Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Hố đen đói sao cách Trái Đất một tỷ năm ánh sáng

Tạp Chí Giáo Dục

Các nhà vật lý thiên văn Mỹ phát hiện một hố đen "siêu gầy" không có sao bao quanh, một hiện tượng hiếm gặp hơn cả thiên hà hai hố đen.

ho-den-doi-sao-cach-trai-dat-mot-ty-nam-anh-sang

Hố đen nhỏ hơn không có sao bao quanh.

Theo Phys.org, nhà nghiên cứu Julie Comerford ở Đại học Colorado công bố phát hiện trong cuộc gặp thường niên của Hiệp hội Vật lý thiên văn Mỹ diễn ra hôm qua ở Kissimmee, Florida.

Tính đến nay, các nhà khoa học mới chỉ phát hiện 12 thiên hà tồn tại có hai hố đen ở chính giữa. Thông thường, những thiên hà có một hố đen siêu lớn nằm ở trung tâm với khối lượng lớn hơn từ một triệu cho đến một tỷ lần so với Mặt Trời.

Tuy nhiên, ở thiên hà mới được phát hiện, một trong hai hố đen nhỏ hơn nhiều so với hố đen còn lại và trong trạng thái "đói" sao. Những hố đen thường được các ngôi sao bao quanh, nhưng hố đen này hoàn toàn trơ trụi.

Theo suy đoán của Comerford, hố đen nhỏ mất trọng lượng trong quá trình hai thiên hà va chạm và sáp nhập làm một. Đây cũng có thể là ví dụ hiếm hoi về một hố đen cỡ trên trung bình, nhiều khả năng sẽ biến đổi theo thời gian thành hố đen siêu trọng lượng. Khối lượng của hố đen trên trung bình lớn hơn từ 100 đến một triệu lần so với Mặt Trời.

Comerford sử dụng kính viễn vọng vũ trụ Hubble cùng với Đài thiên văn tia X Chandra của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và phát hiện thiên hà hai hố đen cách Trái Đất một tỷ năm ánh sáng vào năm ngoái. Thiên hà này được ký hiệu là J1126+2944. Nghiên cứu của Comerford có thể góp phần làm sáng tỏ quá trình tiến hóa của hố đen.

Phương Hoa (theo vnexpress)

Bình luận (0)