Mỗi sớm đầu tuần, các phụ huynh ở các bản làng của xã Trà Nam (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) lại khăn gói cùng con, cháu rời bản làng đến trường học chữ. Cuối tuần, họ lại cùng các cháu trở về. Hành trình cùng con rời bản đến trường được các phụ huynh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Phổ thông DTBT TH-THCS Trà Nam) luân phiên như thế từ năm học trước đến nay…
Việc học tập trung ở điểm trường chính tạo điều kiện cho học sinh ở các nóc, bản xa được học tập đầy đủ
Bà theo cháu tới trường
Sáng thứ hai, khi sương còn giăng kín bản làng, bà Hồ Thị Chiến (67 tuổi) ở nóc Loan Mu (xã Trà Nam) xách ba lô dẫn theo cháu nội và con em trong nóc bắt đầu hành trình đi bộ về Trường Phổ thông DTBT TH-THCS Trà Nam. “Bà cháu tranh thủ đi sớm, đến trường còn kịp cho các cháu cất xếp áo quần vào khu nội trú, ăn sáng rồi còn kịp giờ lên lớp”, bà Chiến vừa nói, vừa đưa tay điểm mặt từng học trò trước khi đến trường.
Nóc Loan Mu cách điểm trường chính của xã gần 20km. Bà cháu phải đi mất 4 đến 5 tiếng mới tới nơi. Bà Chiến nói: “Kể ra đường xa xôi, đi cũng vất vả nhưng vì tương lai con cháu, vả lại tôi già rồi, cũng không lên rẫy lao động được nữa nên phụ giúp ba mẹ các cháu, đưa chúng nó tới trường. Tuần này mình đi thì tuần sau có phụ huynh khác thay, luân phiên như thế nên cũng tự sắp xếp được thời gian”.
Cùng đi có bà Hồ Thị Bốn, xấp xỉ 70 tuổi. Bà Bốn có 2 đứa cháu, một đứa lớp 3 và đứa còn lại lớp 4. Hôm nghe nhà trường gợi ý việc hỗ trợ các cháu bậc tiểu học về bán trú, bà Bốn xung phong trước nhất. “Cả đời tui nghèo và vất vả vì thiếu chữ. Đến cả việc ký tên mình còn khó khăn. Bây giờ ti vi, báo, đài ngày nào cũng dạy cách phát triển kinh tế nhưng mình không biết chữ, không có kiến thức thì cũng chịu. Vì thế, các cháu của mình phải khác đi, phải biết chữ trước đã”, bà Bốn nói gọn.
Phụ huynh hướng dẫn con em dọn dẹp vệ sinh gọn gàng ở Trường Phổ thông DTBT TH-THCS Trà Nam
Về với khu nội trú, bà Bốn vừa chăm sóc 2 đứa cháu, vừa động viên, chỉ bảo và hỗ trợ thêm cho các cháu cùng thôn. Nhờ đó, nỗi nhớ nhà ở các cháu vơi đi và dần quen với cuộc sống mới ở trường. Thời gian các cháu lên lớp, bà cùng các phụ huynh khác chung tay dọn dẹp vệ sinh phòng ở, xếp gọn chăn màn và giặt áo quần giúp các cháu. Bà còn được nhà trường hướng dẫn thêm cách chăm sóc trẻ ốm đau, vệ sinh cá nhân. Đêm, bà ngồi ngắm các cháu học bài, làm bài tập, trong lòng thấy vui.
Bắt đầu từ năm học 2021-2022, các phụ huynh ở các nóc của xã Trà Nam đã bắt đầu hành trình cùng con như thế. Họ luân phiên nhau, mỗi tuần có khoảng 5 phụ huynh cùng con xuống núi và cùng trở về nóc sau buổi học cuối tuần. Đường đến trường vượt qua nhiều gian khổ, mưa rừng, gió núi nhưng họ vẫn miệt mài với một hành trình đến trường bền bỉ. “Các cháu đi học và về nhà có phụ huynh đi cùng nên chúng tôi rất yên tâm, nhất là vào những ngày mưa lớn, nguy cơ sạt lở núi rừng và con đường qua suối bị ngập. Những lúc ấy, phụ huynh có kinh nghiệm và đảm bảo an toàn cho các em”.
Chung sức vì tương lai con trẻ
Thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT TH-THCS Trà Nam cho biết, bắt đầu năm học 2020-2021, Ban Giám hiệu nhà trường quyết định chuyển toàn bộ học sinh lớp 1-2 ở 4 điểm lẻ tại các thôn về học tập trung tại điểm trường chính để tạo điều kiện cho các em được học tập đầy đủ các môn học. Một quyết sách đưa ra, nhiều cuộc họp bàn có sự tham gia của đầy đủ bà con các thôn, nóc… Cái gật đầu xác nhận đồng thuận được đưa ra. Gần 190 học sinh ở độ tuổi tiểu học bắt đầu về điểm trường chính. Để đảm bảo an toàn và hỗ trợ các em trong suốt tuần học ở trường và ở lại khu bán trú, nhà trường vận động phụ huynh của mỗi thôn luân phiên cử phụ huynh đưa, đón toàn bộ học sinh của thôn mình vào đầu và cuối tuần.
Những bản làng dưới chân dãy Trường Sơn, dọc dài mảnh đất miền Trung, bao năm nay vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn do địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Mô hình xuống núi tìm chữ cùng con của đồng bào ở Trà Nam thật cảm động. Đó là minh chứng của khát vọng con chữ thay đổi tương lai vẫn âm ỉ cháy trong mỗi người dân ở chốn thâm sơn cùng cốc. Hành trình ấy thật cảm động! |
Ban đầu các phụ huynh dựng lều gần trường để ở. Nhà trường đứng ra vận động và tạo điều kiện để phụ huynh vào ở bán trú cùng học sinh. “Có phụ huynh ở cùng, học sinh vừa an tâm và được quan tâm, chăm sóc, nhắc nhở nên giờ giấc học tập và sinh hoạt được thực hiện tốt hơn”, thầy Chín nói. Từ đó, mỗi phòng nội trú được kê thêm giường xen kẽ để phụ huynh ngủ cùng học sinh. Mỗi tuần có khoảng 10 phụ huynh đến từ các thôn, nóc cùng ở lại. Để có kinh phí ăn ở cho phụ huynh, nhà trường cân đối, tiết kiệm các khoản chi tiêu thường xuyên, vận động các nhà hảo tâm, thầy cô cùng ủng hộ thêm. Thầy Chín bảo, phụ huynh cùng trò xuống núi đa phần là các bà lớn tuổi, vẫn đảm bảo sức khỏe nhưng họ đã nhường hết việc nương rẫy cho con cháu nên thời gian rỗi ở nhà có nhiều. Vì thế, nhà trường cũng an tâm, đồng thời luôn chuẩn bị thêm các loại thuốc để hỗ trợ y tế khi cần.
Toàn trường có 330 học sinh 2 bậc học tiểu học và THCS. Có 5 cấp dưỡng phục vụ bữa ăn cho các cháu. Từ khi có thêm sự hỗ trợ của phụ huynh, các nhân viên cấp dưỡng được giảm bớt nhiều phần việc, bữa cơm cho học trò nhờ thế nóng sốt hơn. Đặc biệt, sự góp sức của phụ huynh đã làm giảm hẳn tình trạng vắng học sinh đến lớp. Còn nhớ vào tầm tháng 10 năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát ở Nam Trà My, chính những phụ huynh xuống núi đi học cùng con đã hỗ trợ đắc lực cho nhà trường trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Nhờ đó số học sinh nhiễm Covid-19 của trường không đáng kể do không bị lây lan trong điều kiện học sinh cùng sinh hoạt tập thể.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)