Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tiếng cười – một phương diện nghệ thuật độc đáo trong truyện Nam Cao

Tạp Chí Giáo Dục

Nam Cao không bao gin tiếng cưi làm th pháp đánh vào ngưi đc. Tác phm ca ông cũng không có truyn nào mà mc đích cui cùng là to ra tiếng cưi, kích đng suy nghĩ ca h qua tiếng cưi đó.


Nhà văn Nam Cao

Nam Cao có viết truyện lấy tên là Cười. Nhưng đó là cái cười như chính tác giả giải thích: “Nụ cười chính là một vị thuốc tiêu đàm, tẩy độc, lượng huyết và bổ tâm, bổ phế, bổ tì, bổ vị, bổ gan, bổ thận, chẳng có gì không bổ… Mà không tốn kém một đồng xu nhỏ, chỉ cần nhếch môi một cái. Dễ dàng hết sức. Vậy thì tội gì mà không cười. Cứ cười đi, cười nhiều đi…” (Cười). Mượn “cái cười” để che giấu nỗi buồn, để nguôi ngoai tấn bi kịch đang ngấm ngầm bên trong. Tiếng cười như “liều thuốc giải uất”, làm vơi vớt những bực bội lo âu của cuộc sống thường ngày. Cho nên có thể khẳng định: Cười mỉa mai, chua chát nhưng nhẹ nhàng, độ lượng. Đó là “gam” giọng chủ đạo trong sáng tác của nhà văn Nam Cao.

1. Đọc truyện ngắn Nam Cao, điều đầu tiên ai cũng phải phì cười bởi cái lối mỉa mai, bêu riếu của ông khi khắc họa ngoại hình nhân vật. Dị dạng nhân vật của Nam Cao làm người ta không khỏi phải liên tưởng đến những tuồng diễn mà nhân vật phải khéo chọn lựa kiểu hóa trang thật quái dị để kích thích người xem như một trò hề. Từ Thị Nở, Lang Rận cho đến Trạch Văn Đoành, Bình, mụ Lợi… đều là những “biếm họa” mà với những họa sĩ nếu không thuộc sở trường thì cố tình vẫn không thể bịa ra nổi. Nam Cao không chỉ dừng lại ở bản thân hiện tượng, tiếng cười của ông gắn liền với tính cách, số phận và cảnh ngộ nhân vật. Thị Nở, với tính dở hơi, đang yêu nửa chừng bỗng dừng phắt lại để hỏi bà cô của thị. Tính cách của bốn anh chàng tiểu tư sản trí thức buồn cười thay vì họ cười cái “nhỏ nhen”, nhưng thật sự họ “nhỏ nhen”. Tính cách tưng tửng không hợp thời cho lắm của ông Cửu Đoành, lối tỏ tình quê kệch của Lang Rận và mụ Lợi. Hoặc từ những toan tính nhỏ mọn làm cho nhân vật loay hoay như những con rối của Hộ, của Điền… làm chúng ta không khỏi phải buồn cười (là cười mà… buồn!). Nhưng đây không phải là những nụ cười trọn vẹn. Cạnh cái “vô duyên” của tính cách Thị Nở là một nhát dao, cắt đứt số phận Chí Phèo, là nguyên cớ khiến Chí bị khướt từ làm người. Truyện Nhỏ nhen là một khái quát triết lý về sự đời của Nam Cao. Đó không phải là một câu chuyện hài hước, mà là một dấu hỏi lớn đòi sự trả lời về vấn đề nhân tính ngay cả những người thấu hiểu về nó nhất. Nhân vật Trạch Văn Đoành, nói theo cách của Nam Cao là “như súng thần công” đã “bắn” vào sự đê tiện, bần cùng của đời sống hủ lậu. Lối tỏ tình của Lang Rận và mụ Lợi buồn cười đấy, nhưng nó đẹp làm sao, trong sáng và đáng yêu làm sao. Vì đó là tình yêu chân thật. Nên khi bị xúc phạm danh dự, họ lấy cái chết làm sự giải thoát. Nhưng ghì sát đất bởi miếng ăn manh áo đó là bi kịch đối với những người luôn có khát vọng vươn tới cao cả. Cho nên cười đó rồi lại quên ngay. Vì đằng sau nó ẩn giấu nhiều nỗi niềm quá lớn!

2. Cảnh ngộ là “mẹ đẻ” của sự hài hước trong truyện Nam Cao. Nhân vật của ông thường rơi vào cảnh ngộ đáng “cười ra nước mắt”. Buồn cười lắm thay cho một cái chết chỉ vì “một bữa no” (Một bữa no). Còn gì trớ trêu hơn cho sự chờ đợi đến đói lả, với hy vọng còn sót lại miếng thịt nào trong bát, nhưng sau cùng chỉ là những cái bát không (Trẻ con không được ăn thịt chó). Buồn cười chi bằng một con người nhịn đói đến kiệt sức, dành tiền xem một quẻ bói để rồi tin vào sự giàu sang mà không ngờ cái chết đang đuổi tận sau lưng mình (Xem bói). Cũng thật bất ngờ, khó tin trong cuộc gặp gỡ với người tình cũ (Sao lại thế này?)… Trước những cảnh ngộ như vậy, Nam Cao kích thích người đọc vừa hé miệng chực cười, ông lại cầm chừng ở đó, và bồi thêm những cái đáng khóc. Tạo nên cho họ khuôn miệng méo xệ, đầy xót xa.

3. Đôi lúc tiếng cười của Nam Cao là tiếng cười châm biếm, trào lộng. Nam Cao châm biếm phần lớn tầng lớp nông dân tin mù quáng vào số mệnh (Xem bói), túng thiếu nhưng sa vào rượu chè, cờ bạc và danh vọng hão huyền (Trẻ con không được ăn thịt chó, Mua nhà, Mua danh…). Người đọc, sau khi cười những thói tật, những suy nghĩ không mấy tốt lành ấy lại không khỏi ngậm ngùi bởi hậu quả đáng thương mà bi kịch tất yếu phải xảy ra của hoàn cảnh đối với nhân vật. Văn Nam Cao dẫn người đọc đi từ trách móc đến thương hại và sau cùng là cảm thông hoàn toàn. Tiếng cười Nam Cao vì thế không bao giờ là tiếng cười mỉa mai, châm chọc từ bên ngoài. Mà là tiếng cười chuyển dần sang sắc thái ngầm ẩn bên trong, cất lên chua chát từ nội tâm con người. Rõ ràng Nam Cao quan tâm đến việc băng bó chữa trị vết thương cho tâm hồn con người nhiều hơn là xoáy sâu vào vết thương ấy bằng tiếng cười của mình. Buồn cười nhưng đáng thương, nhẹ nhàng và độ lượng. Đó là nét chính khó lẫn giữa Nam Cao với giọng điệu của một nhà văn nào khác về tiếng cười.

4. Cao nhất trong văn Nam Cao là tiếng cười “tự trào”. Nhà văn phần lớn quay sang cười cái thằng “tôi” của chính mình và tầng lớp mình. Nam Cao từng coi “cái tôi là cái đáng ghét”. Ông cười vào cái thằng “tôi” với bộ mặt “khỉ khỉ sao ấy”, không thể chơi được (Cái mặt không chơi được); cười cái thằng “tôi” tầm thường, quê kệch lại phải đem ra làm đề tài, cảm hứng để sáng tác văn chương (Những truyện không muốn viết); cười với cái gượng cố gắng mà cười để dịu vơi đi cuộc sống tẻ buồn và “nhạt như nước ốc” (Cười); hay là cười cho chính bản thân mình để tự khuây khỏa: “Người điều độ là một người khôn ngoan” (Quên điều độ)… Nam Cao thường phân biệt rạch ròi ranh giới giữa cái khôi hài và nghiêm túc, giữa cái hay ho và cái dở tệ, giữa cái đúng và cái sai trong bản thân mình. Ông cũng mạnh dạn nói ra những ý nghĩ buồn cười của bản thân để châm biếm, hoặc bộc lộ trực tiếp không dè đặt những cảm nghĩ của mình trước những nhố nhăng của cuộc đời: “Trọn đời tôi, tôi chỉ lo chết đói. Như thế bảo còn nghĩ đến những cái to tát làm sao được? Nguyện vọng của tôi? Ấy là làm thế nào cho vợ có tiền đong gạo, mua nước mắm và mua ba xu thuốc chốc đầu của bà lang lùn về cho con. Không có mộng. Nói vậy sợ hơi quá quắt. Thật ra tôi cũng có chút mộng văn chương. Nhưng cái mộng ấy cũng hơi… khỉ khỉ” (Những truyện không muốn viết).

Ở một số truyện khác, vì tôn trọng hoàn cảnh khách quan, buộc nhà văn không thể lấy cái “tôi” của mình ra để “bênh vực” được. Phương thức gây cười chính ở đây thường nói theo kiểu “nhại”. Chẳng hạn trong Một chuyện Xuvơnia, nhân vật Hàn, sau những suy nghĩ bồng bột, xa rời thực tế để rồi khi phát hiện ra sự thực thì vỡ lẽ “mình đã làm một việc quá buồn cười”. Hay trong Truyện tình, tiếng cười nổ ra vì lối kết thúc “có hậu” một cảnh gượng ép và đầy mai mỉa. Thay vì nhân vật trốn chạy trước hoàn cảnh thì tác giả lại viết: “Tôi hy sinh tình yêu và hạnh phúc đi vì nàng”. Yếu tố gây cười bằng “tính nhại” này nhằm đánh vào xu hướng văn học lãng mạn thoát ly đương thời.

5. Tiếng cười Nam Cao mang âm hưởng bình dân và hồn hậu. Từ cách miêu tả (ngoại hình, tính cách) đến lối so sánh (sự việc, sự vật)… đều gần gũi với lối nghĩ, lối trào lộng nhân gian. Như cách nói: “Con thì hơi một tí đã nhè mồm ra khóc, vợ thì động thấy con khóc đã quát tháo, rủa con và rủa luôn kiếp mình. Mỗi lần như thế, hắn khổ hơn bị người ta chặt cổ. Hắn muốn đập một cái gì ra cho đỡ tức nhưng đập ra lắm thì chỉ thiệt… Hắn đành nén giận, vùng chạy ra ngoài. Chạy thật xa, vừa chạy vừa bịt chặt hai tai như một đứa trẻ con sợ pháo” (Cười). Đặc biệt, khi miêu tả, Nam Cao chuyên sử dụng một số từ “sở trường”, đại loại như: Cười ngất, cười khanh khách, cười hô hố, cười rú lên, cười gượng, cười mủm, cười hi hí, cười khìn khịt, cười ngượng ngịu… Nói chung, những kiểu cười mà khi đặt vào miệng của nhân vật kiểu cách, sang trọng khó có thể phù hợp được.

Trn Ngc Tun

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)