Nội dung này được ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM nêu ra tại Hội nghị tiếp xúc cử tri quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè trước kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XV, do đơn vị số 9 thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức chiều 12-10.
Ông Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè
Tại hội nghị tiếp xúc, 15 ý kiến cử tri nêu ra tập trung các vấn đề lớn liên quan đến kinh tế – xã hội.
Kiến nghị sửa Luật Đất đai cho phù hợp với thực tiễn
Cử tri Đinh Phát Đạt (Q.4) cho biết, Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT ban hành về Điều lệ cha mẹ học sinh quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu tiền để mua sắm máy móc, thiết bị đồ dùng dạy học cho trường, lớp. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, nếu không có sự đồng hành của phụ huynh, hoạt động dạy học trong nhà trường khó đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa.
Để trường học không xảy ra “lạm thu”, cử tri Đạt cho rằng ngoài việc cơ quan quản lý đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu thì cần thêm sự dứt khoát, rõ ràng từ phía cha mẹ học sinh. Đó là hiểu đúng và đủ về quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học.
“Bài toán giữa nhu cầu và quyền lợi cần được các bên công khai tính toán, thỏa thuận cách làm trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý. Khi các khoản thu đều minh bạch, triển khai theo đúng tinh thần tự nguyện, “có bao nhiêu, làm bấy nhiêu”, không cào bằng mức thu cho tất cả học sinh sẽ tạo được yên tâm cho xã hội”, cử tri Đạt nói.
Ở góc độ khác, cử tri Bùi Minh Tuấn (Q.4) cho biết, thời gian qua, một số chủ tịch tập đoàn bị bắt tạm giam, truy tố về tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản làm gây hoang mang trong dân, nhất là những người tham gia đầu tư chứng khoán. Cạnh đó, giá xăng dầu lên xuống thất thường làm các mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo khiến cuộc sống người dân, nhất là người dân lao động ngày càng khó khăn hơn.
Qua đó, cử tri Tuấn kiến nghị Quốc hội xem xét nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán quy định rõ ràng những điều kiện, tiêu chuẩn tham gia thị trường này và có giải pháp giải quyết, khắc phục để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Bộ Công thương cũng nên quan tâm, theo dõi việc niêm yết giá cả các mặt hàng thiết yếu, tránh để xảy ra tình trạng vì lợi ích cá nhân mà gây khó khăn cho người dân.
Ngoài những kiến nghị trên, một số cử tri kiến nghị giải quyết các vướng mắc về cấp sổ hồng chung cư; nâng mức lương cơ sở cho cán bộ công chức; giải quyết tình trạng khan hiếm xăng dầu; đẩy nhanh tiến độ các công trình đang xây dựng dang dở để tránh ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường; kiến nghị sửa Luật Đất đai…
Cử tri Ngô Thế Khai (Q.4) nhất trí với những nội dung trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Tuy nhiên, ông cho rằng hiện nay có những dự án thu hồi đất lớn, có nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng nên việc quy định ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày là không thể thực hiện được. Ông đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP kiến nghị Quốc hội điều chỉnh sửa đổi luật cho phù hợp với tình hình thực tế.
TP tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đất đai
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cảm ơn và đánh giá các cử tri đã thể hiện trách nhiệm cao với cả nước trong việc đóng góp trí tuệ.
Ông mong các cử tri tiếp tục quan tâm theo dõi và đưa ra những góp ý từ nay đến kỳ họp Quốc hội sắp diễn ra, và cả các kỳ họp khác. Không chỉ những nội dung liên quan đến Quốc hội mà các cử tri có thể góp ý liên quan đến đời sống, an sinh xã hội qua mặt trận tổ quốc quận, huyện để gửi đến các cơ quan chức năng. Đoàn đại biểu Quốc hội TP tiếp thu, tổng hợp các ý kiến gửi các cơ quan, báo cáo ban dự thảo các luật để trình Quốc hội trong gian sắp tới.
Thông tin về các vấn đề cử tri quan tâm, trong đó về vấn đề nhà ở, đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, ông Mãi cho biết, khối lượng công việc này tại TP rất lớn và tồn đọng rất nhiều. Từ đầu năm, TP đã tập trung rà soát đối với các dự án chưa đủ hồ sơ thủ tục để tháo gỡ, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người dân.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri
“Năm nay, Sở Tài nguyên Môi trường đăng ký cấp 20.000 giấy chứng nhận thì đã cấp được 19.000 giấy. Từ nay đến cuối năm còn điều kiện nên sở đã đăng ký thêm 3.000 giấy, tức là cấp ít nhất 23.000. Tuy nhiên, so với số lượng cần cấp còn nhiều đòi hỏi phải tập trung hơn nữa”.
Bên cạnh đó, ông Mãi cho biết TP đang tập trung triển khai chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung nhà ven, trên kênh rạch; thay nhà các chung cư cũ; và nhà cho thuê, nhà lưu trú công nhân. Thời gian tới, TP tập trung phát triển chương trình để đạt mục tiêu đến năm 2025, TP.HCM cơ bản giải quyết được vấn đề nhà ở, xóa được nhà ven kênh, trên kênh, chung cư cũ, đáp ứng cơ bản nhu cầu thuê, mua nhà của người dân đến TP sinh sống và làm việc. “Đây là một chuẩn mực xã hội và đo lường sự phát triển của TP”.
Ông cho biết thêm, trong quá trình triển khai vướng mắc rất nhiều từ luật quy hoạch, đất đai, xây dựng nhà ở đến các luật đầu tư. Dự kiến Luật đất đai sửa đổi đến cuối năm 2023 mới được thông qua thì giữa 2024 mới có hiệu lực. Như vậy, trong thời gian chờ đợi, TP đã chủ động làm việc trực tiếp với các bộ ngành liên quan và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để giải quyết vấn đề.
“Đối với Luật đất đai sửa đổi, kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ cho ý kiến lần thứ nhất. TP đã tập hợp 18 nhóm vấn đề với 68 nội dung cần sửa đổi, trong đó có 15 nội dung đã được tiếp thu đưa vào dự thảo sửa đổi Luật. TP đã đăng ký làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường để báo cáo, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của TP để đưa vào sửa đổi Luật. Mặt khác, TP cũng tiến hành tổng kết Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù để ban hành nghị quyết mới thay thế, trong đó TP cũng kiến nghị cho cơ chế thực hiện trong thời gian tới nếu chưa sửa được Luật Đất đai”.
Về sách giáo khoa, người đứng đầu chính quyền TP nhấn mạnh không chỉ là giá cả mà còn là chất lượng. Để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thiếu sách, không ảnh hưởng đến việc đến trường, UBND có chỉ đạo Sở GD-ĐT chỉ đạo mỗi trường học bằng ngân sách của trường hoặc bằng ngân sách xã hội hóa đầu tư một lượng sách giáo khoa tại thư viện để các em được được mượn sử dụng. Với chủ trương này, TP sẽ bố trí một phần ngân sách, vận động xã hội hóa để đảm bảo nguồn sách hỗ trợ các gia đình khó khăn, không ảnh hưởng việc đến trường của học sinh.
Thông tin về kinh tế – xã hội TP, ông Mãi cho biết kết quả 9 tháng năm 2022 tăng 9,71%, như vậy tăng GRDP cũng ở mức cao, đây là điều đáng mừng vì một năm trước TP không hình dung sẽ đạt được kết quả này. “TP đã lấy lại được phong độ trước dịch. Có được kết quả này nhờ sự chung sức đồng lòng vượt khó, tinh thần năng động sáng tạo của người dân, cộng đồng doanh nghiệp”, ông Mãi nhấn mạnh.
Trong thời gian tới còn nhiều khó khăn về chuỗi cung ứng, xung đột chiến tranh sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung, vật giá, lạm phát. Tuy nhiên, bằng tinh thần 9 tháng đầu năm trong phục hồi kinh tế, ông Mãi mong các cử tri vượt qua khó khăn để đạt được kết quả tốt nhất trong 3 tháng cuối năm, để năm 2023 là năm tăng tốc. UBND TP, quận huyện, các sở ngành sẽ tập trung tháo gỡ, giải quyết các thủ tục theo yêu cầu của người dân, doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh thuận lợi, đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Mãi cho biết, TP phải tập trung tăng tốc phát triển trong năm 2023, 2024 và năm 2025 để đạt được mục tiêu Nghị quyết lần thứ 11 Đại hội Đảng bộ TP đề ra. Với truyền thống năng động, sáng tạo của TP, ông tin TP sẽ hoàn thành chỉ tiêu năm 2022, chủ động bước vào 2023 với tinh thần tăng tốc. Đây là năm đầu của 3 năm tăng tốc để TP về đích vào năm 2025.
N.Trinh
Bình luận (0)