Mặc dù TP.HCM đã và đang nỗ lực thực hiện chỉnh trang đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại nhưng ở một vài nơi vẫn còn tình trạng rác thải nhếch nhác gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan.
Công nhân vệ sinh thuộc Công ty Dịch vụ Công ích quận 1 thu gom rác tại Công viên Bến Bạch Đằng
Rác thải tràn lan ở vùng ven
Dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Linh, hướng từ xã Bình Hưng ra đến quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát. Rác đủ loại, từ sofa, bàn ghế hư cũ, rác sinh hoạt gia đình, rác từ các chợ… mỗi ngày đổ ra một lượng lớn tạo thành những núi rác khổng lồ.
Bà Nguyễn Thị Nhung, người bán nước giải khát dưới chân cầu Ông Lớn lắc đầu ngao ngán: “Cứ sáng ra là thấy một đống rác to đùng. Thời gian đầu tôi có dọn, đốt nhưng do lâu ngày lại gặp trời mưa, tôi thì tuổi già sức yếu nên làm không xuể. Mưa xuống còn dễ chịu, hễ nắng lên mùi hôi xộc thẳng đến nôn ói. Để có chỗ sạch sẽ buôn bán tôi phải dời lên trên này. Chính quyền và đoàn thể địa phương, cụ thể là Ủy ban, MTTQ, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… thường xuyên tuyên truyền đến người dân cũng như ra quân thu gom rác bảo vệ môi trường sống nhưng đâu lại vào đấy. Có đêm, chúng tôi phát hiện cả xe tải che biển số chở rác đến đây đổ”.
Bà Nguyễn Thị Đỏ (ngụ đường Kênh Hiệp Tân, Q.Tân Phú) bức xúc: “Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng loại ki-ốt cho thuê phải đóng cửa và phía trước bỗng trở thành một bãi rác. Thấy có rác, người khác lại đến bỏ, cứ 2-3 ngày chúng tôi phải thuê người đến thu gom. Mình không ở đó nên cũng khó mà theo dõi, lắp camera thì cũng chỉ cho có chứ việc trích xuất mất thời gian. Giờ chỉ mong ý thức của người dân cũng như có biện pháp mạnh từ chính quyền”.
Khu Nam Sài Gòn khoảng hơn 2 năm trở lại đây, tình trạng rác thải xuống đường cũng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, một vài nơi rác vẫn là nỗi ám ảnh của người dân. Cách cổng chung cư New Saigon (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) khoảng 20m hướng về đường Lê Văn Lương từ lâu đã xuất hiện bãi rác tự phát, ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như ô nhiễm môi trường sống.
“Sáng sớm dậy là thấy ít nhất 30 bao rác to đùng, tràn ra cả nửa mặt đường. Đây là rác từ các chợ tự phát, quán ăn gần đó mang ra đổ vào lúc nửa đêm. Chúng tôi khẳng định như vậy vì qua vài lần tham gia dọn rác, thấy toàn là vỏ tôm cua, ruột cá, rau củ hư hỏng… Có thể xử lý triệt để nạn bỏ rác bừa bải ở đây bằng cách di dời chốt dân phòng bên ngoài đường Nguyễn Hữu Thọ vào hoặc lắp camera theo dõi, xử lý người vi phạm”, ông Nguyễn Văn Tiến, người dân ở ấp 5, xã Phước Kiển đề xuất.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Minh Trí – Chủ tịch UBND xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè – xác nhận bãi rác tự phát này xuất hiện khá lâu, do người dân buôn bán gần đó mang ra đổ. Để đảm bảo mỹ quan cũng như bảo vệ môi trường trên địa bàn, địa phương thường xuyên dọn dẹp, đồng thời tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, bỏ rác đúng nơi quy định.
Công viên… thành bãi rác
Mỗi ngày, từ 5 giờ 30 phút, nhóm công nhân vệ sinh thuộc Công ty Dịch vụ Công ích Q.1 bắt đầu làm việc. Nhóm có 5 người làm nhiệm vụ quét dọn, thu gom rác khu vực Công viên Bến Bạch Đằng.
Theo quan sát của phóng viên, dọc theo đường Tôn Đức Thắng (Q.1) đâu đâu cũng có rác. Tại nơi có đặt thùng rác cố định, thùng thì trống nhưng xung quanh đầy rác; có thùng thì đầy, dội ra vương vãi, tràn xuống đường. Rác chủ yếu là bao ni lông, hộp xốp, ly nhựa đựng thức ăn, nước uống do khách đến công viên hóng mát vứt lại từ đêm qua. Không chỉ rác, nước thải từ thức ăn thừa tràn xuống cả mặt đường gây mùi hôi khó chịu.
Anh T. – công nhân vệ sinh – cho biết: “Ngày nào cũng thu gom một lượng rác lớn, sau đó dội rửa mất khá nhiều thời gian. Chúng tôi phải tranh thủ làm sớm chứ nắng lên là bốc mùi hôi chịu không nổi. Ngày thường còn đỡ, cuối tuần hoặc lễ thì khỏi nói, lượng rác gấp 3-4 lần, có khi phải dọn từ sáng sớm đến trưa mới xong. Nhiều người có ý thức, ăn xuống xong thu gom cho vào bao cẩn thận rồi mang đến thùng rác bỏ nhưng cũng có những nhóm người ăn uống xong là đứng dậy đi”.
Kiến trúc sư Bùi Nguyên Trường – Công ty Thiết kế và Xây dựng cảnh quan Đông Nam – cho rằng, việc cải tạo, chỉnh trang không gian công cộng dọc sông Sài Gòn, đặc biệt là Công viên Bến Bạch Đằng là cần thiết. Đây là khu vực cảnh quan quan trọng nhất của TP nói chung cũng như sông Sài Gòn nói riêng. Việc chỉnh trang phải đạt các mục tiêu như cảnh quan đẹp, ấn tượng nhất, từ đó làm điểm nhấn cho cảnh quan dọc tuyến sông Sài Gòn. Tuy nhiên, với một không gian công cộng đặc biệt như vậy mà tình trạng xả rác bừa bãi như hiện nay là điều đáng buồn. “Để giảm lượng rác thải, TP cần có nghiên cứu cho xã hội hóa các dịch vụ ăn uống, giải khát tại khu vực công cộng, hạn chế hàng rong. Các đơn vị khai thác dịch vụ phải cam kết chịu trách nhiệm về việc xả rác, sử dụng bao bì tự hủy, thân thiện với môi trường…”, kiến trúc sư Bùi Nguyên Trường kiến nghị.
|
Một công nhân cũng cho biết, chỉ một khoảng nhỏ quanh Bến tàu thủy Bạch Đằng đã gom gần 2 xe đẩy tay. Gom rác không cực mà cực ở khâu dọn rửa sàn, vỉa hè và lòng đường. Phải chi bà con có chút ý thức thì công nhân vệ sinh đỡ cực hơn, thành phố cũng sẽ đẹp hơn trong mắt du khách gần xa.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh – ngụ đường Lê Văn Linh, Q.4 – chia sẻ: “Sáng nào tôi cũng đi bộ sang Công viên Bến Bạch Đằng tập thể dục. Bình thường chúng tôi đi bộ dọc theo bến nhưng có những hôm, nhất là cuối tuần thì chỉ quẩn quanh Cột cờ Thủ Ngữ vì phía dưới rác vây kín, nước thải từ những đống rác chảy ra nhớp nhúa”.
Khu vực công viên Văn Lang (Q.5) mỗi ngày có hàng trăm lượt người đến nghỉ ngơi, hóng mát và ăn uống…
“Người đi nhưng rác ở lại, nhiều hôm bao ni lông, hộp xốp trắng cả công viên”, chị Nguyễn Thị Minh, công nhân vệ sinh thuộc Công ty Dịch vụ Công ích Q.5 nói.
Tri Giao
Bình luận (0)