Phục hồi hàng không là yếu tố then chốt để thúc đẩy du lịch. Đó là khẳng định của ông Đinh Việt Sơn – Phó Cục trưởng, Cục Hàng không Việt Nam tại tọa đàm “Vietnam Case Study”- một trong các hoạt động của Diễn đàn phát triển đường bay châu Á, diễn ra tại Đà Nẵng từ 4 đến 8-6-2022.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng trao đổi với các đại biểu tại Diễn đàn phát triển đường bay châu Á
Mở “nút thắt” hàng không
Theo đánh giá của Hiệp hội Các hãng hàng không quốc tế (IATA), dự kiến sẽ có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024, tăng 3% so năm 2019 – năm trước đại dịch Covid-19. Đối với vận chuyển nội địa, IATA dự báo sự hồi phục sẽ đến sớm, theo đó so với năm 2019, lượng khách nội địa sẽ đạt 93% vào năm 2022, 103% vào năm 2023, 111% vào năm 2024 và 118% vào năm 2025.
Tại Việt Nam, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 116,5 triệu lượt hành khách vào năm 2019, giảm còn 65,3 triệu lượt hành khách vào năm 2020, giảm mạnh vào năm 2021 khi chỉ đạt 30,3 triệu hành khách. Với việc Chính phủ dỡ bỏ các hạn chế về đi lại nội địa và quốc tế, năm 2022 dự kiến đạt từ 70-80 triệu lượt hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam, trong đó, khách quốc tế đạt xấp xỉ 10 triệu lượt hành khách và khách nội địa đạt 60-70 triệu lượt hành khách.
Ông Đinh Việt Sơn – Phó Cục trưởng, Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận, ngành hàng không dân dụng có vị trí, vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và thế giới. Việc tăng trưởng, phát triển của ngành hàng không tạo ra môi trường thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu, du lịch phát triển đồng thời là nhân tố góp phần cho sự thành công của quá trình hội nhập quốc tế của nền kinh tế nước nhà.
Ông Sơn cho rằng, việc phục hồi ngành hàng không là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển du lịch. Hàng không và du lịch có mối quan hệ rất mật thiết. Hàng không phát triển sẽ tạo điều kiện cho du lịch phát triển và ngược lại, du lịch phát triển sẽ mang lại nguồn khách vô cùng lớn cho hàng không. Ngành hàng không phục hồi, đồng nghĩa với việc mở rộng về mặt địa lý và tăng về quy mô khai thác, qua đó các hãng hàng không có điều kiện cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, phù hợp với mục đích, nhu cầu của người sử dụng, đặc biệt là khách du lịch.
Để kịp thời đón bắt bước hồi phục của thị trường hàng không, ngành hàng không Việt Nam đã triển khai hàng loạt các dự án nâng cấp kết cấu hạ tầng hàng không, trong đó quan trọng nhất là các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất hoàn thành trong tháng 4-2022, cải thiện và nâng cao đáng kể năng lực phục vụ của các cảng hàng không này, kịp thời đón đầu sự hồi phục của vận tải hàng không.
Lãnh đạo TP.Đà Nẵng làm việc với hãng hàng không Ấn Độ
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tới thời điểm hiện tại, hoạt động vận chuyển hàng không nội địa hàng ngày có trung bình hơn 100 chuyến bay 1 chiều đi/đến Đà Nẵng từ Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột… Đối với thị trường quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khai thác trở lại các đường bay quốc tế kết nối Đà Nẵng với Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul và Daegu (Hàn Quốc). Đầu tháng 7-2022 sẽ có đường bay nối Tokyo (Nhật Bản), thêm các hãng mới và tăng tần suất trên các đường bay hiện có.
Ông Nguyễn Quốc Phương – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết: “Cục Hàng không Việt Nam vẫn đang tiếp nhận các đề xuất khai thác trở lại các đường bay quốc tế đi/đến Đà Nẵng từ các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài, song song với các chính sách hỗ trợ các hãng hàng không khai thác đường bay đến Đà Nẵng hậu Covid-19”.
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu trong vòng 2 năm (bắt đầu từ 2022) sẽ khôi phục hàng không như thời điểm trước Covid-19, kết nối Đà Nẵng với các thị trường xa như Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Đồng thời xúc tiến các đường bay mới tới thị trường tiềm năng tại Ấn Độ và Đông Nam Á.
Đa dạng hóa thị trường du lịch
Để kịp thời nắm bắt cơ hội phục hồi thị trường du lịch hậu Covid-19, Đà Nẵng đã có nhiều động thái chuẩn bị chu đáo để đón đầu, mở rộng các đường bay. Năm 2019, Đà Nẵng đón 31 chuyến bay trực tiếp quốc tế với hơn 500 chuyến bay mỗi tuần. Mục tiêu của Đà Nẵng là khôi phục lại số lượng và tần suất các chuyến bay quốc tế này trong năm 2024. Trong chuỗi sự kiện lần này, lãnh đạo TP.Đà Nẵng cũng đã có buổi làm việc để tìm kiếm thị trường tiềm năng để tạo thuận lợi cho việc khởi động những thị trường này, như Ấn Độ, Indonesia…
Bà Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, khôi phục thị trường truyền thống vẫn là mục tiêu hàng đầu vì đây là những thị trường nguồn với số lượng khách lớn khó có thể thay thế. Thêm vào đó, sự tương đồng về văn hóa cùng hệ sinh thái dịch vụ đã phát triển gắn với các thị trường truyền thống. Các thị trường truyền thống của Đà Nẵng là thị trường Đông Bắc Á: Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng tái khởi động du lịch nội địa để thúc đẩy du lịch phát triển như tung ra các chương trình kích cầu để thu hút khách du lịch và triển khai song song với các chiến dịch mạng xã hội như Enjoy Danang để tăng cường tương tác thương hiệu điểm đến và lan tỏa các sản phẩm – dịch vụ hấp dẫn của điểm đến. Nhìn chung, hoạt động du lịch nội địa gần như trở lại như trước đây, tâm lý, hành vi du khách cũng dần trở lại thời điểm trước dịch bệnh.
Cũng theo bà Hoài An, Đà Nẵng cũng đã đặt mục tiêu đa dạng hóa thị trường nguồn khách để tránh lệ thuộc vào các thị trường truyền thống, tránh những rủi ro. Với những lợi thế về vị trí điểm đến, cơ sở hạ tầng và sản phẩm dịch vụ, Đà Nẵng đã và đang lên kế hoạch khai thác các nguồn khách MICE, khách nghỉ dưỡng biển và khách gold…
Diễn đàn phát triển đường bay châu Á là sự kiện xúc tiến đầu tư quốc tế duy nhất trong lĩnh vực hàng không của châu Á. Lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng và là nơi quy tụ các nhà hoạch định chính sách từ các hãng hàng không, sân bay, điểm đến và nhà cung ứng của ngành hàng không hàng đầu thế giới.
Thiên Phúc
Bình luận (0)