Sau một thời gian dài tạm lắng do dịch bệnh, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) sôi động trở lại. Với đà tăng như hiện nay, các chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu XKLĐ sẽ tăng mạnh từ 30-40%.
Doanh nghiệp Hàn Quốc phỏng vấn tuyển dụng lao động là thực tập sinh về nước
Việc các quốc gia nới lỏng điều kiện nhập cảnh và có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút lao động là cơ hội để Việt Nam khẳng định chất lượng nguồn lao động, mở rộng thị trường XKLĐ với nhiều ngành nghề mới.
Giữ thị trường truyền thống, tìm thị trường mới
Đại diện Công ty XKLĐ Nhật Huy Khang (NHK) cho biết, so với thời điểm trước dịch Covid-19, nhu cầu tuyển dụng lao động của các quốc gia tăng mạnh. Hiện nay, để đáp ứng đặt hàng của đối tác, nhiều đơn vị đang nỗ lực tìm kiếm lao động.
Thị trường truyền thống XKLĐ của NHK là Nhật Bản, với các ngành nghề chủ yếu như: cơ khí, bảo trì, điện tử, nông nghiệp (trồng và sản xuất nấm)… “Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính, đòi hỏi người lao động phải có trình độ nhất định và kỹ năng. Người lao động có thể đi làm việc ở Nhật theo các chương trình thực tập sinh, kỹ sư, kỹ năng đặc định (cho phép người lao động có thể ở lại Nhật Bản lâu hơn thay vì bị giới hạn 3 năm đối với thực tập sinh và có thể bảo lãnh gia đình sang chung sống trong thời gian lao động)… Mức lương trung bình của các ngành nghề khoảng 30-40 triệu đồng/ tháng và được hưởng các chương trình phúc lợi theo quy định của nước sở tại, đại diện NHK chia sẻ.
Trước nhu cầu tuyển dụng lao động tăng vọt, các đơn vị có chức năng đưa người đi làm việc ở nước ngoài phối hợp với các trường CĐ trên cả nước để đào tạo nghề, sau đó đào tạo tiếng. Để được đi làm việc ở nước ngoài, người ứng tuyển phải trải qua các kỳ sát hạch khắt khe theo yêu cầu của đối tác.
Cuối năm 2020, Nguyễn Văn Tiến (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã có tên trong danh sách đi làm việc tại Hàn Quốc và trong thời gian chờ bay thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh phải hoãn. Được biết, Tiến là một trong hơn 200 lao động sẽ sang Hàn Quốc làm việc trong đợt sắp tới.
“Tôi học ngành điều dưỡng, ra trường làm việc tại bệnh viện tuyến huyện. So với mức sống ở địa phương thì thu nhập không phải thấp nhưng vì có nguyện vọng đi nước ngoài làm việc, học hỏi thêm kinh nghiệm và nhất là có điều kiện để chăm lo cho gia đình tốt hơn. Trong thời gian hoãn, tôi có điều kiện để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng để tự tin hơn ở môi trường mới”, Tiến chia sẻ.
“Săn” lao động về nước
Dù chưa hết thời gian lao động ở nước ngoài (3 năm) nhưng anh Lê Văn Toàn (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) đã nhận được hai lời mời từ hai công ty của Hàn Quốc đặt tại TP.HCM. Nếu như ở Hàn Quốc, vị trí của anh Toàn tương đương tổ trưởng tổ kỹ thuật thì vị trí mà nhà tuyển dụng ở Việt Nam gợi ý là giám sát kỹ thuật với mức lương 1.500 USD. “So với ở Hàn Quốc thì mức lương này không thấp hơn bao nhiêu. Hơn nữa, nguyện vọng của mình là về Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng nghề cho lao động và góp phần phát triển công nghiệp phụ trợ”, Toàn nói.
Sau một thời gian dài tạm lắng do dịch bệnh, thị trường xuất khẩu lao động sôi động trở lại
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều công ty XKLĐ phải đối mặt với tình trạng khó khăn, tuy nhiên đến thời điểm này cơ bản đã giải quyết được các hợp đồng với đối tác trước đó.
Giám đốc Công ty TNHH XKLĐ Ensuahai Lê Long Sơn cho biết, trong thời gian dịch bệnh, công ty dành khá nhiều thời gian để củng cố và tìm giải pháp mới để nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu mới của đối tác.
“Chúng tôi đặt hàng đào tạo và trực tiếp đào tạo để đưa lao động đi nước ngoài và sẵn sàng đón nhận họ khi trở về. Đây là nguồn nhân lực có chất lượng góp phần phát triển kinh tế của TP nói riêng và cả nước nói chung. Thực tập sinh, kỹ sư… là các chương trình mà Nhật Bản và một số quốc gia tin tưởng ở Việt Nam. Đây cũng chính là cơ hội để các bạn trẻ tiến thân, trở thành các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực mũi nhọn mà TP đang tập trung đầu tư”, ông Lê Long Sơn kỳ vọng.
Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), từ đầu năm đến tháng 8-2022, cả nước có khoảng 82.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, thị trường chiếm tỷ lệ cao gồm Nhât Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, kế đến là các nước Nga, Trung Quốc… Riêng tại TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm 2022 đã có hơn 5.200 lao động đi làm việc, trong đó có số lao động của năm 2020 và năm 2021 bị hoãn đi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đánh giá và dự báo của Dolab, hiện các quốc gia đang đẩy mạnh tái thiết, phục hồi kinh tế, đặc biệt là nới nóng điều kiện nhập cảnh cũng như tăng nhu cầu lao động xuất khẩu ở thị trường mới nên rất cần lao động. Theo đó, từ nay đến cuối năm, nhu cầu lao động nước ngoài ở các nước có thể tăng từ 30-40%. |
Đề cập đến việc khai thác chất xám từ nguồn lao động về nước sau khi hết hợp đồng, ông Đỗ Trọng Khánh – chuyên gia đào tạo kỹ năng Khu Công nghệ cao TP khẳng định đây là nguồn của nguồn lao động. Hiện nay, bên cạnh nguồn nhân lực đào tạo trong nước, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI luôn săn đón. “Họ được đào tạo, làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, hiện đại và tích lũy nhiều kinh nghiệm, vốn sống. Hơn ai hết, họ chính là những hạt nhân để đào tạo hạt nhân. Chúng ta có thể sử dụng họ ở các vị trí chuyên gia, giảng viên doanh nghiệp hoặc cố vấn kỹ thuật. Sự tham gia của họ là “chìa khóa” nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước và phục vụ thị trường lao động xuất khẩu”, ông Khánh tin tưởng.
Cũng theo ông Khánh, XKLĐ là một mảng lớn góp phần giải quyết lao động, đặc biệt là cung ứng lao động có chất lượng cho nước ngoài mà các đơn vị cần tập trung khai thác, mở rộng các thị trường mới để tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu. Tuy nhiên, bên cạnh việc đảm bảo yêu cầu đặt ra thì các đơn vị cũng cần lựa chọn các đối tác và đặt hàng đào tạo ở các cơ sở có uy tín để không ảnh hưởng đến hình ảnh XKLĐ của Việt Nam.
G.Trần
Bình luận (0)