Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chia sẻ những áp lực của học sinh!

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều bậc phụ huynh hẳn xót xa, đau lòng với việc hai vụ học sinh tự tử: một nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh treo cổ và một nam sinh lớp 10 ở Hà Nội nhảy lầu…


Theo tác gi, trong dy hc, giáo viên nên to ra nhng áp lc va phi đ hc sinh có s phn đu tích cc (nh minh ha). Ảnh: Anh Khôi

Trong hai trường hợp này, dường như có một điểm chung rất lớn là trẻ chịu quá nhiều áp lực mà người lớn (cha mẹ, thầy cô…) không hiểu và không chia sẻ. Trong lúc quẫn trí, các em đã hành động nông nỗi, để lại nỗi ân hận vô bờ cho người thân, nhưng qua đó có thể gióng lên một tiếng chuông cảnh báo cho nhiều phụ huynh khác.

1. Chương trình giáo dục và cách giáo dục hiện nay nói chung là có nhiều áp lực cho học sinh. Quan điểm lấy người học làm trung tâm rất tiến bộ nhưng chưa được thực hiện đầy đủ trên thực tế, trong khi cách thức giảng dạy của nhà trường, giáo viên cùng sự kỳ vọng quá lớn của phụ huynh đã gây cho học sinh những áp lực nặng nề. Từ lớp 3 trở đi, nội dung học khá nhiều, không chỉ nhiều môn mà còn nặng ở kiến thức, không chỉ ở những môn chính mà còn ở môn phụ, không chỉ trong học tập, bài kiểm tra mà còn trong thi cử, nhất là các kỳ thi có tính quyết định (thi tuyển sinh đầu vào, thi học sinh giỏi/năng khiếu, thi tốt nghiệp…). Chẳng hạn, ở toán lớp 3, học sinh phải học đủ bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia, trong phạm vi 10.000, cộng trừ có nhớ, chia có dư, quy đổi nhiều loại đơn vị đo lường; ở môn tiếng Việt, học sinh phải vừa học đọc, viết, tập làm văn, viết chính tả…; ngay cả môn thủ công, dù không được tính vào điểm học tập chung nhưng có một số bài ngay cả người lớn cũng vất vả thực hiện; các bài tập thể dục về nguyên tắc là rất cần thiết cho sự phát triển thể chất của học sinh nhưng hầu hết không tạo nên sự hào hứng cho các em trong quá trình tập luyện. Ở bậc THCS, học sinh phải học nhiều môn hơn, kiến thức vừa sâu vừa rộng hơn; ngay cả môn thể dục cũng tiếp tục không tạo ra được sự hào hứng để các em vận động mà có khi còn gây ra sự ám ảnh. Đặc biệt, ở tuổi này, phần nhiều học sinh bắt đầu vào tuổi dậy thì, trong số đó có những em mang “tâm lý nổi loạn” nên dễ có những suy nghĩ, hành động bột phát. Ở bậc THPT, học sinh còn phải đối mặt với việc chuẩn bị vào đời, qua việc phải xác định học ngành gì, học ở đâu, thi cử thế nào…, trong khi phần nhiều kiến thức học được chỉ là lý thuyết mà gắn rất ít với thực tiễn cuộc sống. Tâm sinh lý của học sinh trong giai đoạn này khá phức tạp, đang trong lúc định hình nhân cách nên chịu nhiều tác động, nếu không được uốn nắn phù hợp, kịp thời thì rất dễ để lại “vết hằn” trong nhận thức, tính cách, hành động của các em. Bên cạnh đó, học sinh đi học còn phải chịu áp lực về việc ứng xử của giáo viên, giám thị… như lo bị phạt, lo bị đối xử không công bằng, lo bị nhắc nhở về tiền nong, kỷ luật, kể cả việc ăn uống, đi vệ sinh trong nhà trường. Hiện nay còn liên quan đến vấn đề nhiễm Covid-19, có thể ảnh hưởng đến việc học, đến sức khỏe… Ngoài ra, học sinh còn phải chịu áp lực về vị trí, thứ bậc trong lớp, như tại sao tháng trước được những hạng đầu mà tháng sau bị tụt hạng, hay áp lực thành tích, điểm số để làm đẹp lòng cha mẹ, không xấu hổ với bạn bè. Chưa hết, học sinh còn chịu áp lực từ các mối quan hệ bạn bè, vì sao bạn này hôm qua còn chơi với mình mà hôm nay lại chơi với nhóm khác, hay phải cố thích một cái gì đó cho giống bạn, hay không dám làm phật ý bạn vì sợ bị cô lập, sợ bị trả thù, thậm chí đánh hội đồng, hay phải có tiền để tham gia các buổi ăn uống, đi chơi với bạn, nếu không thì sợ bạn chê là nghèo, quê mùa. Hay các vấn đề về yêu đương cũng rất đáng nói, như có em không chủ động được cảm xúc và hành động trong yêu đương, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến việc học; hoặc có em quá “băn khoăn” về việc vì sao mình chưa có người yêu trong khi các bạn khác đã có, từ đó cũng dễ nảy sinh các vấn đề về tâm lý, về kết quả học tập… Đó là chưa kể có những việc xảy ra với trẻ do lỗi của người lớn, như cha mẹ hay đưa con đi học trễ, đón con muộn, chậm đóng tiền cho con, không quan tâm đến sự phối hợp với nhà trường; giáo viên thì đối xử không công bằng, tìm những cách lôi kéo học sinh đến lớp học thêm, nội bộ nhà trường mất đoàn kết khiến học sinh trở thành đối tượng “trả đũa” của các giáo viên…2. Người lớn, trước hết là cha mẹ, phải hiểu và chia sẻ với những áp lực đó của trẻ, động viên, giúp đỡ. Như trong vụ nam sinh lớp 10 ở Hà Nội nhảy lầu, việc người cha có những lời nói, hành vi can thiệp vào việc học của con vào thời điểm rạng sáng, tức là lúc lẽ ra được ngủ rất sâu và thoải mái, rõ ràng là gây cho con quá nhiều áp lực. Cha mẹ không thể cho rằng mình đi làm vất vả nuôi và lo cho con ăn học thì có quyền đòi hỏi và tạo ra những áp lực cho con. Bên cạnh đó, cha mẹ còn phải quan tâm đến sức khỏe, năng lực, nhu cầu, sở thích và các vấn đề khác để có sự chăm sóc phù hợp chứ không thể chỉ có đòi hỏi mà không cần chú ý đến các yếu tố khác.

Trên thực tế, người lớn còn có nhiều cách thức để giải tỏa, chia sẻ nhằm giảm áp lực, còn trẻ thì có rất ít cơ hội làm được điều đó. Liệu các bậc cha mẹ có thường xuyên ngồi nghe con kể chuyện trên lớp hay vừa nghe một đôi đâu đã gạt ngang? Liệu cha mẹ có thường xuyên nghĩ cách giúp con thư giãn sau thời gian học tập căng thẳng không hay vẫn luôn câu “rất bận”? Liệu cha mẹ có thực sự biết được những khó khăn của con trên lớp và tìm cách giúp đỡ con vượt qua hay chỉ biết khi có sự cố, rồi trách mắng, phạt vạ? Liệu cha mẹ có hay xem việc cho tiền con thì coi như đã giải quyết yêu cầu của con hay có thực sự hiểu các nhu cầu khác của con?… Tương tự như vậy, giáo viên liệu có chịu lắng nghe học sinh trình bày ý kiến, nguyện vọng về việc học trên lớp, như cách giảng chưa phù hợp, cách ra bài kiểm tra không phản ánh đúng việc dạy và khả năng tiếp thu của các em, hay giáo viên có phân biệt đối xử với các học sinh không… Hoặc các vấn đề về tâm sinh lý của học sinh liệu có được giáo viên và nhà trường lắng nghe, ghi nhận, xử lý đến đâu để giúp giảm các áp lực cho các em. Hay điều tưởng chừng là nguyên tắc tối quan trọng là “giáo viên phải thực sự yêu thương học sinh” (cô giáo như mẹ hiền) thì đã được giáo viên thực hiện ra sao cũng còn là một câu hỏi bỏ ngỏ lời đáp!

Chính vì vậy, người lớn cố gắng hiểu và chia sẻ các áp lực cho học sinh để các em đi học thực sự thấy niềm vui, thấy có ích, có tiến bộ, chứ không phải gắng gượng đến lớp cho qua buổi, học cho qua lớp. Trong đó, cha mẹ nên quan tâm trò chuyện với con xem con có niềm vui gì, có khó khăn gì, có nỗi buồn gì, có điều gì cần giúp đỡ… Những điều đó nên được thực hiện thường xuyên, tế nhị, thể hiện sự yêu thương, chia sẻ chứ không phải như đang điều tra con. Hay giáo viên cũng nên biết tạo ra những áp lực vừa phải để học sinh có sự phấn đấu tích cực hơn. Ở đây, nên thể hiện bằng hình thức động viên, khen thưởng hơn là phạt vạ.

Trong một số ít trường hợp, nên có những cảnh báo, răn đe với những học sinh thiếu sự cố gắng, bằng những hình thức phạt (tượng trưng), sao cho có một chút áp lực để các em phải nỗ lực hơn. Việc làm này đôi lúc là “con dao hai lưỡi” nên người lớn phải thận trọng, tránh phản tác dụng, nhất là với các hình thức sinh ra sự so bì, ganh tị không đáng có.

Nguyn Minh Hi

Bình luận (0)