể chi trả cho cuộc sống hàng ngày và gửi về phụ giúp gia đình. 

Một buổi phỏng vấn xin visa du học Nhật. Ảnh: I.T

Chính những suy nghĩ lệch lạc đó khiến các gia đình đã nhắm mắt cho con đi du học mà không hề nghĩ rằng cuộc sống ở Nhật như thế nào, con mình có thể học tập và làm việc tốt hay không, mà chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt. 

Tiếng Nhật phải ổn

Nhật Bản là đất nước đông người ngoại quốc nhưng họ chỉ coi trọng quốc ngữ. Vậy nên mọi giao tiếp đều được sử dụng tiếng Nhật, rất ít dùng tiếng Anh. Vì vậy du học sinh khi sang Nhật cần có vốn tiếng Nhật tốt  – đó là hành trang duy nhất giúp các bạn có thể sống và học tập tốt tại đây.

Chia sẻ về điều này, bạn Nguyễn Thành Hiếu (du học sinh tại ĐH Kyoto) cho biết: “Trước khi quyết định du học tại Nhật Bản thì các bạn cần phải có vốn tiếng Nhật tương đối ổn. Mặc dù các trường học ở Nhật điều kiện cơ sở vật chất rất tốt và các bạn sẽ không phải băn khoăn về điều kiện cơ sở vật chất ở đây. Nhưng việc học tập tại Nhật Bản rất vất vả và căng thẳng, các giáo sư giảng dạy yêu cầu cao đối với sinh viên. Mọi hành vi gian lận trong việc học ở đây đều không được chấp nhận”.

Thành Hiếu cho biết thêm, trước khi đi du học ở quốc gia này, các bạn nên tìm hiểu kỹ về trường mà mình sẽ sang học tập tại đó. Nếu các bạn sang du học với nhu cầu chỉ học tập (học ĐH, CĐ) thì cần phải tìm hiểu trường nào phù hợp với mình, ngành học nào mà mình muốn học… Với kinh nghiệm của các bạn đi trước thì đa số các trường ở Nhật Bản đều dạy bằng tiếng Nhật, chính vì thế khi các bạn sang đây du học cần phải có khả năng về tiếng Nhật khá ổn để có thể nghe giảng viên giảng bài.

“Nếu bạn nào còn gặp nhiều vấn đề về ngôn ngữ thì nên mượn vở của các bạn người Nhật về xem lại, cùng với đó tham khảo thêm các tài liệu khác ở thư viện, internet…, vì ở Nhật, ngoài sách giáo khoa ra thì giảng viên còn nói nhiều kiến thức trong các sách tham khảo. Kết quả học tập mỗi môn học sẽ được đánh giá thông qua điểm thi giữa kỳ, cuối kỳ, báo cáo và cả những phát biểu tại những buổi thảo luận”, Thành Hiếu chia sẻ thêm.

Một giáo viên tiếng Nhật tại Trung tâm Du học Japanlink (Hà Nội) đưa ra lời khuyên: Nếu các bạn trẻ muốn sang Nhật Bản học tập thì phải có quyết tâm cao, trước hết phải có vốn kiến thức tiếng Nhật thật tốt, ít nhất là đủ để giao tiếp hàng ngày. Phải chịu được áp lực học tập cũng như chi phí đắt đỏ tại đây.

Kinh nghiệm sống và làm thêm

Ở Nhật Bản, các bạn có thể lựa chọn những công việc làm bán thời gian, tùy vào thời gian học của mình trên lớp để lựa chọn các công việc sao cho phù hợp. Có một số công việc thích hợp với các bạn vừa học vừa làm đó là phục vụ bàn tại các quầy ăn Việt Nam, dạy tiếng Nhật cho người Việt, dịch tài liệu…, nhưng bên cạnh sự cố gắng, chăm chỉ của các bạn thì yêu cầu về tiếng Nhật cũng được đặt lên hàng đầu.

Ở Nhật không ai bỏ tiền ra thuê một người hoàn toàn không biết tiếng để làm việc cho họ cả. Họ chỉ trả số tiền lương theo giờ, các bạn phải làm việc quần quật cả ngày mới mong nhận được đồng lương cao.

Bạn Ngọc Hoa (du học sinh tại ĐH Tokyo Institute of Technology) thẳng thắn bày tỏ: “Ở Nhật không ai bỏ tiền ra thuê một người hoàn toàn không biết tiếng để làm việc cho họ cả. Họ chỉ trả số tiền lương theo giờ, các bạn phải làm việc quần quật cả ngày mới mong nhận được đồng lương cao. Trong khi đa phần các bạn đến Nhật Bản với vốn tiếng Nhật hạn hẹp, chỉ biết đến vài câu chào hỏi, một số bạn còn không biết viết cả tên mình bằng tiếng Nhật, thế nên việc làm thêm cũng không có”.

Chính vì vậy, để giảm chi phí sống cho bản thân, theo kinh nghiệm sống ở Nhật Bản của các cựu du học sinh cho thấy rằng cũng giống như ở Việt Nam, nếu các bạn chọn ở trong ký túc xá của trường thì chật chội, các trang thiết bị phải sử dụng chung với nhau nhưng mức chi phí thì lại không cao; còn nếu thuê nhà ở bên ngoài thì rộng rãi và thoải mái hơn nhưng chi phí lại cao hơn so với ở ký túc xá.

“Về phương tiện đi lại thì ở Nhật Bản các bạn sẽ sử dụng tàu điện hoặc xe buýt hay một chiếc xe đạp để có thể đi lại vì xe máy ít được sử dụng. Thế nên, nếu các bạn muốn tiện hơn thì hãy sắm cho mình một chiếc xe đạp nhé”, Ngọc Hoa chia sẻ.

Lo lắng cho các gia đình có mức thu nhập trung bình ở Việt Nam quyết định cho con du học Nhật Bản, Thành Hiếu băn khoăn: “Ngay chính bản thân các bạn trước khi đi du học cũng phải đặt trước cho mình một tâm thế vừa học, vừa làm để phụ giúp gia đình. Vì vậy nỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày đè nặng lên vai các bạn khi sang Nhật trong khi chi phí sinh hoạt ở nước này thì không hề rẻ – mỗi tháng chi tiêu tiền nhà, tiền sinh hoạt trung bình từ 10 triệu đồng trở lên, chưa kể các khu vực đắt đỏ như Tokyo. Liệu các bạn có thể tự lo cho mình được hay không? Sang Nhật với vốn tiếng Nhật kém không thể xin được việc làm thêm, không dám gọi điện thoại về cho bố mẹ vì sợ bố mẹ lo lắng”.

Phi Yến

Bình luận (0)