Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ung thư dạ dày, biết sớm dễ chữa

Tạp Chí Giáo Dục

Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam, bởi bệnh đứng thứ 3 trong 10 loại ung thư phổ biến tại nước ta. 

Nội soi dạ dày là phương pháp chính để chẩn đoán ung thư dạ dày, kể cả ở giai đoạn sớm - Ảnh: Đặng Lê
Nội soi dạ dày là phương pháp chính để chẩn đoán ung thư dạ dày, kể cả ở giai đoạn sớm – Ảnh: Đặng Lê

Cơ hội sống còn của người bệnh chính là đừng để quá trễ mới phát hiện bệnh.

Ông Đ.T.T., 70 tuổi, có tiền sử bị viêm loét dạ dày hơn 10 năm trước. Ông T. thường bị đầy bụng, khó tiêu suốt một năm nhưng tự mua thuốc uống.

Đến lúc đau bụng nhiều, sụt cân ông T. mới đi nội soi và phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn muộn, phải phẫu thuật cắt bỏ 2/3 dạ dày nhưng thời gian sống kéo dài thêm chỉ 14 tháng.

Ngược lại, bà N.T.M., 53 tuổi, có tiền sử viêm dạ dày từ lâu, nội soi kiểm tra định kỳ phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm trên vùng dạ dày bị teo mỏng và ung thư chưa có dấu hiệu xâm nhập sâu.

Sau đó, bằng kỹ thuật “cắt hớt niêm mạc dạ dày qua nội soi từ đường miệng”, các bác sĩ cắt trọn vẹn khối ung thư giai đoạn sớm này cho bà M.. Qua ba năm theo dõi, bà M. không có dấu hiệu tái phát.

1. Ung thư dạ dày là gì?

– Ung thư dạ dày là khối u ác tính xuất phát từ lớp áo phủ bên trong dạ dày, đặc biệt ở những vùng dạ dày mà lớp áo phủ này bị mỏng đi (bệnh teo niêm mạc dạ dày).

2. Ai dễ mắc bệnh?

– Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori: người bệnh bị viêm loét dạ dày mãn tính do vi khuẩn này nhưng không điều trị triệt để, có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn 10-20 lần so với bình thường.

– Teo niêm mạc dạ dày: các nghiên cứu cho thấy ung thư dạ dày thường xuất phát từ những vùng dạ dày bị teo mỏng.

– Chế độ ăn nhiều muối, nhiều chất nitrate (có nhiều trong các loại thịt nguội).

– Hút thuốc lá.

– Yếu tố di truyền: trong gia đình, bà con ruột thịt có người từng bị ung thư dạ dày.

– Đã phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày trước đó, làm thay đổi độ pH bình thường trong dạ dày, có thể dẫn đến ung thư về sau.

– Béo phì, nhất là béo bụng, khiến dễ bị ung thư vùng nối dạ dày – thực quản (vùng tâm vị).

– Nhiễm phóng xạ.

3. Triệu chứng

Giai đoạn sớm đôi khi không có triệu chứng, hoặc các triệu chứng rất mơ hồ như chán ăn, mau no, đầy hơi, khó tiêu, nên dễ lầm với viêm loét dạ dày thông thường.

Các triệu chứng này xuất hiện từ 6 tháng đến 1 năm trước, có khi thoáng qua và giảm rất nhanh khi dùng các thuốc trị đau dạ dày thông thường. Giai đoạn muộn có hai triệu chứng thường gặp là đau bụng trên rốn và sụt cân.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có các triệu chứng ói ra máu, tiêu phân đen do biến chứng xuất huyết tiêu hóa hoặc có triệu chứng buồn nôn, nôn ói thức ăn cũ do biến chứng hẹp môn vị dạ dày.

Qua thực tế làm việc, chúng tôi nhận thấy bệnh nhân ung thư dạ dày thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn vì các lý do sau:

+ Ít người bệnh thăm khám định kỳ.

+ Triệu chứng giai đoạn sớm của ung thư dạ dày thường mơ hồ, thoáng qua nên người bệnh có tâm lý chủ quan không đi khám bệnh sớm.

+ Người bệnh “ngán” nội soi dạ dày trong khi đây là phương pháp chẩn đoán chủ yếu.

+ Nội soi dạ dày theo phương pháp cũ khó phát hiện tình trạng teo niêm mạc dạ dày từ giai đoạn nhẹ nên người bệnh chủ quan, không theo dõi định kỳ.

4. Phương pháp chẩn đoán

– Nội soi dạ dày qua đường miệng là phương pháp chính để chẩn đoán bệnh ngay cả từ giai đoạn sớm. Ngoài ra, qua nội soi dạ dày, bác sĩ có thể lấy mẫu từ vùng dạ dày nghi ngờ bị ung thư để xem dưới kính hiển vi nhằm khẳng định chẩn đoán (sinh thiết).

– Hiện tại, để phát hiện sớm ung thư dạ dày, chúng tôi nội soi và đánh giá theo phương pháp mới (phương pháp Kimura) giúp chẩn đoán tình trạng teo niêm mạc dạ dày ngay từ giai đoạn nhẹ.

Từ đó có chế độ theo dõi thích hợp hơn nhằm phát hiện sớm ung thư dạ dày khi nó vừa xuất hiện trên những vùng dạ dày bị teo mỏng này.

5. Điều trị

– Giai đoạn muộn: phẫu thuật và điều trị hóa chất hỗ trợ nhưng hiệu quả còn khá hạn chế.

– Giai đoạn sớm: ở Việt Nam hiện đã áp dụng phương pháp “cắt hớt niêm mạc dạ dày qua nội soi”, không cần phải phẫu thuật cắt bỏ dạ dày mà cơ hội khỏi bệnh lên đến 99%.

Tỉ lệ lành bệnh hoàn toàn sau 5 năm cũng lên đến 90%. Do đó, việc phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

– Không nên chủ quan mà nên đi khám bệnh và nội soi khi có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thoáng qua như ăn không ngon, đầy bụng, đặc biệt là khi bước vào lứa tuổi 40 và nhất là trong gia đình có người từng bị viêm loét dạ dày hay ung thư dạ dày.

– Những người có tiền sử bị viêm loét dạ dày nên kiểm tra và điều trị triệt để nhiễm trùng do vi khuẩn Helicobacter Pylori.

– Bỏ hút thuốc lá.

– Tránh ăn các thức ăn nhiều muối hoặc ăn quá nhiều các loại jambon, giò chả, thịt nguội.

– Chú ý ăn nhiều các loại rau xanh, thực phẩm nhiều vitamin C như cà chua, cam, bưởi…

– Những bệnh nhân đã được chẩn đoán teo niêm mạc dạ dày dù nhẹ cũng nên tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để có chế độ điều trị và theo dõi thích hợp nhằm tránh diễn tiến nặng hơn.

Đặc biệt, những người bệnh teo niêm mạc dạ dày độ nặng cần được nội soi dạ dày kiểm tra định kỳ mỗi 1-2 năm để phát hiện sớm ung thư dạ dày.

 

BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG/TTO

 

Bình luận (0)