Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nên có chính sách tín dụng cho vay thương mại với sinh viên ?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bối cảnh học phí đại học tăng mạnh, việc sửa đổi chính sách vay tín dụng để mở rộng nguồn vay cho người học là vô cùng cần thiết.

Thống kê từ các trường ĐH trong vài năm gần đây cho thấy tỷ lệ sinh viên có nhu cầu vay tín dụng học tập tăng mạnh. Tuy nhiên, chính sách cho vay tín dụng hiện chưa đáp ứng hết nhu cầu của người học.

Nhu cầu tăng nhưng số vay giảm

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kết quả thực hiện chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (HS, SV) giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy có trên 3,6 triệu người học được vay vốn để trang trải học tập. Tỷ lệ HS, SV có nhu cầu vay vốn chiếm từ 10-15% số lượng nhập học hằng năm. Thống kê của một số trường ĐH trong 2 năm gần đây cho thấy số lượng SV có nhu cầu vay vốn có xu hướng tăng lên.

Nên có chính sách tín dụng cho vay thương mại với sinh viên ? - ảnh 1

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM xin xác nhận giấy tờ tại Phòng Công tác sinh viên. HÀ ÁNH

Tiến sĩ Lâm Thanh Minh, quyền Trưởng phòng Công tác chính trị và HS, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết số lượt người học xác nhận nhu cầu vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong năm học 2021 – 2022 tăng khoảng 5% so với năm học trước đó.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Thống kê của trường này cho thấy số lượng SV xin cấp giấy xác nhận để vay vốn năm học này tăng hơn 1.000 trường hợp so với năm học trước.

Tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, tính từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2021, có gần 4.400 SV làm giấy xác nhận, nhưng trong đó chỉ khoảng 2.500 người được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương.

Chia sẻ trong phiên thảo luận tổ về kinh tế – xã hội của Quốc hội ngày 25.5 vừa qua, đại diện Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cho biết theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM thì đến tháng 3 năm nay, tỷ lệ cho vay HS, SV chỉ chiếm 4,8% trong tổng dư nợ của ngân hàng này. Tỷ lệ này so với năm 2021 không tăng, thậm chí có dấu hiệu giảm trong khi vừa trải qua đại dịch, gia đình HS, SV đang rất khó khăn về tài chính.

Giải pháp nào để SV dễ vay vốn ?

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, có những kiến nghị cụ thể trong việc hoàn thiện hơn chính sách cho SV vay. Theo đó, bên cạnh việc điều chỉnh tăng mức cho vay nhằm đảm bảo SV có thể chi tiêu cho đời sống và đủ tiền nộp học phí thì giảm lãi suất cho vay cũng là yêu cầu cần thiết. Giảm mức lãi suất cho SV vay vốn hoặc áp dụng lãi suất ưu đãi trong thời gian đi học xuống còn 3-4%/ năm, sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ áp dụng lãi suất cao hơn.

Ông Quân cũng cho biết theo quy định hiện tại SV có thời hạn vay tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Như vậy, nếu SV được vay lần đầu tiên ngay khi trúng tuyển ĐH và thời gian học 5 năm thì thời hạn vay tối đa chỉ 10 năm, tức SV phải trả nợ tối đa 5 năm sau khi ra trường. Thời hạn vay của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các quốc gia khác, chẳng hạn như Brazil (12 năm), Nhật Bản (18 năm), Malaysia và Hàn Quốc (20 năm), Trung Quốc (23 năm). Do vậy, nên điều chỉnh thời gian vay 15 năm hoặc gấp 3 lần thời gian vay (ví dụ học 4 năm được vay và trả nợ vay tối đa là 12 năm; học 7 năm tối đa là 21 năm).

Trong số các đề xuất, ông Quân đặc biệt nhấn mạnh đến việc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng SV. Bởi theo quy định được ban hành từ năm 2007 áp dụng đến nay, đối tượng được vay khá hạn chế, áp dụng cho những SV có hoàn cảnh khó khăn theo quy định. Bên cạnh đó cần nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho SV. Chẳng hạn có chính sách để các ngân hàng thương mại có thể cung cấp dịch vụ cho SV vay, thay vì chỉ thông qua Ngân hàng Chính sách như hiện nay, để đa dạng các gói vay và SV dễ tiếp cận hơn.

Người học có thể vay tiền từ trường ĐH ?

Ngoài hệ thống các ngân hàng, có ý kiến còn cho rằng người học tìm nguồn vay từ chính cách trường ĐH. Tuy nhiên, hiện hình thức hỗ trợ người học này ở các trường còn đang hạn chế.

Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Vũ Hải Quân cho rằng chính các trường ĐH cũng cần đẩy mạnh hoạt động để tăng nguồn thu khác, trong đó có từ hiến tặng. Tuy nhiên, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng nguồn thu từ hiến tặng của trường ĐH hiện cũng rất hạn chế, mà một trong những nguyên nhân là chưa có chính sách pháp luật (ví dụ chính sách miễn trừ thuế) để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hiến tặng trực tiếp cho trường ĐH.

Lấy ví dụ từ Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM. Ông Quân cho biết quỹ này được thành lập từ năm 2009, cũng mới chỉ vận động tài trợ được gần 100 tỉ đồng để tài trợ trực tiếp cho các hoạt động của ĐH này. Từ nguồn tài trợ này, quỹ đã cấp học bổng, phối hợp với Ngân hàng BIDV triển khai chương trình cho SV vay ưu đãi lãi suất 0%. Tuy nhiên, do hạn chế về tài chính nên số lượng SV nhận học bổng, được tiếp cận nguồn vốn vay của quỹ này còn ít.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Bình luận (0)